Từ kình ngư khuyết tật đến cô giáo của lớp học 0 đồng

Mặc dù bị cơn sốt bại liệt cướp đi đôi chân từ khi còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Sari với ý chí bền bỉ và nỗ lực không mệt mỏi, đã ghi tên mình trên bảng vàng ASEAN Para Games và còn trở thành cô giáo dạy học miễn phí cho học trò nghèo ở quê.   

Sinh ra trong một gia đình khó khăn tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, những tưởng, chị Nguyễn Thị Sari sẽ phó mặc cho cuộc đời mình khi bị cơn sốt bại liệt cướp đi đôi chân lúc còn nhỏ nhưng với ý chí bền bỉ và nỗ lực không mệt mỏi, chị đã ghi tên mình trên bảng vàng ASEAN Para Games và còn trở thành cô giáo dạy học ễn phí cho học trò nghèo ở quê.   

 

Chào chị Sari. Từ một cô gái gặp nhiều rào cản do khuyết tật, chị đã ngoạn mục vượt vũ môn, không chỉ ghi tên mình trên bảng vàng ASEAN Para Games mà còn được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. Hành trình ấy như thế nào vậy chị?

Thời gian đầu, Sari gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì cái chân của mình không có cử động được cho nên khi mà xuống nước thì chân mình dường như chìm hẳn trong nước luôn và mình cứ làm sao để cho cơ thể mình nổi lên.

Mình nghĩ đến cái chuyện hồi xưa mình một lần đã bị chết hụt. Điều này đã thôi thúc rất là lớn để mình có quyết tâm cao để mình có thể bơi được. Và sau 3 ngày vất vả thì mình đã có thể nổi được. Và sau 6 ngày thì mình đã có thể bơi được 50m. Đây là thành quả đầu tiên. Phải nói là mình cảm thấy không có một niềm sung sướng nào có thể diễn tả được lúc bấy giờ.  

Kình ngư Nguyễn Thị Sari (giữa) tham dự ASEAN Para Games 2023 (Ảnh Nhân vật cung cấp)

Những nỗ lực của chị giờ đây đã có những trái ngọt. Chị có thể chia sẻ với quý thính giả về những thành tích của mình?

Mình đã được 3 huy chương vàng trong giải, gọi là hành trình đầu tiên trong đến với bơi lội của mình và cũng trong năm đó, mình cũng được chọn để đi thi đấu tại Asian Paragames tại Thái Lan năm 2008.

Những khoảng thời gian vất vả tập luyện giờ đây đã được đền bù bằng những cái chiếc huy chương. Có thể nói đây là đầy những niềm vui, nỗi buồn và đó chính là sự đền bù xứng đáng cho mình.

Động lực nào đã thôi thúc chị mở lớp học 0 đồng và hành trình ấy như thế nào?

Động lực để mình mở lớp học 0 đồng bởi vì bản thân mình xuất thân trong một gia đình rất là khốn khó nên mình hiểu được hoàn cảnh của tất cả các em muốn đi học nhưng mà không có điều kiện.

Điều đặc biệt hơn nữa là từ khi mình sinh ra đến bây giờ thì mình nhận được rất là nhiều sự hỗ trợ của rất nhiều mạnh thường quân đã giúp đỡ nhiệt tình cho mình nên mình muốn tri ân lại cuộc đời này.

Mình muốn làm một việc gì đó tuy là nhỏ thôi nhưng có thể đóng góp một chút gì đó cho quê hương của mình. Đó là lí do mà mình mở lớp học 0 đồng.

Qua chương trình, chị muốn gửi một lời nhắn nào đối với các bạn trẻ hoặc các bạn có hoàn cảnh như mình?

Sari muốn gửi lời nhắn nhủ đến với tất cả các bạn trẻ cũng như những bạn có hoàn cảnh giống như Sari là chúng ta phải mạnh dạn mơ ước và không ngừng nung nấu để thực hiện hoài bão. Sari tin rằng tất cả những ước nguyện của các bạn sẽ sớm trở thành hiện thực.

Chỉ cần mình duy trì một nguồn năng lượng tích cực thì mọi kỳ công có thể được đền đáp xứng đáng. Sari luôn quan niệm rằng hãy luôn mỉm cười với đời thì đời sẽ mỉm cười lại với mình các bạn nhé.

Cảm ơn chương trình đã làm chiếc cầu nối để Sari có được cơ hội chia sẻ câu chuyện của mình. Và điều đặc biệt là Sari biết rằng, mình sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi thêm để có thể hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.

Sari mong rằng chương trình VOV Giao thông sẽ luôn luôn truyền đi và lan tỏa những nguồn năng lượng tích cực để cho tất cả chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời ý nghĩa và đáng sống hơn.

Cảm ơn chị Sari với những chia sẻ vừa rồi.

Bơi lội đã giúp thay đổi cuộc sống của chị Nguyễn Thị Sari (Ảnh Nhân vật cung cấp)

Chia sẻ với chúng tôi, chị Sari cho biết, tuổi thơ là chuỗi ngày chị không thể nào quên. Năm chị lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt quái ác đã cướp đi đôi chân của Sari mà theo lời kể của chị là đồng nghĩa với việc chôn vùi đi bao nhiêu ước mơ của một cô bé còn nhiều hoài bão.

Lớn lên, nhìn thấy các bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường, Sari không tránh khỏi tủi thân. Mãi đến năm 9 tuổi thì chị hai quyết định cõng Sari đi học. Thế nhưng vì nhà nghèo, nên mỗi mùa tựu trường là mùa háo hức của bao đứa trẻ còn với gia đình Sari thì khác. Cả nhà lo lắng, làm nhiều việc khác nhau để có tiền cho các chị em đến trường.

"Hết lớp 9 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị hai phải nghỉ học để nhường quyền được đi học lại cho Sari. Và năm lớp 12, Sari cũng đành tạm gác ước mơ đại học đó lại bởi vì gia đình không còn đủ điều kiện để lo cho 4 chị em trong độ tuổi ăn học nữa. Sari nhường lại cho 2 em và mình quyết định lên Sài Gòn để học nghề", Sari chia sẻ.

Năm 2007, Sari lại lên TP.HCM làm công nhân cắt chỉ. Dù tiền lương không cao nhưng cô vẫn gói ghém dành dụm, quyết chí ngồi vào giảng đường. Những tháng ngày bấp bênh ở TP.HCM, Sari được làm quen với bơi lội và từ đó, mở ra trang mới trong cuộc đời cô gái trẻ.

"Sari đã được nhận vào trong một công ty thêu vi tính để ngồi cắt chỉ thừa trên vải. Đêm đó, Sari rất lo không biết mình sẽ đi về đâu bởi vì mình không có quen ai ở Sài Gòn hết thì một "ông bụt" đã xuất hiện, đó là bác Trần Hoàng Minh, Chủ nhiệm mái ấm hỗ trợ người khuyết tật mùa Xuân đã đến hỏi mình là "tối nay con có chỗ để về hay không?" Thì Sari nói là bác ơi, con không có quen ai hết thì bác mới cho Sari về mái ấm của mình.

Và ở đây, có rất là nhiều chị em khuyết tật cũng giống như Sari từ khắp các tỉnh, lẻ đổ về thành phố. Ở đây có hướng dẫn cho mọi người tham gia thể thao, đặc biệt là môn bơi lội. Đây cũng chính là cơ duyên để đưa Sari đến với bơi lội".

Sau khi đạt nhiều thành tích cao, chị dành dụm tiền thưởng gửi về phụ gia đình. Năm 2008, chị Sari chọn học ngành ngôn ngữ Anh vì chị cảm thấy đây là một bộ môn rất là quan trọng và cần thiết, giúp chị giao tiếp thuận lợi hơn khi thi đấu quốc tế.

"Sau này khi thi đấu ở nước ngoài thì khi biết tiếng Anh, mình có thể trau dồi, mình có thể học hỏi thêm rất là nhiều điều hay từ các bạn bè quốc tế. Và điều đặc biệt mình có thể cởi mở và mình có thể tự tin nói một ngôn ngữ mới. Đó là điều thôi thúc mình chọ ngành ngôn ngữ Anh để theo đuổi".    

Lớp học tiếng Anh ễn phí của chị Sari luôn rộn rã tiếng cười (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Năm 2014, chị có con và quyết định về lại quê nhà. Hai năm sau, chị bắt đầu dạy tiếng Anh ễn phí cho các em nhỏ tại địa phương. Đây là cách chị giúp các em nhỏ ở quê xóa nỗi sợ môn học này. Đến nay, chị đã dạy cho hơn 100 bạn nhỏ ở địa phương.

"Em thấy cô Sari dạy rất dễ hiểu".

"Học với cô Sari em thấy tiếng Anh của em tiến bộ hơn".

Nhìn lại chặng đường đã qua, Chị Sari rất là biết ơn và trân trọng những khó khăn. Bởi chính những hoàn cảnh khắc nghiệt ấy đã thôi thúc chị một ý chí, một quyết tâm mạnh mẽ hơn để đương đầu với mọi rào cản trong cuộc sống.

"Nhiều khi Sari nghĩ lại, nếu như ngày trước mình chấp nhận và đầu hàng số phận thì có lẽ hôm nay, mình sẽ không bước ra khỏi vùng bóng tối và bước qua được những rào cản đó. Nhiều khi khiếm khuyết cơ thể cũng chính là một động lực để mình cố gắng không ngừng nghỉ để mình có thể vươn lên. Và mình rất trân trọng vì mình đã được sinh ra trên cuộc đời này".

Tính đến nay, chị Nguyễn Thị Sari đã mang về 30 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho đội tuyển quốc gia. Với những đóng góp của mình, chị vinh dự được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 (2010) và nhiều giấy khen, bằng khen khác.