Tượng đài ở Hà Nội

Thật lạ là ở Hà Nội có khá ít tượng đài.Trừ một vài bức tượng danh nhân nhỏ đặt ở các vườn hoa, không gọi là tượng đài ra, thì chỉ cần ngồi nhẩm một chút có lẽ cũng ra hết số tượng đài ở Hà Nội.

Những tượng đài ở vườn hoa, công viên hay nơi công cộng, tất cả đều mang ý nghĩa tưởng nhớ một nhân vật hay một sự kiện nào đó có ý nghĩa, giá trị lịch sử với một cộng đồng…

Thật lạ là ở Hà Nội có khá ít tượng đài.Trừ một vài bức tượng danh nhân nhỏ đặt ở các vườn hoa, không gọi là tượng đài ra, thì chỉ cần ngồi nhẩm một chút có lẽ cũng ra hết số tượng đài ở Hà Nội.

Như ở trung tâm thành phố có tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, ngày trước thì được gọi là Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, cạnh đền Bà Kiệu. Tượng được dựng vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô.

Ngoài ra thì trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố cũng cho dựng một tượng đài với nội dung, ý nghĩa tương tự ở vườn hoa Vạn Xuân. Hà Nội còn có tượng đài vua Quang Trung ở Gò Đống Đa.

Tôi không phải là một người am hiểu nghệ thuật nhưng khi ngắm những tượng đài này, có cảm giác giống như những bức tranh cổ động, đơn điệu và khô cứng. Rất khó có thể gọi là đẹp. Tôi cũng đã từng nghe nói, giới nghệ thuật không đánh giá cao lắm những tác phẩm này.

Chưa kể đến việc sử dụng chất liệu khá dễ hư hỏng nên chỉ một thời gian đã thấy xuất hiện những vết nứt, vỡ. Lẽ ra, với những công trình mang ý nghĩa như thế, chúng ta cần phải cẩn trọng hơn.

Rất may là ở Thủ đô, cũng có những tượng đài rất đẹp, và mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá. Như tượng đài vua Lê, phía sau đình Nam Hương. Tượng được đúc bằng đồng thau, chỉ cao khoảng 1,2 mét, dựng trên một cột trụ đá cao.

Mặt hướng ra Hồ Hoàn Kiếm. Tượng được cho gắn với truyền thuyết vua Lê trả gươm cho thần Kim Quy ở hồ Lục Thuỷ, nên sau hồ này mới được gọi là Hồ Hoàn Kiếm, hay Hồ Gươm.

Trong dịp Đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố khánh thành bức tượng vua Lý Thái Tổ, vị vua đã sáng lập ra Thăng Long. Tượng được đúc bằng đồng, nằm trong khuôn viên vườn hoa Indira Gandhi, mà dân Hà Nội vẫn quen gọi tên cũ là vườn hoa Chí Linh.

Đây có thể nói là một bức tượng rất ý nghĩa với người dân Hà Nội.


Bên cạnh đó chúng ta còn có những tượng đài rất đẹp như tượng đài Lênin ở Công viên Lênin (trước đây gọi là công viên Chi Lăng), biểu thị cho tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô. Hay tượng đài Bác Hồ-Bác Tôn do nhân dân ền Nam gửi tặng Hà Nội đặt ở công viên Thống Nhất…

Gần đây, Hà Nội có thêm tượng đài “Công an nhân dân vì nhân dân phục vụ” đặt trên phố Trần Nhân Tông. Cũng có thể nói là một cụm tượng đài ý nghĩa, vừa là để nhắc nhở về truyền thống trong lực lượng vũ trang, vừa là nơi để người dân bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ tới sự hy sinh vì nhân dân quên mình của các chiến sĩ công an.

Thời gian gần đây, thực ra dễ có đến vài năm nay, cứ mỗi lần đi qua tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh tôi cứ thắc mắc, vì sao người ta lại cho dựng một cái sân khấu che chắn trước mặt tượng đài ấy. Một cái sân khấu tạm bợ, khá nhếch nhác.

Hai bên là màn hình led thỉnh thoảng chạy vài dòng chữ cổ động. Nhưng chủ yếu là hiện thông tin quảng cáo của cái đơn vị tài trợ dựng lên cái sân khấu ấy. Nếu xét về ý nghĩa của tượng đài và lại bị “nằm chung” với cái sân khấu xã hội hoá xanh đỏ này thì thật thiếu tôn trọng.

Chưa kể đến việc lại tạo thành bức màn kín đáo cho cánh xích lô, xe ôm chui vào xả bậy, khiến không gian ở đây luôn bốc mùi xú uế, rất mất vệ sinh.

Cũng tương tự như vậy, tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, một nơi đáng lẽ phải được giữ gìn, tôn nghiêm. Nhưng mỗi khi nhìn thấy người ta dựng một cái sân khấu ca nhạc hoành tráng, phủ kín cả tượng đài, diễn viên, ca sĩ hò hét, nhảy nhót phía trước, tôi lại cứ có cảm giác khó chịu vô cùng.

Như đã nói, tượng đài ngoài ý nghĩa là một công trình nghệ thuật, nó còn mang ý nghĩa về văn hoá, lịch sử, gợi cho các thế hệ hiện tại nhớ và tôn trọng quá khứ. Tượng đài ở Hà Nội vốn ít ỏi, nhưng có lẽ chúng ta chưa thực sự tôn trọng, giữ gìn và tôn vinh đúng mức.