Vạch xương cá quá ngắn, nhiều cầu vượt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Tại cầu vượt Cổ Linh - Đàm Quang Trung, hướng đi trung tâm thành phố, nhiều tai nạn đã xảy ra khi các xe đâm vào mố cầu vượt, do vạch xương cá quá ngắn. Tình trạng tương tự diễn ra tại nhiều cầu vượt khác của Hà Nội.

Hãy cùng VOV Giao thông trò chuyện về bất cập này và biện pháp cần triển khai để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. 

Xin chào anh, mời anh giới thiệu một chút về mình.

Tôi là Đinh Văn Nghĩa, giáo viên Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe, Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an.

Anh thấy vạch xương cá hiện nay tại các cầu vượt ở Hà Nội có gì bất cập?

Quy chuẩn Quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định vạch 1.16, mà chúng ta còn gọi là vạch kênh hóa dòng xe, vạch xương cá,… có tác dụng xác định đảo phân chia hay đảo nhập dòng phương tiện.

Tôi thấy hiện nay việc sơn kẻ vạch này còn một số bất cập, cụ thể: vạch sơn kẻ còn ngắn, thiếu các đinh vuông phản quang 3M, nên chưa thực sự đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Nhất là tại điểm phân chia dòng phương tiện, lối lên xuống cầu vượt đường bộ, hoặc phân chia dòng, làn trên đường cao tốc.

Tại nhiều cầu vượt ở Hà Nội, vạch kênh hóa dòng xe (hay còn gọi là vạch xương cá) quá ngắn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra va chạm (Ảnh: Minh Hiếu)

Bất cập này tiềm ẩn những rủi ro nào với người tham gia giao thông?

Tôi lấy ví dụ tại 2 nơi mà tôi tận mắt chứng kiến là cầu vượt Cổ Linh - Đàm Quang Trung và cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, vạch xương cá quá ngắn, khiến các xe hay xảy ra va chạm, nhất là vào đêm tối. Họ không kịp quan sát và giảm tốc, dẫn đến đâm vào lan can cầu.

Vâng, bản thân tôi từng phải phanh gấp tại đoạn QL5 qua Big C Long Biên vì bị xe đằng trước cản, đến gần mới giật mình phát hiện phía trước là dải phân cách cứng không có sơn kẻ vạch gì. Hay tại cầu vượt Cổ Linh - Đàm Quang Trung, hướng đi Hà Nội, phần mố cầu bằng bê tông vỡ vụn, có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều phương tiện đã đâm phải.

Đó là người tham gia giao thông không kịp giảm tốc độ từ xa. Đa số cầu vượt trong nội thành Hà Nội và một số cầu vượt trên đường liên tỉnh, nếu không cẩn trọng thì có thể đâm vào dải phân cách, gây tai nạn giao thông.

Ví dụ như đường tỉnh 379, tôi chứng kiến khoảng 10 vụ, dù chưa có thiệt hại về người nhưng các phương tiện thiệt hại rất nặng. Khi có nhiều bất cập, tôi đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT tỉnh Hưng Yên. Cơ quan quản lý đường bộ của tỉnh đã có biện pháp khắc phục. Từ đó đến nay rất mừng là không có những vụ TNGT xảy ra nữa.

Dải phân cách bằng bê tông vỡ vụn, có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều phương tiện đã đâm phải khi không có, hoặc không đủ cảnh báo từ vạch xương cá (Ảnh: Minh Hiếu)

Vậy anh có mong muốn gì gửi đến cơ quan quản lý để khắc phục bất cập, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông khi qua các cầu vượt?

Cơ quan quản lý đường bộ và Sở GTVT Hà Nội nên khảo sát, rà soát lại, điều chỉnh một chút cho phù hợp và tăng khả năng cảnh báo.

Thứ nhất, ở mép ngoài đường bao vạch xương cá, cần đóng đinh vuông phản quang 3M để tăng khả năng bắt sáng, phản sáng cho các phương tiện, nhất là khi lưu thông trong trời tối.

Thứ hai, khi sơn kẻ vạch, cần kéo dài trước lối vào - ra của đảo phân chia hay nhập dòng phương tiện khoảng 50 - 100m tùy từng vị trí.

Thứ ba, kết hợp vạch sơn kẻ giảm tốc trước khi đến đảo phân chia, nhập dòng phương tiện. Cuối cùng, cần lắp đèn vàng nhấp nháy để cảnh báo nguy hiểm.

PV: Vâng, xin cảm ơn anh!