Trăm năm khóm Cầu Đúc

Đất phù sa, nơi chín cửa sông đổ ra biển lớn, miền Tây Nam bộ có làng trồng khóm hơn 100 năm, bên dòng sông Cái Lớn. Dù đất phèn nhưng khóm vẫn cho những mùa trái ngọt vàng ươm, nuôi lớn bao thế hệ con người.

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, nhưng đối với người dân ven sông Cái Lớn xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang bao đời nay trên vùng đất nhiễm phèn và bị mặn, khóm luôn mang đến cho người dân vị ngọt.

Sông Cái Lớn bắt nguồn từ rạch Cái Lớn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), dòng chảy rộng dần vào địa phận tỉnh Kiên Giang và đổ ra vịnh Rạch Giá tại cửa Tắc Cậu. Với chiều dài khoảng 60km, sông Cái Lớn uốn lượn qua nhiều huyện của tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Sông Cái Lớn cũng là ranh giới địa lý giữa hai tỉnh này.

Khóm cầu đúc Hậu Giang - Ảnh Thanh Phê

Dòng sông chịu tác động của biển Tây, có cửa đổ ra biển, tùy theo mùa mà nước sông ngọt, lợ, mặn luân phiên. Vì vậy, dải đất hai bên bờ sông cũng mang đặc trưng phèn, mặn, thích hợp cho cây khóm phát triển. Cách đây cả trăm năm, cư dân sống dọc theo sông Cái Lớn đã chọn cây khóm để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Những lão nông vùng Hỏa Lựu, Hỏa Tiến kể rằng khóm Cầu Đúc đã có mặt ở đây từ những năm 1930, bên dòng sông Cái Lớn nối liền hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Sở dĩ có tên Cầu Đúc vì ngày xưa người Pháp bắc cây cầu xi măng nối qua sông Cái Lớn, người dân quen gọi cầu Đúc. Vùng đất này trồng nhiều khóm, mùa thu hoạch ai cũng chở ghe nườm nượp ra bán, tập trung dưới dốc cầu Đúc nên quen ệng đặt tên khóm Cầu Đúc.

Đời này truyền đời kia, bao thế hệ lớn lên có công ăn việc làm, đi chỗ này chỗ nọ đều từ vị ngọt của khóm. Là đời thứ ba trong gia đình trồng khóm, ông Vu Sủi, Giám đốc HTX Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, chia sẻ: "Khóm này mọi lần ở đây người ta đốn ra người ta chở lên trên đó có cái chợ Cầu Đúc. Có cây Cầu Đúc ngang sông hồi thời Pháp thuộc, thương lái cứ qua lại rồi bán xứ này xứ nọ rồi hỏi mua ở đâu? Mua ở chợ Cầu Đúc rồi mới nổi tiếng là khóm Cầu Đúc. Khóm Cầu Đúc này có trước năm 1930 rồi, từ hồi người ta khai hoang vùng này, người ta trồng khóm Cầu Đúc hiệu quả, ngon, ngọt, thơm".        

Hơn 50 năm vui buồn với khóm Cầu Đúc, ông Vu Sủi hiểu hơn ai hết những thăng trầm của loại nông sản này. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ truyền thống, bà con ở đây giờ đã vào HTX, sản xuất theo bài bản hẳn hoi. Theo ông Sủi, trồng khóm mang lại thu nhập và đầu ra ổn định nhờ được doanh nghiệp bao tiêu, xuất khẩu.

Ông Vu Sủi, cho biết thêm: "Vùng đất này vùng đất phèn, có những người người ta chuyển đổi rồi, nhưng người ta cũng quay đầu lại cây khóm thôi. Khóm mang lại kinh tế rất cao, nó sống với mình lúc mới sinh ra đã có cây khóm rồi, nó giúp cho mình xóa đói giảm nghèo, giúp cho gia đình mình làm ăn khấm khá lên".

Khóm Cầu Đúc nổi tiếng ở làng du lịch cộng đồng tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - Ảnh nld

Về xứ khóm mùa thu hoạch, dễ dàng bắt gặp những chiếc xuồng đầy ắp khóm len lỏi trong những con mương nước trong veo. Xuồng khóm không chỉ là sản vật mà còn gửi gắm hy vọng chuyên chở kinh tế gia đình, tương lai học hành của con em người dân. Ông Trần Văn Bá, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Thạnh Tiến, cho biết để tăng thu nhập, HTX “Làm tận gốc, bán tận ngọn” như phương châm từ đầu: "Nói chung cây khóm này, dân nghèo hầu như bây giờ thoát nghèo hết, bị gì khóm hiện nay giá thấp nhất cũng từ 8.000 đến 10.000 -11.000-12.000 ngàn đồng/trái. Một công tính bỏ mương, 1 công tầm lớn 1.300 mét vuông, trồng từ 2 thiên rưỡi đến 3 thiêng khóm"

Cây khóm là một trong những cây trồng chủ lực, đặc trưng của địa phương, đến năm 2025, diện tích trồng khóm 3.500 ha, sản lượng 45.000 tấn/năm. Từ chỗ bán khóm tươi, giờ đây, người xứ khóm còn khoác áo mới cho loại trái quê nhà tạo nên đặc sản lạ mạ quen. Từ dưa chua củ hủ khóm, mứt khóm, kẹo khóm, nước màu khóm đến bánh xèo nhân củ hủ khóm, món nào cũng chinh phục thực khách gần xa.

Chị Trần Thị Kim Hai, ở xã Hỏa Tiến, chia sẻ: "Hồi trước đây không có ai dạy hết trơn. Tại vì chị thấy cái nào cũng làm mứt được. Lúc đó người ta sử dụng hóa chất nhiều trong các mứt nên nhà chị không có mua ăn. Cái lúc đó, khóm rẻ quá có 2,3 ngàn/ trái nên chị mới suy nghĩ ra làm thử. Thật ra mới ban đầu làm cũng đâu tới đâu. Làm nhiều lần cái nó mới ngon. Bây giờ khẩu vị nó mới chuẩn".

Khi làn sóng du lịch cộng đồng lan tỏa đến, bà con xứ khóm Vị Thanh bắt đầu hưởng ứng. Rẫy khóm được dọn gọn gàng, tươm tất đón những vị khách phương xa. Đó là những bà con về thăm quê, những người con xứ khác lần đầu nhìn thấy cây khóm. Và đó còn là những vị khách quốc tế sống cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Bơi xuồng len lỏi trong vườn khóm xanh mát, cảm nhận được vẻ hoang sơ, bình dị của một vùng quê yên bình bao đời với khóm.

Trãi qua bao thăng trầm, cây khóm Cầu Đúc đã bén rễ và xanh tốt suốt gần 100 năm nơi vùng đất Vị Thanh. Chắt chiu vị ngọt từ đất mẹ, cây khóm đã trở thành niềm tự hào của người dân Hậu Giang, nhắc nhớ con cháu về truyền thống nông nghiệp của ông bà, những người khai hóa đất hoang cho khóm ngọt đâm chồi.