Tuyến phố kiểu mẫu: Chẳng biết mà ngờ tới

Từ nhiều năm nay công tác bảo tồn, khôi phục lại các tuyến phố cổ Hà Nội luôn được chú trọng quan tâm. Tuy nhiên, thực tế có những việc làm khá tốn kém và không mang lại hiệu quả mong muốn, và chỉ được một thời gian sử dụng là bị bỏ rơi, gây lãng phí…

Ví như việc lắp đèn tín hiệu giao thông ở một số tuyến đường trong phố cổ. Từ nhiều năm nay, sau khi tiến hành lắp đặt thì các cột đèn này chỉ hoạt động… ví dụ trong một thời gian ngắn, rồi dừng hẳn.

Rõ ràng, với điều kiện giao thông thực tế trong khu vực phố cổ, việc lắp các cột đèn tín hiệu giao thông là không khả thi. Vậy là các thiết bị này cứ nằm im bất động ở đó, có cái thì vẫn hoạt động bằng cách nhấp nháy đèn vàng, có cái thì tắt ngấm.

Ngày qua ngày, dãi nắng dầm mưa, hỏng hóc, xuống cấp. Điều đáng nói là có những cột đèn hỏng, ngay lập tức sẽ được thay cái mới. Nhưng chức năng thì vẫn như những cột đèn cũ – tức là không hoạt động?

Ở phố cổ Hà Nội, thỉnh thoảng một tuyến phố sẽ được triển khai thí điểm một dự án nào đó. Ví dụ như phố Tạ Hiện. Năm 2011, quận Hoàn Kiếm tiến hành cho lát đá tự nhiên toàn bộ tuyến phố này, đồng thời với việc chỉnh trang lại mặt tiền khu phố cho đồng bộ.

Với mục đích tạo thành một tuyến phố kiểu mẫu, mang phong cách phố cổ, để sau đó sẽ tiếp tục dự án lát đá và chỉnh trang thêm hàng loạt tuyến phố khác.

Phố Tạ Hiện

Thế nhưng, sau khi cải tạo tuyến phố này, cũng đã nảy sinh những bất cập mà có lẽ những kiến trúc sư của Thủ đô – những người tham gia vào dự án này cũng chẳng ngờ tới… Hoặc chẳng biết mà ngờ tới.

Nhìn vào bộ mặt phố Tạ Hiện bây giờ, ai cũng thấy đẹp, khác xa so với các tuyến phố khác. Các căn nhà trên phố được quy hoạch, chỉnh trang lại mặt tiền một cách đồng bộ, cửa gỗ sơn xanh một màu, tường quét vôi vàng nổi bật tinh thần phố cổ - nhưng nhìn vào đây, tôi luôn có cảm giác xa lạ và thấy không hề giống một chút nào với phố cổ Hà Nội.

Còn lòng đường, đặc biệt là lòng đường được lát đá khối tự nhiên rất đẹp, rất ra dáng một con phố cho khách bộ hành dạo chơi… Ban đầu, cũng có nhiều người cảm thấy rất thích thú với hình ảnh mới mà cũ, có nét lạ lẫm nhưng cũng khá bắt mắt.

Thế nhưng điều tồi tệ xảy ra ngay sau đó, khi tuyến phố này được đưa vào hoạt động. Lòng đường lát đá trơn nhẵn mỗi khi có mưa hoặc trời nồm ẩm ướt là biến thành một sân trượt băng đúng nghĩa.

Người dân ở đây phản ánh, do lòng đường ẩm ướt gần như quanh năm, nên tình trạng trơn trượt, tai nạn liên tục xảy ra, đặc biệt là với người đi xe máy, thậm chí cả người đi bộ nếu không cẩn thận cũng không tránh khỏi việc trượt ngã.

Ngay như vài ngày trước đây, khi trời đổ mưa nhẹ, chỉ đứng ở con phố này chừng 15 phút tôi đã chứng kiến liên tiếp 2 vụ tai nạn xe máy khi đi qua đây…

Một số kiến trúc sư ở Hà Nội cũng khẳng định, việc lát đá tự nhiên ở phố Tạ Hiện làm cho tuyến phố này không giống và hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh của phố cổ Hà Nội.

Được biết là sau vài năm tiến hành chỉnh trang thử nghiệm phố Tạ Hiện thì UBND quận Hoàn Kiếm còn định cho lát đá ở hàng chục tuyến phố khác. Nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai, không hiểu do chính quyền địa phương nhận thấy việc làm này là không hợp lý hay còn một lý do nào khác nữa?

Quay trở lại chuyện các cây cột đèn giao thông không hoạt động ở phố cổ. Mấy ngày nay ở các ngã tư trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào đến Hàng Đường, người ta thấy trên trụ đèn có lắp thêm một bảng hiệu chỉ dẫn và nút bấm để phục vụ người đi bộ sang đường.

Theo đó, ai muốn sang đường sẽ bấm nút này để các phương tiện giao thông biết mà dừng lại nhường đường. Nhưng theo quan sát thì chẳng mấy khách bộ hành sử dụng khi muốn sang đường.

Chẳng biết có phải việc này để thử nghiệm và sẽ tiến hành lắp đặt cho các tuyến phố khác hay không? Nhưng có lẽ, đây sẽ lại là một sự lãng phí và việc làm không cần thiết…