Vẽ phố thêm màu

Dù nhiều cửa hàng mọc lên san sát cùng nhịp sống đô thị đông đúc, nhưng có một cửa hàng tranh nghệ thuật đã tồn tại khá lâu trên phố, lại ở vị trí trung tâm nhưng không bị cuốn theo dòng chảy hối hả đó.

Nếu đi chậm lại cùng Bộ hành qua phố, chắc chắn chúng ta sẽ không bỏ lỡ một điểm dừng mắt thú vị, đó là một xưởng tranh nghệ thuật nhỏ xinh, có một sắc màu rất lạ so với nhịp sống nhộn nhịp và đông đúc trên con phố này.

 

Vũ Tông Phan là con phố chạy ven bờ đông sông Tô Lịch. Năm 2013, khi dự án kè bờ sông Tô Lịch được hoàn thành đã tạo sự thay đổi lớn cho môi trường sống của người dân nơi đây. Con phố vì thế cũng trở nên nhộn nhịp nhanh chóng.

Đặc biệt, trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, sau khi 3 cây cầu mới, nối đôi bờ 2 con đường chạy dọc sông Tô Lịch là phố Vũ Tông Phan và Khương Đình được hoàn thành  thì diện mạo của phố ghi dấu sự đổi thay nhiều hơn nữa.

Những cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, bảng hiệu rực rỡ trải dọc phố với đủ loại mặt hàng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho lượng dân cư đông đúc. Ít ai có thể hình dung được, chỉ khoảng hơn chục năm trước, con phố Vũ Tông Phan như một con đường mòn bị ô nhiễm nghiêm trọng, với rác dưới sông, rác trên đường bủa vây môi trường sống con người; thì nay đã là một con phố bên sông, thoáng đãng và đông đúc như bao con phố trong nội đô khác.

Dù nhiều cửa hàng mọc lên san sát cùng nhịp sống đô thị đông đúc, nhưng có một cửa hàng tranh nghệ thuật đã tồn tại khá lâu trên phố Vũ Tông Phan (Ảnh; Vũ Loan)

Dù nhiều cửa hàng mọc lên san sát cùng nhịp sống đô thị đông đúc, nhưng có một cửa hàng tranh nghệ thuật đã tồn tại khá lâu trên phố, lại ở vị trí trung tâm nhưng không bị cuốn theo dòng chảy hối hả đó.

Một chiếc biển hiệu ghi “Xưởng vẽ tranh nghệ thuật” trông như đã cũ, treo trước cửa một ngôi nhà cũng đã cũ, với màu sắc, chữ vẽ tay đơn giản, vài chiếc ghế gỗ và mấy bức tranh đặt phía mặt tiền như lọt thỏm giữa những cửa hàng biển hiệu lớn, màu sắc rực rỡ, bắt mắt xung quanh.

Tôi chú ý tới sự khác biệt này bởi đây là xưởng tranh duy nhất trên một con phố mà chắc hẳn, sự trầm lắng của nghệ thuật không có nhiều cơ hội được lên tiếng. Tôi đinh ninh và chuẩn bị sẵn tinh thần trò chuyện với chủ xưởng tranh có lẽ sẽ là một bác họa sĩ lớn tuổi.

Khá bất ngờ khi xưởng tranh này của một anh họa sĩ tầm 40 tuổi, là người đã gắn bó với con phố Vũ Tông Phan và chứng kiến sự đổi thay của con phố hơn 30 năm qua. Anh mở xưởng tranh ngay tại nhà đã hơn chục năm và nét cổ, màu sắc cổ anh đang duy trì cho xưởng tranh trước sắc màu hiện đại của con phố chính là điều anh chủ đích hướng tới. 

"Mình cố tình làm kiểu đấy. Tức là khi chọn màu ở hướng này là hướng tây, khi ánh nắng chiếu vào mà mình làm cái biển rực rỡ quá thì người đi đường nhìn vào sẽ chói mắt nên mình làm cái biển thật dịu như phong cách của Pháp khi bạn đi ở phố cổ. Nó hợp tông màu nhiệt đới. Khi đi qua 1 con phố biển màu sắc rực rỡ thì mình thích biển màu mát mắt 1 chút".

Anh chủ xưởng tranh và những người bạn của mình, hay bất kỳ khách bộ hành nào trên con phố Vũ Tông Phan vẫn hay dừng chân, uống vài chén nước, trò chuyện đôi ba câu chuyện thường ngày trên chiếc ghế anh để trước cửa. Phố bên sông mang lại một không gian rộng mở hơn cho góc nhìn người họa sĩ. Và hơn hết, anh thấy được hòa mình trong không gian này:

"Khi ở cạnh 1 con sông thì lúc nào nó cũng như 1 dòng chảy, có thể con phố này rất nhộn nhịp, bên này nó đa dạng các loại hình kinh doanh nhưng chưa có cái cá tính riêng của nó với đủ các mặt hàng . Cửa hàng của anh là 1 gam màu trung tính đặc biệt, vì anh thích 1 cái gì đó nó tự nhiên, có thể là cuộc sống bên cạnh thay đổi nhưng mình vẫn giống như lúc mình sinh ra và lớn lên ở con phố này".

Chỉ đơn giản vậy thôi, anh họa sĩ đã vẽ phố thêm màu. Những màu sắc ấy không cần phải rực rỡ nhưng vẫn nổi bật theo một cách rất riêng. Anh họa sĩ cảm nhận Hà Nội của chúng ta được làm nên từ những nét vẽ như thế, có thể dễ dàng phác họa trên phố phường, hay một góc vỉa hè như thế.

Và chúng ta, ai cũng thấy được nét vẽ sắc màu của riêng mình trong bức tranh và dòng chảy cuộc sống không ngừng này.