Tống Ôn – Tống Phong, nét đẹp bên dòng Cầm Thi Giang

Quá trình định cư của người Việt ở Nam Bộ gắn liền với sự chỉ dẫn của thiên nhiên, các con sông, con rạch. Những hiểm nguy từ không gian sống luôn rình rập nên song song với quá hình khẩn hoang lập ấp, cộng đồng dân cư ở đây đã tự sáng tạo nghi thức thờ cúng để cầu may mắn, bình an.

Trong số nhiều Lễ hội thì ấn tượng đầu năm vẫn là phong tục Tống Ôn – Tống Phong của cư dân ền sông nước Cửu Long. Tồn tại tại qua hàng trăm năm, Tống Ôn – Tống Phong đã được các thế hệ kế thừa, phát triển thành Lễ hội, thu hút du khách thập phương tự nguyện tham gia. 

Vật phẩm cúng Lễ Tống Ôn - Tống Phong là nước được lấy từ ngã ba sông Hậu, heo quay, trà bánh. Người dân cầu nguyện tại Miễu Bà

Theo quan niệm của người Nam Bộ, Tống Ôn – Tống Phong có nghĩa là “tống khứ” tà ma, dịch bệnh, xui rủi, hoạn nạn. Cầu chúc một năm ăn nên làm ra, mưa thuận gió hòa. Riêng với người dân hành nghề trên sông nước thì cầu mong bình an, được che chở, xuôi chèo mát máy.

Người dân ở ĐBSCL thường định cư gần sông, rạch hoặc gần nguồn nước để thuận lợi cho việc tưới tiêu. Mỗi năm, họ thường tổ chức cúng đình, hạ điền đầu năm (cầu mong sự thuận lợi) và thượng điền cuối năm. Tống Ôn – Tống Phong được giản lược và gộp chung vào những dịp Lễ hội, như: Cúng đình, cúng ễu, việc lề, nghinh Ông…

Nghi lễ Tống Ôn – Tống Phong ở ĐBSCL không tồn tại một cách phổ biến như một chỉnh thể nguyên vẹn trong dòng chảy văn hóa. Tuy nhiên, nghi thức vẫn giữ được những thành tố quan trọng nhất để thực hiện các chức năng cụ thể trong cộng đồng làng xã.

Trong số các địa phương duy trì nghi thức này là Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ thì Tống Ôn – Tống Phong tại Miễu Bà Xóm Chài (Cần Thơ) là lớn nhất, giữ được những nghi thức xa xưa và phát triển thành Lễ hội.

Sau nghi thức cúng tại Miễu Bà sẽ đến nghi thức Đi Nginh ( thả bè lục thủy). Hằng trăm tàu thuyền cùng hưởng ứng

Nhà Nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng cho biết: "Có khi từng nơi chỉ có 1 ấp hoặc 1 xóm tiến hành nghi tức cúng bái này thôi, cứ hễ nơi nào ở ngã ba sông có cái Miễu là cúng. Ở xóm chài – Cần Thơ có 02 cái Miễu chỉ nằm cách nhau hơn 1km, đây là Miễu Bà Chúa Xứ, trong đó có thờ bà cậu có thể giúp được người dân đi sông nước. Cúng bái là để tống khứ ôn dịch, xua đi điều xấu, rước về điều tốt"

Hằng năm, vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội Tống Ôn – Tống Phong ở xóm chài Cần Thơ bắt đầu, kéo dài đến ngày 18 tháng Giêng âm lịch. Sợ dĩ nơi này tổ chức cúng bái quy mô là vì còn rất nhiều ngư dân hành nghề liên quan đến sông nước, như: giăng câu, thả lưới, thợ lặn…

Lễ hội bắt đầu bằng phần việc cùng nhau làm thuyền và chuẩn bị vật phẩm cúng thần. Đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, bên hông thuyền có ghi ngày tháng năm cúng, xung quanh thuyền được trang trí hoa màu rất hoành tráng. Thuyền Tống Ôn – Tống Phong có chiều cao khoảng 02 thước, dài gần hai thước rưỡi, ngang khoảng nửa thước. Hàng trăm tàu thuyền quy tụ diễu hành trên sông Cần Thơ và sông Hậu đón Lễ với tinh thần năm sau phải “hoành tráng” hơn năm trước.

Ông Trần Văn Lộc - Trưởng Ban Tế tự Miễu Bà Xóm Chài – phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết: "Năm nay tham gia lễ “mãnh liệt” hơn năm trước và năm sau phải “mãnh liệt” hơn năm nay, bà con không bao giờ lãng quên Lễ hội này. Mùng 9 là đốn cây, tới mùng 10 róc chặt cây, chẻ nẹp và ngày 11 là khởi công đóng tàu. Anh em xúm lại tiếp sức để cùng nhau đón lễ"

Sau nghi thức cúng và thả bè, người dân lấy nước sông tắm gội để xua đi đi xui xẻo, rướt về may mắn

Giờ giấc cúng tùy thuộc cộng đồng lựa chọn, có nơi chọn đêm khuya, có nơi chọn giờ Ngọ (12g trưa), có nơi lại chọn 16 giờ chiều. Dù chọn giờ nào thì nghi thức cũng phải đúng tín ngưỡng, lễ vật dâng cũng phải đúng với tập tục.

Nhà Nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng khẳng định: "Lấy nước ở ngay ngã ba sông Hậu cho thật sạch để làm nước cúng. Bởi vì Miễu Bà Chúa Xứ ở Xóm Chài chủ yếu là thờ bà cậu, được ví như là một vị nữ thần hỗ trợ cho người làm nghề hạ bạc, chài lưới, thương hồ trên sông. Nên nước được lấy từ ngã ba sông sẽ rất tinh khiết, làm cho niềm tin đậm hơn, tín ngưỡng thì phải là như vậy, đây như là một lễ vật tượng trưng. Có nơi thì dâng thêm heo quay, trái cây, nghi thức thì có cúng Lễ chính và cúng tiên thường trước khi thả tàu tống ôn đi."

Điểm nhấn của Lễ hội là nghi thức Đi Nghinh (tống bè thủy lục) với hàng trăm tàu bè dập dìu, múa lân diễu hành trên sông trong vòng một giờ đồng hồ. Sau đó làm lễ hạ bè để tống hết xui xẻo trong năm và nhận về may mắn. Hạ bè xong người dân ăn uống vui vẻ, ca hát, nhảy múa, múc nước tạt vào nhau (gọi là té nước đầu năm) như để lấy lộc cầu may trong năm mới. Lấy nước rửa tay chân, mặt mũi, trai tráng nhảy xuống sông tắm đùa vui.

"Bà con ở tận Châu Đốc (An Giang) hay Tây Ninh mà còn về tận đây để đón lễ đó. Những người gốc ở đây mà đi làm ăn xa họ đều nhớ ngày lễ này và về cùng bà con cúng lễ"

"Nhà chị chuyên chở hàng bằng đường thủy nên biết và tham gia lễ hội cúng Miễu Bà ở Xóm Chài vào ngày 14 âm lịch hằng năm để cầu cho quốc thái dân an"

"Tống ôn – tống gió là một năm chỉ có 01 ngày để đi tống. Đóng tàu – thuyền – bè rồi dâng đầu heo, cá, gạo, muối, tiền thật, tiền vàng mã để cầu cho các linh ồn tử nạn vì sông nước lên bè mà đi"

Thanh niên trai tráng chơi trò té nước

Đối với người dân hành nghề trên sông nước, Lễ hội Tống Ôn - Tống Phong đã trở thành chỗ dựa tâm linh của họ. Họ tin tưởng rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, có cúng kiến sẽ tống khứ đi hết những điều xui rủi và được bình an.

Còn đối với cộng đồng, Lễ hội thời gian qua đang tạo nên những “cú hích” nhất định, đặc biệt là với ngành du lịch. Việc tổ chức lễ hội Tống Ôn - Tống Phong cũng không nằm ngoài khát vọng kích cầu du lịch cho TP Cần Thơ và ĐBSCL. Bằng chứng, hằng năm, Lễ hội đã thu hút một lượng lớn người tham gia đến từ nhiều địa phương, trong đó có cả du khách trẻ tham gia như một phần trải nghiệm của cuộc sống.

Mỗi lần tổ chức nghi lễ là một lần người dân đắm mình trong dòng chảy văn hóa dân gian của dân tộc. Sự cộng cảm, cộng mệnh ấy là khát vọng về sự trường tồn, bảo vệ những giá trị văn hóa mà cha ông để lại.

Nghi lễ Tống Ôn - Tống Phong ngày nay tuy ít nơi còn giữ được nguyên vẹn nhưng vẫn được nhìn nhận, bảo vệ và trân quý những dấu ấn của văn hóa sông nước trong đời sống tâm linh của người Việt ở ĐBSCL.