Trong đó có những câu chuyện về Ông Già Ba Tri, một biểu tượng của sự khảng khái, chính trực và thẳng thắng, dám đấu tranh để bảo vệ lẽ phải và không chùn bước trước mọi bất công.
Những câu chuyện về “Ông già Ba Tri” không chỉ làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian mà còn để lại những bài học sâu sắc về cách đối nhân xử thế.
Theo các bậc cao niên, những giai thoại về “ông già Ba Tri” bắt nguồn từ câu chuyện có thật. Nhân vật đó là ông Thái Hữu Kiểm hay còn được gọi là “ông cả Kiểm”. Ông Thái Hữu Kiểm sống vào đầu thời vua Minh Mạng tức vào khoảng đầu thế kỷ thứ XIX.
Ông nổi tiếng với câu chuyện cùng mấy ông già khác, đi bộ từ huyện Ba Tri, Bến Tre ra tới Kinh thành Huế để nộp đơn kiện cho vua Minh Mạng, đòi lại công bằng cho người dân ở Ba Tri. Cho tới nay, cụm từ "Ông già Ba Tri" đã trở thành một thành ngữ phổ biến trong dân gian, để chỉ những ông già mà cứng cỏi, cương quyết bảo vệ công lý.
"Thường thường ai làm chuyện gì đem lại lợi ích cho nhân dân thì người ta nói “Mầy làm sao giống ông già Ba Tri quá”.
"Nhiều người chưa hiểu ông già Ba Tri nên nghe nói ông già Ba Tri thì họ tưởng rằng ông già Ba Tri là người ăn nói lỗ mãng, tướng tá bậm trợn đen đúa. Nhưng không phải vậy, ông già Ba Tri là người dám đấu tranh cho lẻ phải"
Theo sách sử ghi chép, ông Thái Hữu Kiểm là con trai ông Thái Hữu Chư, là cháu nội của ông Thái Hữu Xưa, gốc ở Quảng Ngãi, sinh cơ lập nghiệp ở Ba Tri từ thế kỷ XVIII. Ông Thái Hữu Xưa từng làm thủ khoán, có con trai là Thái Hữu Chư cũng làm chức tri thâu đã xin lập nên “Ba Tri trại cá”. Từ “Trại” dùng để chỉ những vùng có dân cư còn ít, thưa thớt, không đủ để lập làng. Dần sau đó, ông Thái Hữu Chư tiếp tục xin đổi tên “Ba Tri trại cá” thành làng An Bình Đông.
Trước đó, khi chúa Nguyễn Ánh dấy quân đánh quân Tây Sơn, trên bước đường chinh chiến đã từng trú tại cồn Đất – nay là Cù Lao An Bình, xã An Hiệp, Ba Tri ngày nay. Con trai ông Thái Hữu Chư là Thái Hữu Kiểm hằng ngày mang cơm, gạo, cung cấp lương thực để nuôi quân. Vì lẽ đó, chúa Nguyễn Ánh phong cho ông Kiểm chức “trùm cả” làng An Bình Đông.
Trước đó, ở làng An Hòa Tây cách làng An Bình Đông chừng 3 cây số, ông cả Hạc (Tên thật là Trần Văn Hạc) đã cho lập 1 ngôi chợ lấy tên Chợ Ngoài. Đến năm 1806, nhận thấy nhu cầu mua bán, trao đồi hàng hóa của người dân, ông Kiểm cho dựng chợ tại quận Ba Tri. Do thành lập sau nên gọi là “Chợ Trong” bên cạnh rạch Ba Tri, giúp cho dân cư ở khu này có nơi làm ăn sinh sống.
Nhằm tạo điều kiện cho bà con xa gần lui tới, thuận tiện mua bán, ông cả Kiểm cho đắp lại con đường bộ từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung; từ Ba Tri đi đi Phú Lễ. Do thuận thủy, thuận bộ nên Chợ Trong ngày càng sầm uất, ăn nên làm ra. Người dân vùng Phú Lễ, Bình Tây, Bình Đông, thậm chí người dân ở các tỉnh khác như Trà Vinh, Tam Hiệp, Mỹ Tho cũng theo sông Hàm Luông, qua kênh Ba Tri đến Chợ Trong họp chợ.
Trong khi Chợ Ngoài của ông cả Hạc lại “đìu hiu, vắng khách”. Thay vì phải chỉnh trang lại chợ, tìm mọi cách thu hút bà con, ông Cả Hạc lại giở chiêu “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, đắp đập chặn dòng Ba Tri không cho ghe tàu của thương buôn vào chợ Trong.
Theo ông Thái Hữu Chí – Cháu đời thứ 7 của ông cả Kiểm kể lại: Do bị chặn dòng Ba Tri nên người dân chợ Trong không buôn bán được, ra chợ ngoài thì bị chèn ép trở nên nghèo, đói. Không chịu nổi cảnh người dân bị hà hiếp, ông Thái Hữu Kiểm quyết định kiện lên quan làng: "Hồi xưa ở đây là cái chợ do ông Thái Hữu Kiểm lập nên. Cách đây 3 cây số có 1 làng nửa cũng có 1 chợ. Do chợ này càng ngày càng đông, rồi ngoài kia ông cả Hạc mới đắp đập ngang không cho các nơi lưu thông vào chợ này nửa. Ông cụ mới đi lên thưa, Hồi xưa Bến Tre mình không có mà ở Vĩnh Long mới xử. Thưa lên đó mấy lần nhưng đều không thành công"
Nhưng “Phép vua thua lệ làng”, Quan làng lại xem chuyện này là nhỏ, và xử cho ông cả Hạc thắng kiện với lý lẻ rằng: “Đất, sông, rạch làng nào thì làng đó được quyền khai thác, sử dụng”. Không đồng ý với phán quyết của lệ làng, ông Kiểm quyết định nhờ đến phép vua. Sau khi trở về quê, ông cùng với 2 người khác trong đó có người bị kiện là ông Trần Văn Hạc (ông cả Hạc) và người làm chứng là ông Nguyễn Văn Tới ra kinh thành Huế nhờ vua phân xử.
Nói về hành trình của chuyến đi kiện có 1 không 2 trong lịch sử để giành quyền lợi cho dân, ông Trần Văn Nghĩa – Người có nhiều nghiên cứu về lịch sử Bến Tre cho biết, dù tuổi cao nhưng với tính khí khảng khái và sự cương trực của mình, sau 3 tháng rời ròng rã, vượt qua hàng ngàn dặm đường đồi núi hiểm trở, cuối cùng 3 ông cũng đã đến được kinh thành Huế:
"Có 3 người đi kiện là ông Thái Hữu Kiểm, ông Trần Văn Hạc (ông cả Hạc) và ông Tới. Ông cả Kiểm và ông cả Hạc là 2 người bạn rất thân, 2 người cùng đi. Thêm 1 người làm chứng nữa là ông Tới. Ngay thời điểm đó lẽ ra dân người ta muốn đi phải đợi mùa gió Nam mới đi. Còn đằng này với tính khí cương trực của cụ Kiểm là không chịu thua nên quyết định đi bộ. Đi suốt trong mấy tháng trời. Ra ngoài đó gặp được vua Minh Mạng và phán xét chuyện sông rạch là của chung chứ không phải của riêng ai, cho nên vua phân xử ông cả Hạc thua"
Sau phán quyết của vua Minh Mạng, con đập trên kênh Ba Tri cũng đã được tháo dỡ, từ đó về sau người dân Ba Tri sống hòa thuận, đoàn kết, gắn bó, cùng nhau làm ăn buôn bán, tạo dựng cơ ngơi mà không còn phân biệt là chơ Trong hay chợ Ngoài. Cũng từ đó, chợ Trong cũng được đổi tên thành Chợ Ba Tri cho đến ngày hôm nay.
Nói về tầm ảnh hưởng của ông già Ba Tri đối với người dân Ba Tri nói riêng và người dân Bến Tre nói chung, ông Nguyễn Minh Trấn – Nguyên chủ tịch Hội Di sản Bến Tre cho biết: "Từ một ông già Ba Tri, nó đã tỏa ra, nó có ảnh hưởng trong cái giá trị chung, nó đã trở thành 1 điển tích, một thành ngữ, một ý chí tiêu biểu cho những người cao tuổi vì công lý, vì người dân được đề cao. Sau khi đã được triều đình xử thắng kiện rồi, từ đó phải dĩ hòa vi quý - tức là người sai nhận ra cái sai của mình và người thắng kiện cũng chấp nhận cái đó để cùng sống, cùng xây dựng làng xã của mình"
Về Ba Tri hôm nay, người ta không chỉ cảm nhận vẻ đẹp bình dị của ền quê đang thay da đổi thịt từng ngày mà còn được nghe những câu chuyện đầy tự hào về “Ông già Ba Tri”. Ngôi “Từ đường” nơi ông từng sinh sống tại Ba Tri giờ đây cũng đã trở thành điểm tham quan ý nghĩa cho những ai muốn tìm hiểu về “Ông già Ba tri”.
Nơi đó, du khách sẽ được nghe kể về mối quan hệ họ hàng, bà con thân tộc trong đó có câu chuyện “Ông già Ba Tri”, hay chuyện ông Nguyễn Văn Bích – cháu đời thứ 6 của ông già Ba tri và là chồng của nữ tướng Nguyễn Thị Định mà người dân Bến Tre gọi với cái tên thân thuộc là “Cô Ba Định”.
Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện về tính khí khái, sự kiên trì, nhận nại của người nông dân chân chất dám bỏ công sức để đấu tranh giành quyến lợi cho dân vẫn được lưu truyền trong những buổi trò chuyện của người dân địa phương, như cách họ tôn vinh một biểu tượng của lòng tự tôn dân tộc, để nhắc nhở con cháu về những giá trị sống đúng đắn, ngay thẳng và vị tha.
Theo ông Nguyễn Quang Trị - Nguyên Giám đốc Sở Văn Hóa – Thể Thao và Du Lịch Bến Tre, chính tính khí khái, sự kiên trì của ông già Ba Tri, cùng với tinh thần yêu nước, yêu dân tộc của nhà thơ Nguyên Đình Chiểu đã làm nên tin thần Đồng Khởi của người dân Ba Tri và cả Bến Tre ngày nay: "Nói đến giai thoại ông già Ba Tri, người ta muốn nói đến, tính khí khái của một ông nông dân ở vùng quê, sự kiên trì, nhẫn nại và khí khái của mình để đi đấu tranh ra tới trung ương để kiện triều đình Huế về chống bất công. Cái đó là một cái biểu hiện rất rõ. Khi nhắc đến ông già Ba Tri thì nhiều người cũng lưu ý chi tiết này.
Đặc biệt là kể từ khi ông Nguyễn Đình Chiểu về Ba Tri, tinh thần của ông già Ba Tri được nhân lên. Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn sáng mắt ông cha không thờ. Ông Nguyễn Đình Chiểu đã nâng cái tinh thần của ông già Ba Tri, nâng cái khí khái của ông già Ba Tri lên rất cao"
Con Rạch nhỏ một thời vang danh đến tận kinh thành Huế, gắn liền với sự kiện tụng có 1 không 2 trong lịch sử Việt Nam ngày nao vẫn còn uốn lượn quanh co. Trãi qua bao cuộc biến thiên của lịch sử, mọi vật đều đã thay đổi, nhung chỉ duy nhất con đường Thái Hữu Kiểm vẫn còn hiện hữu. Nằm kề bên ngôi nhà thờ gia tiên của dòng họ Thái là ngôi chợ Ba Tri trẻ trung, năng động.
Câu chuyện về ông già Ba Tri không chỉ là một giai thoại thú vị mà còn là biểu tượng của tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh cho lẽ phải. Trên hành trình khám phá vùng đất Bến Tre, đi giữa những hàng dừa xanh man mát và bầu không khí yên bình của một vùng quê, ta như nghe thấy những giai thoại trăm năm vọng về….