Về Gò Công thăm ao Trường đua

Trong bài thơ "Gò Me", nhà thơ Hoàng Tố Nguyên đã có những câu thơ viết về Gò Công quê ông. Trong đó, hình ảnh ao làng “nước trong, trăng tắm, mây bơi” được nhà thơ nhắc đến chính là ao Trường đua ở trung tâm thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang ngày nay.

 “Ruộng vây quanh, bốn mùa gió mát

Lúa nàng Keo chói rực mặt trời

Ao làng trăng tắm, mây bơi

Nước trong như nước mắt người tôi yêu…”

Trải qua hơn một thế kỷ với nhiều biến động lịch sử, ao Trường đua luôn song hành cùng với những buồn vui của người dân nơi đây.

Bao thế hệ người Gò Công dù xa xứ, mỗi khi nhớ quê vẫn không quên những kỷ niệm gắn bó, thân thương với ao Trường đua.  

Toàn cảnh ao Trường Đua - Ảnh vietnamnet

Được bao bọc bởi các con đường Nguyễn Huệ, Thủ Khoa Huân và Trương Công Luận ở thị xã Gò Công (Tiền Giang), ao Trường đua hình vuông với cạnh dài 100m, diện tích rộng khoảng 1 hecta, bề sâu khoảng 3m. Mặt ao như tấm gương biếc xanh, soi rọi bầu trời với những đám mây lơ lửng, nắng trưa sánh vàng cùng sóng nước tạo nên phong cảnh hữu tình, thoáng đãng giữa lòng phố thị.

Theo tác giả Việt Cúc trong "Gò Công cảnh cũ người xưa", Sơn Nam chú giải và bổ sung thì ao Trường đua được đào vào cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đến đặt quan tham biện cai trị đất Gò Công. Khi ấy, vùng Gò Công còn nhiều bàu, vũng, bùn lầy, nước đọng, phần đất gò rải rác ở nhiều nơi như: Giồng Tháp, giồng Ngâu, giồng Lãnh, giồng Tân… nằm xen lẫn với rạch cùng, bàu cạn.

Để xây dựng các cơ sở dinh thự thì cần phải có một khối lượng đất khổng lồ mới đủ lắp bằng khu vực bàu, vũng, lung. Do đó, người Pháp đã bắt dân phu vùng Gò Công đào ao và đấp thêm những con đường ngang, dọc để mở rộng lưu thông trong làng thành phố.

Kể về Gò Công giai đoạn này, anh Phan Khắc Huy - người am hiểu văn hoá Nam Bộ, sáng lập Thư quán Cội Việt và là trưởng nhóm tác giả bộ sách Lục tỉnh cầm ca cùng dự án Đối thoại văn hóa cộng đồng, thông tin: "Theo thông tin địa chí xưa mà tôi có được thì khoảng cuối thế kỷ 19, người Pháp xây dinh Tham điện (bây giờ mình thường gọi la dinh Tỉnh trưởng Gò Công) là một tòa nhà Pháp rất là đẹp và vẫn còn ở thị xã Gò Công. Do cái địa hình Gò Công không bằng phẳng nên người Pháp chọn khu đất để đào đất, dùng đất đắp nền khu vực dinh Tham điện.

Sau khi đào đất, đắp nền xong thì khu vực đó trở thành hố đất rất là rộng. Trải qua nhiều mùa mưa thì hố đất này trở thành ao nước. Từ ao nước này họ mới đắp con đường bao xung quanh nó lại và tổ chức thành trường đua ngựa".

Theo các bậc cao niên kể lại, hồi ấy, hàng năm, cứ đến những dịp lễ Tết, nhất là ngày 14/7 (người dân hay gọi là lễ “Chánh chung”), những cuộc đua ngựa, vui chơi diễn ra quanh ao rất rầm rộ. ngoài đu ngựa, họ còn tổ chức thêm các cuộc đua xe bò, xe ngựa, xe đạp để giúp vui và tên gọi ao Trường Đua cũng bắt đầu từ đó.

Cũng chính những cuộc đua này khiến việc sử dụng xe ngựa ở Gò Công ngày càng phổ biến hơn các vùng phía tây, nhà thơ Hoàng Tố Nguyên trong bài thơ Gò Me đã ghi lại hình ảnh chiếc xe ngựa ở quê mình qua 2 câu thơ:

“Con đê cát đỏ cỏ viền

Leng keng nhạc ngựa, đường lên chợ Gò”.

Gò Công là xứ đồng chua nước mặn, vào mùa nắng việc lo nước ngọt tiêu dùng là vấn đề khó khăn. Trong cuốn sách “Gò Công xưa và nay”của tác giả Huỳnh Minh có ghi chép: “Trước nạn thiếu nước của đồng bào ở thành hết sức là chật vật, đầu mùa nắng từ tháng 10 trở đi người ta đã lo nghĩ nước ao xài không đủ phải mướn xe chở nước ngọt ở xa về xài. Trên hồ ao có vài tư-nhân đặt máy bơm, hút nước dưới ao lên xe hơi xi-tẹt hoặc xe bò chở đi đổi nước trong thành phố. Dân chúng cũng tự do múc gánh.”

Ao Trường Đua - Ảnh vietnamnet

Ao sâu nên hầu như không bao giờ cạn nước, thỉnh thoảng làng cho bơm vét sạch, cá lâu năm có con năm, bảy ký là chuyện bình thường. Những hàng cây dương, cây me trồng quanh ao vừa lấy bóng mát, vừa giữ đất để không sạt lở. Khi nhắc về kỷ niệm xưa, bà Phan Thị A, 70 tuổi, sinh ra và sống ở thị xã Gò Công nhớ lại: "Hồi xưa cô còn nhỏ lúc mười mấy tuổi, cô ở cầu huyện lên ao Trường đua gánh nước. Đông người gánh lắm, chiều nào cũng vậy, người ta gánh nước về để xài, không có tốn tiền. Bây giờ mới vét lại nước mới nhiều chứ hồi đó ao hay cạn lắm".

Sau này, do thiếu quản lý, nước ao ô nhiễm nặng không thể dùng được, người ta chặt bỏ cả những cây dương già bao bọc quanh ao từng gắn kỷ niệm của biết bao người vùng quê duyên hải. Ai đi ngang qua cũng thấy man mác tiếc nuối điều gì đó vốn từng rất gần gũi, thân thương.

Anh Phan Khắc Huy, người sáng lập Thư quán Cội Việt cùng những dự án văn hóa cộng đồng cho biết thêm: “Trải qua một thời gian dài nó trở thành biểu tượng ký ức của người dân Gò Công. Sau 1975, khu vực này không được chú ý, chỉnh trang nhiều. Mãi những năm gần đây họ mới cho làm kè và sửa sang lại khu vực xung quanh ao Trường đua và nó trở thành biểu tượng mới của thị xã Gò Công - trên lộ trình tiến lên thành phố vào năm 2025 theo quyết định của chính quyền tỉnh Tiền Giang.”

Những năm gần đây, thị xã Gò Công vươn mình phát triển, vì thế công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm và đầu tư hơn; đường được mở rộng và ao Trường Đua đã được nạo vét, lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh. Người dân vui vẻ vì công viên ao nước thân thương một thời đã đầy nước, xanh mát trở lại, bờ kè sạch sẽ, đường phố khang trang.

Anh Ngô Minh Thái, 45 tuổi, là người dân ở huyện Gò Công Đông chia sẻ: "Đi ngang đó và có thể nghỉ chân, hóng mát quanh ao đó, có gió và hơi nước lên nên rất là mát mẻ. Mặt chỉnh trang đô thị người ta cũng làm lại, xây xung quanh bờ kè rồi người ta lát gạch, để những cái ghế… để mọi người có thể đi dạo vào buổi chiều, có không khí mát mẻ và tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc mệt mỏi"

Ngày nay, ao Trường Đua đã trở thành trái tim của thị xã, là biểu tượng mới của người dân Gò Công trân trọng và giữ gìn. Đêm đêm, dưới bầu trời trăng thanh gió mát, nhiều người thư thái dạo quanh bờ ao, ngắm cảnh nước lấp loáng “trăng tắm, mây bơi” để hồi tưởng và nghe kể lại những giai thoại lịch sử đã qua.

Mong rằng ao Trường đua sẽ giữ mãi mặt nước trong xanh đến những đời sau - như tâm tình và tấm lòng của người dân xứ Gò./.