Toa tàu ngược thời gian

Ở một toa tàu nhỏ và đặc biệt mang dáng dấp của Hà Nội xưa được tình cờ bắt gặp trên phố, sẽ đưa bộ hành du hành ngược thời gian về những năm tháng đã cũ với nhiều mảnh ký ức quan trọng đối với cuộc đời người dân Thủ đô một thời.

Đó là những năm tháng của thời kỳ bao cấp nhiều gian khó, vất vả. Hành trình của Bộ hành qua phố hôm nay sẽ bước lên một toa tàu ngược thời gian đặc biệt như thế!

Từ đầu ngã tư phố Ngũ Xã - Trúc Bạch, toa tàu điện nhỏ xinh, bắt mắt đã lập tức thu hút ánh nhìn của bộ hành. Có lẽ là bởi hình dáng, màu sắc thân thuộc và hoài niệm, dù sứ mệnh thật sự của chiếc “tàu điện leng keng” Hà Nội đã kết thúc vào cuối thế kỷ trước.

Tái hiện dáng vẻ chiếc tàu điện thời bao cấp, tuyến tàu điện số 6 “Bếp - Chạn - Mâm” là điểm hẹn hoài cổ giữa nhịp sống hiện đại. Tuy được lắp ráp mới, nhưng thiết kế vẫn bám sát cấu trúc nguyên bản. Nhiều người đi ngang qua không tránh khỏi hiếu kỳ, liền nán lại tìm hiểu, khám phá những gì đặc biệt nhất của toa tàu.

Toa tàu điện nhỏ xinh nằm ở ngã tư phố Ngũ Xã - Trúc Bạch thu hút sự quan tâm của bộ hành
Khách tham quan trải nghiệm đọc báo, uống trà trong không gian đậm chất hoài cổ của Hà Nội xưa

Anh Nguyễn Vân Long ban đầu chỉ tình cờ biết đến toa tàu qua các bài đăng trên mạng xã hội. Song, phần vì tò mò, lại yêu những nét truyền thống rất riêng thuộc về đời sống, mà bản thân anh đã từng trải qua và hiểu về chúng, anh quyết định tìm đến toa tàu để trải nghiệm, cũng là để tìm lại những kỷ niệm vốn đã nằm gọn ở một góc trong ền ký ức xa xôi:

"Thì mình mới biết ra là cái toa xe này nó trưng bày rất nhiều những thứ thời bao cấp, những món đồ dùng, vật dụng từ ngày xưa, những năm bao cấp. Việt Nam mình còn trong thời kỳ bao cấp, những cái đồ dùng mà ngày xưa mình dùng, mình nhớ lại những kỉ niệm xưa. Và để cho mọi người không quên đi những giá trị tốt đẹp mà ngày xưa cái thời kỳ đấy mang lại".

Phía trước toa tàu bày biện bàn ghế để bộ hành dừng chân vừa đọc báo giấy, vừa nhâm nhi chén chè xanh, thêm ly trà đá mát lạnh, bên cạnh có vài hộp kẹo lạc, bánh quẩy, cả bàn cờ tướng… Thế là thành khoảng không gian đầy hoài niệm, cổ kính, đậm chất Hà Nội xưa.

Vài lọ thủy tinh trắng đựng kẹo lạc, kẹo dồi, bánh quẩy,... ăn nhâm nhi cùng ly trà đá
Căn bếp bên trong toa tàu trưng bày nhiều vật dụng xưa sử dụng từ thời bao cấp

Bước vào trong toa tàu, thu vào tầm mắt người bộ hành là cả một nếp sống, văn hóa và lịch sử của những năm 80, 90. Căn bếp với nào là nồi chảo gang, kiềng, củi, vài phích nước lớn nhỏ đã sờn màu, nhưng tồn tại ở đó như để “giữ nhiệt” cho từng mẩu chuyện xưa mà hành khách đem cùng lên chuyến tàu đặc biệt này.

Bên cạnh là mâm cơm với những món ăn gắn liền với thời kỳ bao cấp trong ký ức của nhiều người Hà Nội. Bùi ngùi nhớ về bát cơm độn khoai sắn khó ăn, cà muối với rau muống luộc, thêm chút lạc rang, đậu phụ rán… hiện diện trên chiếc mâm đồng giản dị nhưng đáng nhớ, hoài niệm vô cùng. Phía trên là cái chạn đóng từ vài mảnh gỗ, để bát đĩa cùng chút thức ăn.

Mâm cơm thời bao cấp với những món ăn thân thuộc, giản dị
Bảng đen thông báo là điểm hẹn thông tin quen thuộc của mỗi khu dân cư

Từ ngày có dự án toa bao cấp, thỉnh thoảng ông Nguyễn Doanh Sương lại ghé qua chơi. Với ông, việc tìm về những kỷ niệm xa xưa của một thời gian khó chưa bao giờ dễ dàng đến thế, chính bởi không gian trưng bày vô cùng sống động bên trong toa tàu:    

"Nhiều khi cái mâm cơm đơn sơ hồi xưa là chỉ có thế thôi. Một tí tôm rang, bát canh với quả cà, rau muống luộc, thế là hết. Gợi lại những năm tháng khó khăn của đất nước mình. Cái tuổi mà tầm 8x, 9x thì đến đây hay chụp ảnh rất nhiều. Còn những người đứng tuổi như ông thì cũng ra đây để nhìn trong đầu, hồi tưởng lại thời gian khó khăn của đất nước thôi". 

Khoảng không gian bao quanh mô hình toa tàu điện càng không thể thiếu hình ảnh chiếc bảng đen thông báo của khu tập thể cũ, hay rạp chiếu bóng lưu động một thời...Mỗi món đồ, vật dụng đều gắn với những kỷ niệm và câu chuyện riêng. Có vài vị khách ghé chơi, mang theo cả những món đồ xưa từ thời ông bà mình, để đóng góp, làm giàu thêm cho “chuyến tàu di sản” trên phố.

Rạp chiếu bóng lưu động từng là khoảng không gian tụ tập xem phim của nhiều hộ gia đình thời bao cấp

Và cũng có những vị khách, muốn nhân cơ hội tham quan này để giới thiệu, kể cho thế hệ con cháu, giúp lớp trẻ biết và hiểu sâu sắc hơn về một thời gian khó của Thủ đô, của đất nước. Không chỉ với thế hệ trẻ người Việt, đây cũng là cách để khách du lịch tiếp cận gần hơn với lịch sử, văn hóa của nước mình. Một chiều rảnh rỗi, Anh Nguyễn Đức Hoàng  lại đưa gia đình đến trải nghiệm ở toa bao cấp, anh chia sẻ:

"Những cái này không chỉ để trang trí hay để chụp ảnh. Mà để người ta ngẫm nghĩ lại, ôn lại kỷ niệm của thời bao cấp, nhìn được hiện tại và ngày xưa khác nhau ở cái gì. Người ta trân trọng chuyện đó, đây cũng là cái để mình kể cho con cháu. Những gì để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống con người, người ta biết gìn giữ, trân trọng, biết bảo tồn. Đấy là những giá trị tốt, mình có thể chia sẻ với khách du lịch là như vậy".

Không gian toa tàu là bảo tàng thu nhỏ về nếp sống của một thời kỳ gian khó của đất nước
Khách nước ngoài hiếu kỳ về không gian trưng bày toa tàu bao cấp

Mỗi hành khách lên “chuyến tàu di sản” này lại chất chứa trong lòng những hồi tưởng, suy tư của riêng mình. Là bởi những kỷ niệm xưa bất chợt ùa về, hay bởi được sống chậm lại, không vội vã, không xô bồ, chỉ có cảm giác thân thuộc, yên bình trong từng khung cảnh, từng món đồ bày biện trước mắt.

Chính những mảnh ký ức đã nằm lại sâu trong tâm trí, nay được nhẹ nhàng lấy ra lau chùi, bỗng khiến ta thêm yêu, thêm trân trọng những buồn vui của một giai đoạn thời bao cấp đầy gian khó....

q