PV VOV Giao thông đã có mặt tại khu vực Cầu Tó, khu vực nút giao Tả Thanh Oai - Phan Trọng Tuệ và trò chuyện với tài xế taxi Vũ Quang Sinh, một người tham gia giao thông thường xuyên tại khu vực này:
Gần đây VOV Giao thông nhận đươc thông tin ùn tắc khá thường xuyên tại Cầu Tó và khu vực nút giao Tả Thanh Oai - Phan Trọng Tuệ. Thường xuyên qua đây, anh thấy thực tế thế nào?
Thực tế tình hình giao thông tại đây mật đổ rất cao, thường xuyên vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, rất nhiều phương tiện tham gia giao thông qua đây, quan trọng nhất là rất nhiều phương tiện lớn tham gia giao thông qua đây.
Như ví dụ như khu vực nhà tôi hiện tại ngay sát Cầu Tó có 6 tòa nhà, theo mật độ mỗi tòa là có 30 tầng vào khoảng 600 hộ dân/tòa nên lưu lượng phương tiện giao thông ở đây rất lớn.
Theo anh, nguyên nhân tắc tại khu vực này đến từ đâu?
Nguyên nhân đầu tiên chủ yếu là về cơ sở hạ tầng ở khu vực tuyến đường này, mặc dù đã có dự án mở rộng nhưng hiện tại tôi thấy triển khai thì hạ tầng ở đây chưa đáp ứng được nhu cầu của lưu lượng phương tiện lưu thông qua đây.
Vấn đề chính ở đây là vì mặt đường rất nhỏ mà lưu lượng phương tiện rất lớn. Nhất là đối với phương tiện trọng tải lớn và phương tiện xe khách thường xuyên lưu thông qua đây gây áp lực càng lớn cho khu vực này.
Ngã tư ở khu khu vực Cầu Tó khác với các khu vực bình thường vì nó có rất nhiều hướng đường ra ra đường Quốc lộ 70 và cùng với đó nhiều phương tiện lớn đan xen cộng với ý thức tham gia giao thông của mọi người chưa cao, nên không có thái độ nhường nhịn rất dễ xảy ra xung đột.
Ngoài những vấn đề anh vừa nêu, anh còn thấy có vấn đề nào khác không?
Theo hướng trục là Ngã ba Văn Điển về Cầu Trắng (Hà Đông) và Cầu Trắng (Hà Đông) ngược lại về ngã ba Văn Điển sẽ lớn hơn và nhiều hơn thì theo hướng từ Phan Trọng Tuệ về Ngã ba Văn Điển hiện tại ô tô cấm rẽ trái trực tiếp vào đường Kim Giang và phải đi qua Cầu Tó mới được rẽ trái vào chỗ Nhà máy sơn Đại Bàng và đường này song song với đường Kim Giang.
Tôi thấy mật độ phương tiện rất đông và khi muốn rẽ sang dòng phương tiện chưa ngắt được nhịp sẽ gây ra cản trở, khó khăn khi rẽ sang phía nhà máy sơn đại bàng, gây ùn ứ tại đó.
Giờ đang là nghỉ hè của học sinh mà đã ùn tắc thế này. Anh có lo khi vào năm học mới?
Bây giờ là học sinh đang nghỉ học và nếu mấy hôm nữa vào thời điểm học sinh quay trở lại trường thì tôi nghĩ mật độ sẽ tăng rất cao.
Cái chính ở đây là mật độ khu vực này rất nhiều chung cư, cư dân đi lại cộng với đó rất nhiều trường học xung quanh đây nên rất lo ngại vấn đề đó.
Ngay như đằng bên cạnh nhà tôi là có khu vực của Hữu Hòa – Tả Thanh Oai, bên cạnh đó là trường của Thanh Liệt. An toàn ở đây là vấn đề các em nhỏ khi tham gia giao thông, cộng với đó là lưu lượng quá lớn gây rất mất an toàn cho các em.
Trước tình hình này, theo anh, nên bố trí lại đèn, hướng đi hay phân luồng thế nào để khu vực này bớt ùn tắc?
Hiện tại tôi thấy tổ chức giao thông bằng đèn xanh, đèn đỏ ở đây là tạm ổn, đèn đỏ theo hướng từ Ngã ba Phan Trọng Tuệ về Hà Đông là khoảng 99 giây và đèn xanh là 39 giây thì tôi thấy tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông theo hướng chính và rẽ trái vào Kim Giang.
Tôi mong muốn vào giờ cao điểm sẽ bố trí thêm lực lượng chức năng ở khu vực Cầu Tó để phân luồng phương tiện rẽ trái vào khu vực nhà máy sơn đại bàng tránh tình trạng xung đột tại đó.
Tôi cũng mong muốn sớm triển khai hệ thống giao thông thông nh ở đây để có thể đếm được lưu lượng tốt hơn và đưa ra hướng điều chỉnh tốt hơn tại khu vực này.
Các lực lượng chức năng xử lý nghiêm hành vi vi phạm như: nghe điện thoại, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… khu vực Cầu Tó nói riêng và toàn thành phố nói chung.
Rất cảm ơn những chia sẻ của anh Sinh!
Theo người dân, để giảm thiểu ùn tắc tại đây cần sớm triển khai dự án mở rộng đường, ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý điểm ùn tắc trên tuyến, đặc biệt hơn là ý thức tham gia giao thông của người dân cần phải được nâng cao, chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ.
Bởi tại khu vực này, nếu xảy ra va chạm hậu quả về người rất nặng nề.