Tinh thần thể thao của thị dân

Người Việt bao nhiêu năm qua vẫn bị liệt vào danh sách ít chịu vận động. Tức là không mấy người chơi thể thao, tập thể dục nâng cao sức khoẻ… Chính vì vậy, hầu hết mọi người sau tuổi nghỉ hưu sức khoẻ đều kém đi rõ rệt...

Nói như vậy, chắc sẽ nhiều người phản đối, bảo: Sáng nào công viên, Bờ Hồ chả đầy người ra tập thể dục, thể thao? Đúng là mấy năm trở lại đây, người Hà Nội nói riêng và ở nhiều nơi nói chung, phong trào thể dục, thể thao quần chúng đã phát triển nhanh chóng.

Người ta tham gia đủ các môn thể thao khác nhau, từ đạp xe, bơi lội, chạy bộ… tới những môn thể thao khá lạ lẫm với người Việt, đặc biệt là ở thành thị, như chèo thuyền, leo núi…

Thế nhưng, nếu nhìn vào độ tuổi của những người đang ệt mài tập luyện hiện nay mới thấy rằng, cái kết luận về việc người Việt lười vận động cũng chẳng sai chút nào. Hầu hết họ đều ở độ tuổi trung niên trở lên. Những người dưới 20 tuổi hầu như rất ít vận động.

Trường học nào cũng có môn thể dục, nhưng gọi là cho có chứ chưa thực sự giúp các em trở nên yêu thích vận động, yêu thích thể thao từ nhỏ.

Vậy nên, người Việt, hầu hết chỉ có nhu cầu tập thể dục, thể thao khi đã cảm thấy sức khoẻ của mình có vấn đề theo tuổi tác mỗi ngày một tăng. Cả quãng thời gian tuổi trẻ đều dành cho việc ngồi quán bia, quán rượu… với lý do tiếp khách, phục vụ công việc!

Thế rồi một ngày đẹp trời, cả xã hội bỗng nhận thấy việc tham gia thể dục, thể thao là một thứ gì đó khẳng định mình năng động và có lẽ, là muốn đánh tan đi cái kết luận lười vận động của tổ chức nào đó. Bây giờ rất nhiều người hằng ngày vẫn cập nhật chuyện thể dục thể thao của cá nhân lên mạng xã hội để khoe với mọi người và nhận được những lời trầm trồ hâm mộ?.

Phong trào mạnh đến mức, nhiều tổ chức, cá nhân đua nhau tổ chức các giải thể thao phong trào cho mọi người tham gia. Ai cũng có thể đăng ký.

Cứ cuối tuần là sẽ có vài giải đạp xe, chạy bộ, bơi lội được tổ chức. Mang lại không khí rất vui tươi, năng động cho hàng trăm, hàng ngàn người. Khắp phố phường, đặc biệt công viên, phố đi bộ là hình ảnh người dân thành phố tham gia tập luyện hăng say…

Thế rồi, từ những hoạt động tự phát, trở thành phong trào, và thậm chí, có người chẳng thích thể dục, thể thao cũng bị cuốn vào những cuộc chơi ấy…

Thỉnh thoảng, đi trên phố, giữa trưa, lại bắt gặp quanh Hồ Hoàn Kiếm tấp nập các anh chị nhân viên văn phòng hối hả chạy bộ theo từng nhóm nhỏ. Hầu hết họ đều đang vận đồ văn phòng, có chị vẫn mặc váy bó, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, luôn ệng hối thúc bạn chạy cho đủ vòng. Có người mang giày thể thao nhưng cũng có người vẫn đi giày da..., vẻ mặt nhiều người còn chả thấy vui vẻ hay thư giãn gì.

Có lẽ 1 đơn vị nào đó vừa phát động phong trào chạy bộ trong cán bộ nhân viên công ty…

Và nhìn những bộ mặt không mấy vui vẻ kia, có lẽ là nhiều người trong số họ vì không muốn bị nhận xét xấu, bị sếp để mắt, nên phải cố gắng làm vì không muốn mình ảnh hưởng đến phong trào thể dục đang lên hừng hực, với khí thế ngút trời của công ty mà phải tham gia…

Một ngày có 8 đến 10 tiếng đồng hồ cống hiến cho công ty, tối về đón con, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa bã người làm sao còn đủ sức mà chạy? Vậy là thôi thì tranh thủ giờ nghỉ trưa hè nhau vác giày ra đường chạy cho đủ chỉ tiêu.

Chạy bộ thì tốt, giúp tăng cường sức khỏe. Nhưng chạy mà như đang chạy chỉ tiêu kế hoạch cuối năm của các anh chị nhân viên văn phòng kia thì chả khác gì hành nhau?

Rồi phong trào đạp xe của thị dân nhiều năm trở lại đây cũng phát triển ghê gớm. Nhiều cụ ông cụ bà đến khi nghỉ hưu mới biết đến niềm vui thể dục. Ấy vậy là tham gia các nhóm đạp xe. Ai cũng sắm cho mình những chiếc xe đạp và bộ đồ y hệt dân thể thao chuyên nghiệp.

Ngày nào cũng thấy các cụ cong lưng đạp xe. Nhưng đạp trong phố thì đông đúc, thế là họ rủ nhau đạp ra đường cao tốc. Vừa rộng, vừa dài, vừa thoáng đãng. Nhưng lại vi phạm luật giao thông.

Sáng cuối tuần nào cũng thấy đoàn dài xe đạp như dân chuyên nghiệp phóng như bay trên cao tốc khiến những người lái ô tô chỉ biết ngao ngán lắc đầu mà tránh cho xa, không lại mang vạ vào thân…