Trên sông văng vẳng câu hò

Hò là một thể loại diễn xướng trong đời sống người Việt Nam từ thời xa xưa, khởi nguồn từ tập quán sinh hoạt vùng chiêm trũng. Khi “bén rễ” trên vùng sông nước Nam Bộ để đắp đổi những thiếu hụt trong đời sống văn nghệ, điệu hò cấy lúa, hò quốc sự,...đã làm thổn thức, xao xuyến bao trái tim con người.

 

"Hò ơ ơ ơ…

Sông sâu sao nước chảy hoài

Thương người xa xứ lạc loài đến đây

Hò ơ ơ ơ …

Xứ đâu có xứ lạ lùng

Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh"

Điệu hò giao duyên của đôi nam nữ như bày tỏ tiếng lòng đồng điệu của hai tâm hồn son trẻ gặp nhau. Ban đầu, những câu hò vang lên như tín hiệu gọi bạn, tìm đường của người thợ cấy, thợ cày, khách thương hồ tha hương kiếm sống.

Nhưng rồi tín hiệu kiếm sống có nhịp có chừng ấy chứa chất thêm nỗi lòng buồn vui của người cầm chèo khuấy nước, chất chứa cảnh nhân tình thế thái, chất chứa âu lo thời cuộc.

Dần dần tiếng hò đã biến thành “món ăn tinh thần” song hành với đời sống sản xuất, là hình thức diễn xướng hấp dẫn cộng đồng Nam Bộ và làm đầu mối lương duyên cho những cuộc hôn nhân vuông tròn.

Lùi về quá khứ, ba trăm năm trước, khoảng cuối thế kỷ 17, khi người Việt đặt chân xuống đồng bằng Cửu Long khai sơn phá thạch để lập nghiệp cũng là lúc họ phát huy bản lĩnh, khí phách của dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hiến lâu đời. Trước khi gieo hạt giống làm nảy nở mùa màng, họ đã gieo tục ngữ ca dao, tiếng hò, điệu hát.

Những cuộc hò làm bớt nặng nhọc trong lúc cày bừa, sạ tỉa giữa nơi nước mặn, đồng chua, làm phấn khởi tinh thần, hòa nhập với thiên nhiên.

Nhà nghiên cứu văn hóa – sọan  giả Nhâm Hùng cho biết vai trò của điệu hò trong đời sống Nam Bộ từ lúc chớm nở: "Một là hò để giao duyên trữ tình, hai là hò để giết thời gian, ba là hò để sinh hoạt giải trí, không có gì giải trí nên người ta hò. Hò trên sông, hò trên ruộng cấy... Hò là sinh hoạt văn hóa dân gian, để đắp đổi những thiếu hụt về đời sống văn hóa, rồi từ từ mới sáng tạo nên các giá trị văn hóa khác. Ví dụ như mới đầu chỉ có hò thôi, từ từ sáng tạo nên lối đối đáp".

Đất ền Nam có những điệu hò đặc sắc mang âm điệu luyến láy đặc thù của từng vùng thường làm rung động lòng người. Trong đó phải kể đến các điệu: Hò Miền Tây, Hò Đối, Hò Đố, Hò Huê Tình, Hò Bắt Xác, Hò Ngạnh Trê.

Đặc biệt, Hò Cần Thơ, Hò Đồng Tháp, Hò chèo ghe Bạc Liêu được người Nam Bộ nhắc đến nhiều nhất vì đã đồng hành với đời sống lao động của nhân dân vùng châu thổ Cửu Long qua hàng trăm năm.


"Hò ơ… Nhất nhật kiệu thân

Chớ nhà cửa của anh đâu mà em không có biết

Mà gặp anh giữa…đường…cái

Nhất quyết mà thương anh…"

Điệu hò Cần Thơ đậm đặc chất trữ tình, lãng mạn, phản ánh tâm tư tình cảm, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Về kĩ thuật, Hò Cần Thơ dễ hò bởi chỉ lướt trên thang 4 âm, tuy giản đơn nhưng có chỗ để người hò mặc sức sáng tạo đưa hơi.

Hò Cần Thơ đa số là điệu hò đối đáp, huê tình, được thể hiện trên đồng ruộng và sông nước. Tiếng hò chịu ảnh hưởng của hệ thống sông ngòi chằng chịt, thường được dân thương hồ ưa chuộng, trai gái thường dùng câu hò để làm quen, tỏ tình với nhau.

Người đứng bên ghe này, hò đối đáp với ghe bên kia, tiếng hò làm nên sinh khí văn hóa đậm đà bản sắc của một vùng sông nước mênh mông.

Nhà nghiên cứu văn hóa – soạn giả Nhâm Hùng kể rằng: "Ban đêm mà đi trên sông, trai gái gặp nhau hoặc người xứ xa muốn có bạn là vừa chèo vừa hò đối đáp, giao duyên, trêu ghẹo, đố qua đố lại. Có khi người ta hò tới tận 4-5 tiếng đồng hồ vì chèo ghe đi đường dài".

In đậm dấu ấn khẩn hoang là điệu Hò chèo ghe Bạc Liêu, hình thành trong môi trường chèo xuồng, nhằm gửi gắm tình cảm, bày tỏ nỗi lòng của mình cho con người và thiên nhiên. Giọng hò mênh mang, chậm rãi trải dài trên sông nước rồi lan toả, tan biến trong không gian vô tận.

Trong cuộc Nam tiến, nhiều dòng người từ các nơi đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp, trên bước đường chinh phục hoang vu, từ những chiếc ghe bầu, ghe chài, tam bản, xuồng ba lá…, hành trang mang theo của những cư dân mới có cả những câu hò, điệu lý làm chỗ dựa tinh thần trên bước đường xa xứ. Hò chèo ghe Bạc Liêu đã bước vào điện ảnh như một nh chứng cho sức sống mãnh liệt, thông qua các tác phẩm kinh điển: Cánh Đồng Hoang, Lời Thề Đất Mũi, Máu Thấm Đồng Nọc Nạn.

"Xứ đâu có xứ lạ lùng

Con chim kêu cũng sợ

Hò ơ… Con cá vẫy vùng cũng kinh…

Hò ơ… Đâu xa bằng xứ Cạnh Đền…"

Bàn về điệu buông lơi, khoan nhặt, trầm bổng thì phải nói đến Hò Đồng Tháp. Hò Đồng Tháp ra đời đầu thế kỷ XIX sau đó giao thoa từ nhiều dòng văn hóa Kinh, Chăm, Khmer, Hoa. Đây là một loại hò trên đồng nước, tốc độ chậm, nhịp điệu lúc nhặt, lúc khoan.

Nét đặc trưng nhất của Hò Đồng Tháp là chỉ hò một mình, hò tâm tình, tự sự để nói lên tâm trạng sâu lắng của mình, đôi lúc pha chút phê phán, lên án cái ác. Nhờ sự biểu cảm và lôi cuốn ở âm điệu mà Hò Đồng Tháp trở thành điệu hò nổi tiếng nhất ở ĐBSCL vào nửa đầu thế kỷ XX.

"Mịt mịt mây bay khói tỏa.... ơ... ơ......

Em ngồi trông anh mây rã từng... ơ... ơ…chòm... ơ....

Anh ơi anh có vợ rồi

Lấy tay mà che mặt ơ…ơ…

Lấy tay mà che mặt

Mà đứng ngó….đứng dòm…tới em…"

Những câu hò xuất phát từ môi trường lao động đã chạm tới nơi sâu thẳm nhất, khiến người nghe phải xốn xang và cất lời đối đáp. Để ý rõ sẽ thấy, trong mỗi điệu hò Nam Bộ đều có đối tượng cụ thể để gửi gắm tâm trạng.

Thời gian hò nhiều hơn, một phần nhắn nhủ cho con người, một phần gửi vào thiên nhiên sông nước.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay trong điều kiện phát triển của xã hội hiện đại, điệu Hò hầu như không còn tồn tại trong thực tế, môi trường hò đã bị thu hẹp, điều kiện sông nước thuận lợi cho các sinh hoạt chèo ghe, xuồng hầu như không còn. Từ đó làn điệu hò cũng mai một dần.

Để tiếp tục tồn tại và phát triển, Hò Nam Bộ đã thâm nhập vào nhiều bộ môn nghệ thuật khác như : vọng cổ, tân nhạc, điện ảnh… thể hiện trên các đĩa CD hoặc tham gia vào hoạt động sân khấu hoá, quảng cáo… trên sóng phát thanh, truyền hình.

Cộng với sự nỗ lực của các Nghệ nhân, Nghệ sĩ, đội ngũ làm công tác văn hóa – văn nghệ đã sưu tầm và phục hồi điệu hò mà hiện nay Hò Cần Thơ và Hò Đồng Tháp đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bắt đầu từ năm 2016, những nghệ nhân, ca sĩ tỉnh Đồng Tháp đã đến các khu du lịch trong tỉnh để truyền dạy kỹ thuật hò Đồng Tháp cho đội ngũ hướng dẫn viên. Từ đầu năm 2017 trở đi, du khách đến Đồng Tháp không chỉ được chìm đắm trong những cảnh vật đẹp mê hồn, mà còn ngây ngất bởi những điệu hò chạm tới trái tim.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh – hướng dẫn viên du lịch được dạy bộ môn Hò Đồng Tháp cho biết: "Buổi đầu được tiếp cận với điệu Hò Đồng Tháp mình rất là vui. Lời hò Đồng Tháp mang sắc thái biểu cảm tôn vinh vùng đất, địa danh… đã để lại trong lòng du khách niềm vương vấn, thương nhớ về cái nơi mà mình đã từng đặt chân tới."

Trong Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” Cần Thơ đã nghiên cứu các mô hình tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ và hướng đến chiến lược khai thác kinh tế đêm trên sông nước.

Đây là điều kiện lý tưởng để Hò Cần Thơ nói riêng và Hò Nam Bộ nói chung được sống dậy mạnh mẽ và trường tồn./.