Về Phú Lễ, nhớ câu hát sắc bùa

Phú Lễ là một xã của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ vùng quê ruộng vườn, quanh năm mưa nắng hai mùa,người dân nơi đây đã cho ra đời loại rượu ngon nức tiếng. Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi vùng đất này còn đong đầy những giá trị văn hóa lâu đời với đặc trưng là nghệ thuật hát sắc bùa.

Trên những chuyến xe đò về ền Tây, thỉnh thoảng có vài ba cô chú bán hàng xin đi nhờ một đoạn, tay cầm nào là bánh tét, nào là kẹo dừa, nem chả… Ngồi trên xe, nghe tiếng chào mời: “Rượu Phú Lễ chính gốc đây! Bà con mua đem tặng xui gia nội ngoại cũng được, không đúng Phú Lễ không có lấy tiền…”.

Nghe đến đây, bất chợt những hồi ức về vùng đất Phú Lễ cứ ùa đến trong tiềm thức.

Phú Lễ là một xã của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ vùng quê ruộng vườn, quanh năm mưa nắng hai mùa, người dân nơi đây đã cho ra đời loại rượu ngon nức tiếng, được xếp vào một trong “tam đại danh tửu” của ền Tây cùng với rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh) và rượu Gò Đen (Long An).

Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi vùng đất này còn đong đầy những giá trị văn hóa lâu đời với đặc trưng là nghệ thuật hát sắc bùa.

Hát sắc bùa ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm.

“Mở cửa cho chúng tôi vào, năm mới giàu sang, gia quan tấn lộc, mở cửa, mở cửa!” là những câu hát mộc mạc trong văn hóa hát sắc bùa. Tại làng rượu Phú Lễ, Bến Tre, loại hình này được các nghệ nhân duy trì biểu diễn mỗi dịp năm hết, tết đến. Hát sắc bùa Phú Lễ ra đời khoảng giữa cuối thế kỷ 18 và theo chuyện kể lại rằng, ông Trần Văn Hậu khi làm quan ở Bình Định thấy điệu hát sắc bùa hay nên đã đem về truyền dạy cho người dân Phú Lễ khi ông về làm rể ở xứ này.

Khởi phát từ xã Phú Lễ, nét văn hóa hát sắc bùa đã lan đến các vùng khác trong tỉnh. Tuy nhiên, cộng đồng hoạt động mạnh nhất là bà con tại các xã của huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm. Người dân địa phương cho biết, hằng năm, cứ độ khoảng 27, 28 tháng Chạp, các thành viên của đội hát tụ tập lại để tập dợt cho thuần thục, đến đêm 30 Tết thì bắt đầu lên đường đi lưu diễn.

Vào đêm 30 Tết, trên những con đường nhỏ của làng, các đội hát sắc bùa bắt đầu báo hiệu sự hiện diện của mình bằng những câu hát. Đến nhà nào, đội hát sắc bùa cũng đều mở đầu và kết thúc theo trình tự: hát mở đầu, hát dán bùa, hát giúp vui và hát giã từ. Sau bài hát chia tay, đội sắc bùa lại lên đường sang gia đình khác. Cứ như thế họ đi suốt đêm 30 Tết, và kéo dài cho đến hết mùng 7 Tết, có khi là hết tháng Giêng.

Ngoài đáp ứng nhu cầu vui xuân đón Tết, hát sắc bùa còn đáp ứng yêu cầu của nhiều gia đình trong những ngày đầu xuân năm mới là cầu bình an gia đạo, trừ đuổi tà ma và chúc xuân, chúc phúc, chúc nghề cho gia chủ, cho cả khách du xuân.

Dịp lễ Tết, bà con trong làng ngơi tay công việc, ngồi lại với nhau, người lớn trẻ nhỏ cùng nghe hát. Nhạc cụ trong hát sắc bùa gồm: một đờn cò, một trống cơm, sanh cái và sanh tiền. Dưới sự chỉ huy của ông bầu, đội sẽ đánh trống cơm, gõ sanh tiền và hát sắc bùa.

Một đội gồm ít nhất bốn nghệ nhân, khi đông có thể từ 8 đến 12 người. Các nghệ nhân vừa hát vừa chơi nhạc cụ và biểu diễn các điệu múa. Người hát chính được gọi là “cái kể”, những người hát còn lại hát phụ, gọi là “con xô”.

“Cái kể” hát trước, mỗi người còn lại trong đội hát một câu so le, câu kế cả đội cùng hát. Lời hát sắc bùa là những bài thơ dài thuộc thể thơ lục bát, thơ năm chữ hoặc bốn chữ, xuất xứ từ thơ ca trữ tình dân gian, có cùng một làn điệu và bố cục gần như tương tự. Tiếng hát cùng với nhịp trống, tiếng đờn đã đi vào lòng nhiều người con Phú Lễ:

"Tôi lớn lên thì thấy mấy cô chú lớn hồi xưa đi sắc bùa, nhỏ nhỏ mới chạy theo chơi. Coi rồi thích, rồi mê tới giờ nên tập dợt, theo lưu truyền đó tới giờ".

"Nghề này là ông già tôi làm ông bầu hát bùa hồi xưa, tôi hồi đó khoảng 12 tuổi hay đi theo. Ba tôi đi hát Phước Tuy, Phước Ngãi, Tân Xuân thì hay đi theo coi, tới nhà người ta cũng cho ăn bánh ăn trái, vui lắm. Hồi nhỏ tôi ham lắm nên bây giờ quý vị mở chương trình, tôi hưởng ứng liền. Tụi tôi gầy dựng lại thì cô bác cũng hưởng ứng, vui lắm, Tết đi hát đầu này đầu kia".

Dạy học sinh hát sắc bùa Phú Lễ tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre).

Theo nhạc sĩ Huỳnh Khải, diễn xướng sắc bùa Phú Lễ là cách chúc Tết độc đáo của người dân Bến Tre nói riêng, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Qua khảo sát điền dã còn cho thấy, không chỉ diễn ra vào dịp Tết cổ truyền, giờ đây Đội hát sắc bùa Phú Lễ còn thực hiện hát giúp vui trong những ngày diễn ra lễ hội đình làng theo yêu cầu của ban khánh tiết và chính quyền địa phương. Đây cũng là nét văn hóa cổ truyền đặc sắc mà tỉnh Bến Tre đã xác định cần lưu giữ và bảo tồn.

NS Huỳnh Khải chia sẻ: "Hát sắc bùa ở Phú Lễ đã sử dụng những thang âm của hò, vè, lý, kể cả nhạc tài tử của nam bộ, đó là thang âm oán, đặc biệt là có hơi xuân. Một cái nữa là chỉ có Phú Lễ, Ba Tri mới có đó là điệu nói thơ Vân Tiên, rồi cái đờn cò trong hát sắc bùa nó cũng khác trong các loại hình khác".

Từng một thời thịnh hành trên vùng sông nước phương nam, nhưng sau bao biến đổi thăng trầm, hát sắc bùa dần bị mai một. Từ năm 1985 đến 1998, tục hát sắc bùa ở xã Phú Lễ gần như không còn do các nghệ nhân lớn tuổi đã qua đời gần hết và không có thế hệ kế thừa. Trải qua bao nhiêu năm, điệu hát sắc bùa đã bị ảnh hưởng bởi những dòng nhạc hiện đại, những người trẻ ở Phú Lễ ít ai biết hát điệu sắc bùa nữa.

Sau một thời gian có vẻ im ắng, mấy năm gần đây, hát sắc bùa đã sống lại cùng với những ngày Tết đến, xuân về và lễ hội ở địa phương Bến Tre. Đặc biệt hơn nữa khi ngày 13/4/2017, hát sắc bùa Phú Lễ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Phú Lễ mà còn là niềm vui của những người trực tiếp hát sắc bùa, của tập thể, cộng đồng tâm huyết với công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Sinh thời, cố nghệ nhân Lư Văn Hội – Nguyên Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa, người đã dành rất nhiều năm nghiên cứu loại hình diễn xướng dân gian này cho biết: "Trước hết, có thể nói người ta ngộ nhận từ “sắc bùa”với bùa chú, mê tín dị đoan. Do đó, khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì họ mới bắt đầu nhìn lại: “Tại sao hát sắc bùa lại được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia?”. Thì đó là một trong 6 hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre". 

Với người dân Phú Lễ, hát sắc bùa là một niềm tự hào còn với du khách thập phương thì hát sắc bùa là một trong những câu chuyện mở đầu khi nhắc về Phú Lễ. Từ chỗ bị mai một, nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ đã hồi sinh và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với nhiều nghệ nhân biểu diễn thành thạo và có cả thế hệ trẻ kế thừa. Loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này mãi là niềm tự hào, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.

Người dân Phú Lễ xưa nay vẫn vậy, vẫn đôn hậu hiền hòa như bao người con của ệt đồng bằng, vẫn quanh năm với thửa đất, ếng ruộng, với vườn cây, ao cá. Đến Phú Lễ, khách phương xa sẽ được dịp thử qua chung rượu nồng nàn mùi nếp mới, được thưởng thức những món ăn dân dã thôn quê.

Hơn hết, nếu về đúng ngày, đúng dịp sẽ có cơ hội được tận mắt nhìn, tận tai nghe những giai điệu vừa lạ vừa quen của hát sắc bùa, như gợi lại những ký ức xưa cũ của văn hóa ền sông nước.

Phú Lễ đã dần khẳng định với bạn bè khắp nơi dọc ngang sông nước rằng đặc trưng của vùng đất này không chỉ có rượu ngon, có tình người ấm áp mà còn cả những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa dân gian. Không ít người lo lắng, rồi đây trong tương lai, sẽ còn mấy ai ở Phú Lễ cũng như Bến Tre sẽ biết về hát sắc bùa.

Thế nhưng, những ngày này về lại vùng đất của rượu ngon nức tiếng, không chỉ được nghe những nghệ nhân lớn tuổi cất tiếng hát da diết mà cả những em nhỏ, những lớp học sinh cũng nô nức cùng nhau lưu giữ môn nghệ thuật truyền thống, cùng ngân nga câu hát của quê nhà.