Tuồng cổ xuống phố

Nếu ngang qua khu ngã tư Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, vào buổi tối cuối tuần, sẽ được xem nhiều trích đoạn tuồng nổi tiếng. Tuồng cổ ngoài đường phố giúp mọi người dân đều có thể tiếp cận loại hình nghệ thuật vốn thường biểu diễn trong nhà hát phải mua vé vào cửa.

Trước cửa đền Hương Tượng (Hà Nội), một sân khấu được dựng đơn giản vừa là nơi biểu diễn, vừa có góc để các nghệ sĩ tuồng vẽ mặt, chuẩn bị phục trang, đạo cụ chờ đúng tới 20h phục vụ khán giả.

Khi biểu diễn nhiều như thế này mọi người có phải tập với nhau nữa không chú?

Không. Kể cả thay người khác trong trích đoạn không phải tập. Diễn hàng bao nhiêu năm quen rồi.

Việc biểu diễn ngoài phố sẽ khác với ở sân khấu như thế nào?

Không khác đâu. Vẫn biểu diễn đúng như thế cả. Chỉ thiếu phông cảnh thôi. Về hưu cứ làm đều đều, tuần 2 buổi. Vui cũng vui, đều như thế này thì vui.

Trước cửa đền Hương Tượng, một sân khấu được dựng đơn giản vừa là nơi biểu diễn, vừa để các nghệ sĩ chuẩn bị

Gần 20 nghệ sĩ, nhạc công đã về hưu thay phiên lên sân khấu biểu diễn 3 trích đoạn trong một buổi tối. Và khán giả của họ là bất cứ ai đi bộ qua ngã tư này.

Đó có thể là một phụ nữ tuổi trung niên từ Phú Thọ xuống ở trọ khu vực phố cổ để kiếm công việc tay chân, đó là cô gái trẻ mới chỉ xem tuồng cổ trên tivi hoặc là một người phụ nữ nước ngoài tò mò về môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam:

"Cô tình cờ đi qua. Bây giờ mới được xem. Cô ở nhà quê không có cái này đâu. Đi mua thuốc thấy vào xem luôn".

"Bình thường không để ý lắm với lại em cũng ở chỗ khác đến muốn tìm xem cái này không phải dễ. Em chỉ xem trên tivi thôi. Xem trực tiếp khác hơn".

"Chúng tôi không hiểu nội dung nhưng biểu cảm và trang phục họ mặc thật tuyệt vời và độc đáo".

Dù chỉ có ánh đèn ngoài phố, nhiệt huyết dành cho các vai diễn của họ không có sự khác biệt

Giống như những buổi biểu diễn của đoàn văn công ở trung tâm huyện trong ký ức của nhiều người. Lũ trẻ cứ xách theo một chiếc ghế nhỏ, lẽo đẽo sau lưng bà làm sao nhanh chọn được một chỗ ngồi gần sân khấu nhất.

Hôm nay, giữa phố đông đúc, cũng vẫn có những đứa trẻ xách ghế theo mẹ ngồi sát nơi biểu diễn để tò mò nhìn rõ những mặt nạ, trang phục, đạo cụ độc đáo và lạ kỳ của nghệ sĩ. Với trẻ em thì trực quan về tuồng là điều tốt nhất.

'Lão Tạ' hóa trang xong

Sân khấu tuồng ngay ngoài phố là nơi các nghệ sĩ về hưu có thể tiếp tục làm nghề và kiếm thêm thu nhập đều đặn. Dù đó có là một sân khấu cầu kỳ nơi nhà hát hay sân khấu tối giản chỉ có ánh đèn ngoài phố, nhiệt huyết dành cho các vai diễn của họ không có sự khác biệt.  

Các trích đoạn được lựa chọn đều có đề tài dễ hiểu với mục đích giới thiệu về nhạc tuồng, múa tuồng, hóa trang và phục trang tuồng từ đó hiểu về đặc sắc cơ bản của hình thức diễn xướng sân khấu này.

Nhưng dù người bộ hành ngang phố có mang tâm thế xem để giải trí, để biết mà không quá khắt khe thì chính cách các nghệ sĩ nghiêm túc làm nghề cũng để lại dấu ấn tốt đẹp về tuồng trong lòng công chúng.

Có những đứa trẻ xách ghế theo mẹ ngồi sát nơi biểu diễn để tò mò nhìn rõ những mặt nạ, trang phục, đạo cụ độc đáo và lạ kỳ của nghệ sĩ

Tuồng xuống phố thành công trong việc thu hút khát giả, khơi gợi tò mò để họ tới nhà hát thưởng thức trọn vẹn những tinh túy của tuồng mà không chỉ dừng lại ở sân khấu ngoài trời.

2 buổi biểu diễn Tuồng cổ đều đặn mỗi tuần ngoài phố là cách giúp người dân đến gần hơn với nghệ thuật mà không phải bỏ tiền mua vé. Những hoạt động nghệ thuật truyền thống cũng trở nên gần gũi, được biết tới và yêu mến nhiều hơn.