Trốn rét trên phương tiện công cộng

Tuần vừa qua, Hà Nội và miền Bắc trải qua đợt rét kỷ lục trong 8 năm trở lại đây, khi nền nhiệt có lúc xuống dưới 10 độ C. Nhiều người dân đã tìm đến phương tiện công cộng như lựa chọn di chuyển số 1 vì sự an toàn và ấm áp.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cuộc hội ngộ bất ngờ giữa các đồng nghiệp cùng cơ quan, công sở đã diễn ra ngay trên xe buýt hay tàu điện trên cao. PV VOV Giao thông trò chuyện với chị Đào Ngọc Lan, một nhân viên văn phòng làm việc ở quận Đống Đa, Hà Nội, người đang chờ xe buýt gần ga Láng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

PV: Chào chị, có vẻ cũng giống như đa số mọi người, lý do chị chọn đi xe buýt những ngày này phải chăng là để trốn rét?

Chị Đào Ngọc Lan: Tôi thấy nếu đi bằng xe buýt thì tiết kiệm hơn rất nhiều. Ngay cả việc đi bằng xe máy mà trong điều kiện thời tiết thế này thì không đảm bảo sức khỏe. Mình lại phải mang theo nhiều quần áo, phụ trợ đi kèm.

Là phụ nữ ở độ tuổi trung niên như tôi, khi đi lại bằng xe máy thì hay bị cản trở giao thông, đường đi lại đông đúc, gió rét nhiều khi chân tay lóng ngóng có khi bị va chạm. Rồi buổi sáng, khi vừa từ giường xuống, đôi khi cơ thể chưa thích ứng được với nhiệt độ bên ngoài, thì cũng rất dễ xảy ra hiện tượng cảm lạnh.

Còn trên xe buýt, kể cả ngủ gà ngủ gật thì vẫn an toàn hơn rất nhiều. Xe máy thì nhiều quần áo, đồ đạc lỉnh kỉnh nó kèm an toàn hơn.

Trong những ngày trời rét đậm rét hại ở Hà Nội, xe buýt, tàu điện trên cao đã chứng nh được ưu thế của mình

PV: Thậm chí có thể thư giãn với một bản nhạc hoặc một cuốn sách?

Chị Đào Ngọc Lan: Đúng rồi, mình có thể nghe nhạc, đọc sách. Rồi công việc của tôi liên quan hành chính nhiều, nên tra cứu thông tin công việc, check zalo, viber, mail mình chưa kịp cập nhật, trả lời thì mình cũng có thể tranh thủ giải quyết trên xe.

PV: Lộ trình hàng ngày của chị như thế nào?

Chị Đào Ngọc Lan: Tôi thường đi tuyến buýt Hoàng Hoa Thám đến Hào Nam. Từ nhà tôi có thể đi bộ sang Lạc Long Quân để bắt xe buýt 25, 145. Hoặc nếu nhỡ trên đường Lạc Long Quân, thì trên đường Hoàng Hoa Thám có đi tiếp xe 144, hoặc đi tuyến 90 để ra Cát Linh, xong bắt 1 chuyến khác để đi thì cũng rất tiện lợi.

Đôi khi tôi cũng có các cung đường đưa đón con đi học thêm, đi mua sắm. Các cung đường thì tôi đều trải nghiệm. Kể cả khi giao thông tắc nghẽn, tôi vẫn thấy dịch vụ xe buýt vẫn ổn. Vì có liên tuyến các xe có thể lựa chọn cung đường gần nhất, khi mà mình cài các tiện ích thông nh có thể tìm buýt dễ dàng.

Ngồi trên xe buýt giúp hành khách có những giờ phút giải trí hoặc tranh thủ giải quyết công việc

PV: Trong những ngày rét này, trên mạng xã hội có nhiều người không hẹn mà gặp nhau trên đường đi làm ở trên xe buýt hay tàu điện trên cao. Chị có gặp tình huống đó không?

Chị Đào Ngọc Lan: Tôi có gặp tình huống tương tự, khi ra buýt gặp đồng nghiệp, và chúng tôi đã chia sẻ cho nhau cách để tìm buýt dễ dàng nhất, cài app nào cho thuận lợi.

Đôi khi các đồng nghiệp hướng dẫn nhau như thế cũng là hỗ trợ nhau di chuyển trên đường vừa tiết kiệm lại an toàn. Mà trên xe buýt tôi thấy các bác tài và phụ xe cư xử rất văn mình.

PV: Có vẻ chị là một tín đồ của xe buýt và không còn phụ thuộc vào xe cá nhân nữa?

Chị Đào Ngọc Lan: Nói chung tôi có nhiều phương tiện để đi. Nếu ít thời gian mà cần nhanh thì có thể đi grabbike để thuận lợi trong công việc. Nhiều thời gian thì tôi đi xe buýt. Nếu đường thông thoáng thì đi taxi được.

Tôi thấy nếu mua ô tô thì rất nhiều phí phát sinh, đặc biệt nơi gửi, dừng đỗ nó rất khó khăn. Còn đi xe máy, thời tiết rét hay mưa nắng nó bất tiện. Tôi thấy đi xe buýt, phương tiện công cộng là hữu hiệu nhất.

PV: Xin cảm ơn ý kiến của chị!

Nhiều người là đồng nghiệp cùng cơ quan công sở đã không hẹn mà gặp trên phương tiện công cộng để 'trốn rét'

Đợt rét đậm rét hại vừa ở Hà Nội là một thời cơ cho giao thông công cộng chứng tỏ ưu thế của mình so với các phương tiện cá nhân khác. Những người có thói quen di chuyển bằng xe buýt từ lâu như chị Đào Ngọc Lan được dịp chia sẻ và lan tỏa sở thích, kinh nghiệm của mình với nhiều bạn bè, đồng nghiệp khác.

Giao thông công cộng rất có thể sẽ không chỉ là một xu hướng nhất thời trong điều kiện thời tiết cực đoan, mà đang trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc để đi lại của người dân thủ đô.