Tranh truyền thần: Dấu xưa, nghề cũ

Dù đã qua thời vàng son, nhưng nghề vẽ tranh truyền thần vẫn được người họa sĩ gìn giữ. Đó không chỉ là công việc mưu sinh mà còn cách để níu tìm ký ức xưa…

Tranh truyền thần là một thể loại hội họa mà người họa sỹ truyền lại cái cảm xúc, “thần thái” của người được vẽ thông qua tác phẩm. Có hai loại truyền thần, một là vẽ lại từ một bức hình và hai là vẽ theo sự mô tả của người đặt hàng.

Dù là ở thể loại nào thì cũng đều đòi hỏi người họa sĩ phải kiên trì, cần mẫn để truyền được thần thái của người được vẽ. Tranh truyền thần gắn liền với một giai đoạn đáng nhớ của lịch sử. Đó là thời mà chụp hình bằng máy còn mới mẻ và được xem là xa xỉ.

Nhiều họa sĩ kỳ cựu kể lại vào khoảng những năm 1960, nghề vẽ tranh truyền thần bùng nổ do nhu cầu làm ảnh thờ tăng cao. Những bức vẽ truyền thần khi ấy không chỉ phải giống, mà còn phải truyền tải được thần thái của một người mà họa sĩ đó chưa từng gặp, đôi khi là qua bức ảnh rất nhỏ, rất cũ hoặc là qua lời êu tả của người thân.

Do tốn thời gian và đòi hỏi kỹ thuật cao nên người theo nghề khi ấy sống khỏe, thu nhập mỗi tháng đủ nuôi cả một gia đình.

Họa sĩ Phan Há có hơn nửa thế kỷ gắn với với tranh truyền thần (Nguồn Báo Cần Thơ)

Tại thành phố Cần Thơ, họa sĩ Phan Há là người duy nhất vẫn giữ được đam mê với nghề. Trong căn nhà nhỏ của đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, tài sản quý giá lớn nhất với người họa sĩ này là những hộp màu, cọ vẽ…Từ những khung hình, bức vẽ đến những chiếc ghế, chiếc bàn,… tất cả đều nhuốm màu thời gian.

Duy chỉ có tình yêu ông dành cho nghề họa hình vẫn vậy, đậm đà như màu vẽ truyền thần. Cả đời theo nghề vẽ nhưng họa sĩ Phan Há chưa từng qua trường lớp, chỉ là đời dạy cho ông cái nghề, rồi lấy nghề làm nghiệp, thấm thoát đã hơn nửa thế kỷ: "Không có học ở đâu hết coi như là đi học lớm không hà. Học lớm thì thấy người ta làm sao về mình làm vậy. Nhưng có cái mình cũng có khiếu trước đó. Mình cũng gạch ca rô, thấy người ta làm mình cũng làm, rồi làm riết nó được, coi như tới phòng vẽ này rồi đúng coi phòng vẽ kia, đứng coi vậy đó. Trước chú bắt đầu học vẽ là học vẽ rạp hát ở Thành phố Hồ Chí Minh, chú vẽ quảng cáo trước rồi xi-nê đó. Rồi về Cần Thơ ông thầy giới thiệu cho nhà vẽ Út Nưng. Rồi chú tới nhà vẽ Út Nưng thì chú cũng vẽ rạp hát nữa, nhưng từ từ mới học vẽ quảng cáo"

Theo lời họa sĩ Phan Há, cách đây mấy chục năm, nghề vẽ tranh truyền thần mang lại cho ông sự sung túc, đủ đầy nhưng có lúc cũng chật vật để giữ nghề, nuôi nghề. Dẫu có lắm thăng trầm, nhưng người thợ vẽ già này vẫn chưa bao giờ buông cọ, bỏ màu.

Khoảng năm 1970, thợ vẽ Phan Há về Cần Thơ, lập nghiệp và cưới vợ. Công biệc khi ấy của ông là vẽ tranh kiếm sống. Đã có thời, xưởng vẽ của ông tạo được danh tiếng ở Tây Đô. Giá một bức cũng tùy theo lớn nhỏ với mức độ khó hay dễ rồi thời gian sẽ lâu hơn, nhưng giá giao động từ 700 ngàn đến 1,5 triệu, tùy theo lớn nhỏ.

Dù tuổi đã ngoài 70 nhưng khi ngồi vào giá vẽ là ông quên đi mệt mỏi mà say sưa với từng màu vẽ, từng đường mực bút chì. Chính sự bền bỉ với nghề mà đôi bàn tay ông giờ vẫn khéo léo, vững vàng. Theo ông để vẽ lại một bức ảnh đòi hỏi người thợ vẽ phải có ý chí kiên trì, cần mẫn, tập trung cao độ để bức ảnh sau khi hoàn thành không chỉ giống như in bức ảnh chụp mà còn phải toát lên cái thần của nhân vật trong ảnh. Tuy nhiên, cũng có người mang đến cho ông tấm hình đã mờ gần hết cùng niềm hy vọng le lói.

Họa sĩ Phan Há - Ảnh Lao Động

Ông nhờ họ tả lại dáng mạo, tính tình người trong hình thuở sinh thời rồi xem hình các con. Và ông họa lại một cách đúng là “truyền thần”: "Công đoạn không trải qua nhiều, chỉ cần mình tỷ lệ hình, rồi mình gạch ca rô rồi từ hình nhỏ mình tỷ lệ qua hình lớn vậy thôi hà. Rồi theo kinh nghiệm của mình, mình vẽ, rồi mình tập trung mình vẽ, độ của nó coi như chính xác như thế nào vậy thôi. Tại vì trắng đen nó chỉ có màu đen thôi hà rồi màu trắng là của giấy"

Vẽ tranh truyền thần, quan trọng nhất là nghệ thuật điểm nhãn. Đây là nét độc đáo chỉ riêng có trong các bức tranh truyền thần. Với họa sĩ Phan Há, điều đó cũng không ngoại lệ. Ông quan niệm vẽ làm sao cho đôi mắt long lanh, đôi môi mấp máy sống động là thành công.

Hồi trước ở Cần Thơ còn có 5- 7 đồng nghiệp của họa sĩ Phan Há, giờ họ đã bỏ hoặc chuyển nghề. Khách cũng ít, thậm chí có thời điểm hầu như không có khách. Một phần là do giá cả và thời gian. Trong khi đó, một bức ảnh chụp được xử lý trên máy tính chỉ tốn từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Để vẽ một bức cũng phải 2-3 ngày trong khi xử lý công nghệ photoshop thì chỉ vài chục phút đến 1 tiếng nên ít người chọn truyền thần.

Giờ đây khi tuổi đã cao, tóc đã bạc nhưng họa sĩ Phan Há vẫn cặm cụi thổi hồn vào từng bức tranh truyền thần bằng những nét vẽ mộc mạc, chân chất như con người ông. Đó cũng là cách để ông níu giữ nét đẹp về một ngành nghề xưa và thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo trên từng nét vẽ: "Phải có khiếu là một, có đức nhẫn nhịn là hai, rồi phải kiên nhẫn nữa, chứ không phải nhấn nút cốc 1 cái là nhảy lên một cái hình liền, không phải như vậy. Do đó giới trẻ bây giờ học chỉ tìm hiểu thôi, chứ theo nghề thì không ai dám theo nghề này hết, bị gì quá khó. Bây giờ mình chạy theo công nghệ đâu có nỗi, thế thời phải như vậy rồi mình chấp nhận thôi, có có cải tiến được, không thể né được hết"

Dẫu khách hàng ngày nay không nhiều như trước và thu nhập từ nghề cũng khá bấp bênh vẫn còn đâu đó những người tin vào giá trị của một bức tranh truyền thần, đó có thể là một vị lão niên đã đi qua thời chiến tranh hay cũng có thể là một trung niên lớn lên trong thời bình. Họ cho rằng hình ảnh máy tính ảnh thiếu đi phần hồn, không phục dựng lại thần thái được như truyền thần. Thế mới thấy, dù công nghệ phát triển đến đâu thì những gì thuộc về truyền thống sẽ luôn được gì giữ và tồn tại mãi với thời gian.