Văn Miếu trong ngày Hội sách

Nếu bộ hành qua Văn Miếu Quốc Tử Giám, thường thấy khách du lịch tìm tới đây tham quan hoặc các cô cậu học trò, sĩ tử đến cầu may mắn trước mỗi kỳ thi quan trọng.

Dưới không gian rợp bóng cây những ngày này, người ta được chứng kiến một không khí nhộn nhịp khác hẳn ngày thường của di tích nổi tiếng trong Ngày sách Việt Nam. 

Dưới mưa nắng thất thường của ngày giữa tháng tư, bộ hành dần thả chậm bước chân men theo dãy tường gạch vồ bao quanh di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, để cảm nhận sự khác biệt của không khí thâm trầm phía sau tường bao với phố xá ồn ào.

Dù quang cảnh nơi này vẫn vậy, vẫn cổng Văn Miếu nổi bật với các bức phù điêu đắp nổi nhưng có nhiều du khách vào tham quan đang cầm trên tay túi sách to nhỏ, đủ sắc màu.

Cổng vào Văn Miếu trong Ngày sách Việt Nam năm nay

Dương Thị Thu Ngân và người bạn học cùng lớp đang sôi nổi bàn luận về những quyển sách mình mới mua ở Hội sách bên Hồ Văn. Đây đã là lần thứ hai, Ngân tới dự hội sách ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và mỗi lần là trải nghiệm khác biệt:

"Khi có hội sách ở khu di tích như thế này đường rất đông, không khí những ngày đầu náo nhiệt, vui hơn. Em đến sớm nên sách đồng giá, giá rẻ bìa đẹp rất nhiều".

Trên gò Kim Châu ở Hồ Văn, bộ hành đều dừng bước chân để lắng nghe chuyện sách, chuyện trà. Đây cũng từng là nơi các nho sĩ thời xưa thường lui tới để bình văn chương thơ phú. Dù có rất đông người qua lại nhưng dưới dấu tích thâm trầm của kiến trúc khu di tích đặc biệt, ai nấy đều chung cảm hứng tìm kiếm sự chậm rãi vừa vãn cảnh, vừa ngồi đọc sách dưới bóng cây.

"Tôi đi từ Cao Bằng, Lạng Sơn, qua thăm Lăng Bác, giờ ở đây. Phong cảnh như ngày xưa tôi đi 10 năm trước, khác là người đông hơn. Có Hội sách vậy cũng có ý nghĩa, vừa vào thăm di tích vừa mua sách luôn".

"Sách là tri thức. Đọc sách để hiểu về di tích, hiểu về lịch sử. Những ngày có sự kiện như thế này rất tuyệt vời".

Một không khí nhộn nhịp khác hẳn ngày thường của di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám trong Ngày sách Việt Nam
Ai nấy đều chung cảm hứng tìm kiếm sự chậm rãi vừa vãn cảnh, vừa ngồi đọc sách

Với bề dày lịch sử cả nghìn năm, di tích mang vẻ đẹp của sự cổ kính mà tôn nghiêm. Có biết bao học sinh, sinh viên từ khắp mọi ền từng đặt chân tới nơi này cầu thi cử đỗ đạt. Bước chân vào Văn Miếu tựa như học trò tới tầm sư học đạo. Một nơi tượng trưng cho tinh thần hiếu học nay lại tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc, không thể phù hợp hơn để lan tỏa giá trị của sách.

Với những người vốn chỉ có mong muốn tham quan địa điểm nổi tiếng của thủ đô, nếu có tình cờ thấy không khí tưng bừng của ngày hội sách, của không khí đọc sách, sẽ thêm tò mò mà dừng chân đứng lại, lựa chọn cho mình đầu sách hay trước đó chưa kịp đặt hàng.

Trên gò Kim Châu ở Hồ Văn, bộ hành đều dừng bước chân để lắng nghe chuyện sách, chuyện trà

Có thể, chúng ta đã bắt gặp Hội sách ở khắp nơi, nhưng không gian thâm trầm của di tích cổ nơi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, càng thu hút thêm nhiều hơn nữa độc giả trung thành của sách. Nếu mùa xuân, bộ hành thấy ở nơi này không thể thiếu hình ảnh quen thuộc của những ông đồ mặc áo the, đội khăn xếp thảo những nét vẽ “như phượng múa, rồng bay”.

Thì trong ngày hội sách, sách ở khắp nơi, trên tay bộ hành ngang dọc phố phường, trên tay du khách tham quan, trên tay cô cậu học trò ngồi dưới bóng cây ở Vườn Giám, ở Hồ Văn, khu Thái Học… Truyền thống hiếu học như được nối dài và tiếp thêm sức sống.

Ở nơi tôn nghiêm này, sự học, sự đọc, sự trọng dụng hiền tài được nâng lên tầm cao và trở thành cả một nền văn hiến.