Trăm năm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Tọa lạc tại số 255A đường Nguyễn Huệ, phường 4, Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi về ĐBSCL.

Nét đặc biệt của ngôi nhà này không chỉ là vẻ đẹp mang tính giao thoa giữa kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, mà còn là vẻ đẹp lãng mạn của câu chuyện tình giữa công tử nhà họ Huỳnh với nàng văn sĩ người Pháp. 

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê từ bên ngoài nhìn vào

Đây là công việc quen thuộc của chị Lê Thị Thanh Tuyền vào mỗi mùa cao điểm khi khách nước ngoài đến tham quan nhà cổ. Những người chọn làm việc và gắn bó với nơi này đều yêu những công trình, di tích lịch sử, văn hóa của quê hương Đồng Tháp nói riêng, Việt Nam nói chung. Chị Thanh Tuyền chia sẻ: "Khi du khách đến đây thì mình sẽ giới thiệu về bản thân và sau đó là giới thiệu qua những nét ấn tượng của ngôi nhà cổ họ Huỳnh"

Theo chị Thanh Tuyền, ngôi nhà cổ này được xây dựng bởi ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của Huỳnh Thủy Lê), vốn là một thương gia giàu có nổi tiếng ở ền Tây Nam bộ vào những năm cuối thế kỉ XIX. Ông Huỳnh Cẩm Thuận có bốn người con là Huỳnh Thị Nả, Huỳnh Lưu Bỉnh, Huỳnh Thoại Ngọc và Huỳnh Thủy Lê. Khi ông qua đời, ngôi nhà được trao quyền thừa kế cho con trai út- Huỳnh Thủy Lê.

Biệt phủ Huỳnh Gia được xây theo kiểu nhà ba gian Nam Bộ, rộng 258m2. Mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ. Đến năm 1917 ngôi biệt thự được trùng tu toàn bộ kiến trúc bên trong, mang nhiều nét pha trộn hài hòa giữa Pháp, Việt, Hoa.

Trong nhà cao ráo thoáng mát, tường được xây bằng gạch đặc rất dày từ 30-40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp. Các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, mang nét kiến trúc của người Hoa, khung bao lơn chính giữa có chạm đôi Loan Phụng thể hiện “Loan Phụng hòa nh sắc cầm thỏa hiệp” có ý nghĩa là hạnh phúc trường tồn.

Gian giữa nhà đặt ban thờ Quang Công và các bao lơn được sơn son thếp vàng

Gian giữa nhà là ban thờ Quan Công, tín ngưỡng truyền thống thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống của gia chủ. Các cửa gỗ, tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu. Những vật dụng như bộ ấm, đèn, bình, máy hát… vẫn được bảo quản, lưu giữ đến ngày nay.

Ngôi nhà còn sở hữu vị trí đắc địa “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Nghĩa là gần chợ, gần sông và gần đường sá, thuận tiện cho việc đi lại, lưu thông dễ dàng. Đây cũng là quan niệm của người xưa mỗi khi chọn mua nhà đất- nơi an cư lạc nghiệp cho mình.

Anh Trần Võ Hoàng Nam- hướng dẫn viên làm việc tại nhà cổ hơn 10 năm chia sẻ: "Nói chung là mình công tác ở đây trên 10 năm, gắn bó với nhà cổ này thì mình thấy nhiều khách Tây sau khi đọc được tiểu thuyết để tận mắt thấy và nghe kể lại câu chuyện tình thì họ rất thích thú. Cái thứ hai nữa là ngay từ bên ngoài nhìn vô là họ đã thích lối kiến trúc Đông-Tây kết hợp, những hoa văn thời Phục Hưng, La Mã thế kỷ XVII. Rồi khi vào bên trong họ thấy bao lam trong nhà hoàn toàn bằng gỗ hết và lối nhà kiểu ba gian đậm chất Việt nên họ rất thích"

Ngôi nhà cổ được nhiều người biết đến từ khi quyển tiểu thuyết "Người tình" của nữ văn sĩ người Pháp Margueritte Duras được chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Những tình tiết trong phim đã lấy đi không ít nước mắt của người xem. Huỳnh Thủy Lê là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này và nữ văn sĩ người Pháp cũng chính là người tình của ông Huỳnh Thủy Lê.

Trong một dịp tình cờ trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, họ đã trúng “tiếng sét ái tình” ngay lần đầu gặp gỡ. Cứ ngỡ chàng và nàng sẽ có một cái kết viên mãn nhưng nào ngờ đâu mối tình chỉ kéo dài được khoảng hơn một năm thì cả hai đành phải chia xa do vấp phải sự phản đối của gia đình.

Phía trước nhà với lối kiến trúc Pháp đặc trưng, các họa tiết thời Phục Hưng, La Mã

Theo lời kể của ông Thoại Trọng (cháu ruột ông Huỳnh Thủy Lê) dù chú của ông yêu nhà văn Duras nhưng văn hóa truyền thống thời đó không cho phép ông làm trái sự sắp đặt của đấng sinh thành. Năm 1932 ông Huỳnh Thủy Lê cưới vợ, là người sinh sống ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang bây giờ. Ðây cũng là một gia đình giàu có nổi tiếng, môn đăng hộ đối với ông Huỳnh Cẩm Thuận nên hai bên đã hứa hẹn cưới vợ, gả chồng cho con từ 10 năm trước.

Trải qua bao dâu bể của cuộc đời, năm 1984 bà Marguerite Duras đã xuất bản tiểu thuyết Người tình kể lại chính cuộc tình buồn của mình và Huỳnh Thủy Lê. Tiểu thuyết đã gây được tiếng vang lớn lúc bấy giờ và được dịch ra 43 thứ tiếng, dựng thành phim và nhận về nhiều giải thưởng danh giá. Từ đó, nhiều du khách trong và ngoài nước hy vọng có dịp đến với Đồng Tháp để ghé thăm ngôi nhà cổ, nơi người yêu của bà Duras đã từng sinh sống.

Trong nhiều năm qua, số lượng khách nước ngoài đến nhà cổ chiếm khoảng 70%, anh Trần Võ Hoàng Nam lý giải: "Khách tham quan ngôi nhà này đa phần là khách Tây và họ cũng chính là những người tìm ra ngôi nhà này. Bởi vì họ yêu văn thơ và sau khi đọc qua tiểu thuyết Người tình được nhà văn Duras viết lại, dựa trên chính câu chuyện có thật của bà với ông Huỳnh Thủy Lê nên người ta muốn đến đây để xem nơi mà ông Huỳnh Thủy Lê từng ở".

Những đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan nhà cổ

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, cho đến nay, ngôi nhà vẫn còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn và trở thành biểu tượng cho một nền kiến trúc độc đáo hàng trăm năm trước. Năm 2008, nhà cổ được chứng nhận là di tích cấp tỉnh và một năm sau đó nơi này cũng được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Hiện nay, ngành du lịch Đồng Tháp đã mở thêm các dịch vụ kích cầu du lịch nhằm quảng bá rộng rãi nét đẹp về văn hóa, con người nơi đây. Du khách đến tham quan nhà cổ vào cuối tuần sẽ được nghe đờn ca tài tử, thưởng thức các loại bánh dân gian Nam bộ nổi tiếng được làm bằng bột gạo Sa Đéc.

Khi hoàng hôn buông xuống, cũng là lúc du khách kết thúc chuyến tham quan nhà cổ. Một vài người ra ngồi trên những băng ghế đá trước nhà ngắm lục bình trôi lơ lửng trên dòng Sa Giang. Họ cười nói vui vẻ, vì một ngày cuối tuần rất ý nghĩa, được đắm mình trong không gian văn hóa, kiến trúc cổ xưa của một công trình hơn trăm tuổi.