Tìm lại những mẻ gạch nơi “Vương quốc đỏ”

Vĩnh Long, nơi không chỉ nổi tiếng bởi những miệt vườn trĩu trái đặc trưng của miền Tây sông nước, những loại hình du lịch sinh thái độc đáo, thú vị, mà còn nổi tiếng với “Vương quốc Đỏ” Mang Thít.

Cái tên “Vương quốc đỏ” là danh xưng mà dân gian dành cho mảnh đất Mang Thít với những làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Từng là "thủ phủ gạch, ngói" song làng nghề Mang Thít bây giờ chỉ còn là niềm nhớ, nơi những ệng lò khói nhả cũng chậm rãi hơn.

Làng ghề gạch, gốm Mang Thít nằm ven sông Cổ Chiên hiền hòa. Nhìn từ phía xa xa, những lò gạch có hình dáng tựa như những mái vòm khổng lồ nằm san sát nhau, kéo dài hàng chục cây số.

Mỗi lò gạch cao từ 7 tới 12 thước, có kiến trúc hình tháp tròn, to ở trụ móng và thuôn dần lên tới đỉnh, được gắn kết bằng hàng chục ngàn viên gạch thẻ xếp chồng lên nhau tạo thành công trình kiến trúc độc đáo.

Nghề làm gạch, gốm nơi đây cũng bện chặt với những câu chuyện mưu sinh, những câu chuyện tâm linh nghề thú vị và đầy những thăng trầm qua bao thế hệ.

Người dân nơi đây bám trụ với nghề qua nhiều đời, từng viên gạch hình thành đan bền bỉ với từng giọt mặn mồ hôi và vị ngọt tình cảm của người thợ, quyện với cuộc sống của họ.

Qua thời gian những kỹ thuật được truyền lại dần kết tinh điêu luyện, những tảng đất thô sơ qua bàn tay tài hoa của người thợ trở thành những sản phẩm hữu ích cho người dân.

Từ khi thai nghén cho tới lúc manh nha hình thành, đoạn mới khởi điểm, nơi đây chỉ chuyên làm gạch ngói như: gạch tàu, gạch ống, gạch tiểu, ngói âm dương, chủ yếu bằng phương pháp thủ công, dụng cụ thô sơ. Dần dà, nơi đây bắt đầu cơ giới hóa, sản xuất bằng máy chạy gạch.

Gạch, gốm Mang Thít, Vĩnh Long có mẫu mã phong phú, có nét riêng nhờ nguồn đất sét đặc biệt và nét tinh hoa được hình thành từ tri thức dân gian của ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa.

“Vương quốc Đỏ” Mang Thít. Ảnh: Thám hiểm Mekong

Nói về gia tài của vương quốc đỏ, anh Dương Chí Hiền - người có nhiều năm gắn bó với làng gạch xã Nhơn Phú, Mang Thít chia sẻ: "Đất ở vùng này nó hơn nhiều chỗ, thứ nhất là về màu đất, thứ hai là về độ dẻo. Đất mà có độ dẻo thì nó sẽ không bị teo đất sau khi nung, nói chung là nó già đất hơn nhiều vùng khác.

Thí dụ như đối với gạch tàu thì chỉ có vùng Vĩnh Long mình là làm ra gạch tàu chất lượng nhất thôi. Gạch của mình làm ra đỡ hư hao, gạch hạn chế bị nứt sau khi nung nhiều nhất. Như đất là các vùng khác thì đất làm ra bị hột, bị sỏi trong gạch, còn này là đất ruộng phù sa thì nó sẽ tốt, khác hơn".

Để có được những mẻ gạch nung đạt chuẩn màu sắc, độ cứng cáp, người thợ lò không chỉ dành ra một ngày để canh con lửa, mà là cả tuần dài có khi thức trắng đêm nếu có thợ lựng khựng mới vô nghề.

Nhớ về khoảng thời gian nóng ran đỏ mặt cả ngày đêm, chú Nguyễn Văn Tứ, thợ nung gạch tại xã Mỹ An, Long Hồ, nay đã nghỉ làm tâm sự: "Lúc mà nung gạch là canh từ 6 giờ tới 12 giờ đêm thì có người khác thay, có nghĩa là không để lửa tắt gạch nó bị sượng. Thí dụ như người giỏi hay lâu năm như chú mà bữa đó làm chung với người chưa có thuần thục thì sợ cái mẻ gạch đó nó nung không được chín đủ thì dễ tốn kém lắm, mà gạch mà chín hỗn thì hay bị nám đen.

Thế nên mình cũng phải theo người ta, nói đêm mình ngủ vậy chứ mình cũng chập chờn. Ví dụ anh em mà chụm thấy không ổn thì mình cũng thức dậy mình chỉ cho người ta. Bởi khi nào mà mẻ gạch ra rồi mình mới an tâm".

Lò gạch Mang Thít ở Vĩnh Long. Ảnh: Thanh niên

Thức đêm canh lò giữ lửa luôn đỏ, nghe thì biết liền cái công việc này cực vô cùng, nhưng thức cùng thợ lò, chia sẻ nhau về bí quyết nung gạch mới thấy được không khí ở thời hoàng kim nơi "vương quốc đỏ" luôn nhộn nhịp, ồn ã tiếng cười nói và hơn hết là tình nghĩa của người công nhân luôn bền bĩ như chính cách xây dựng từng viên gạch của lò bện chặt vào nhau.

Chú Nguyễn Văn Tứ cho biết thêm: "Khi mà chụm đâu được khoảng 1 tuần thì người ta mới bắt đầu cho lò nó xả hơi, xả hơi là cho lò gạch nó bớt nóng. Lúc này anh em mới mở cửa lò, chui vào để lấy gạch, hay trấu vụn. Cái lúc mà lấy được mẻ gạch đầu tiên ra ngoài để lên cái xe thì anh em người ta mừng rỡ lắm, tại trông cho gạch tốt mà. Hoặc là khi mà mình chụm gọi là cho nó đúng lửa, chừng 20 cần xé trấu, thì anh em cũng được nghỉ cái khoảng này, là tập hợp đi ăn cháo đêm, thì có mấy anh em vát trấu, hay mấy anh em thay ca chụm lò, xúm nhau đi ăn cháo đêm với củ cải muối ngâm nước tương đó, ăn vậy mấy anh em thấy vui nữa".

Theo các cụ cao niên kể lại, những năm 80, nghề gốm ở Vĩnh Long manh nha hình thành. Khi đó, doanh nghiệp thí điểm đầu tư sản xuất gốm bằng lò dài với chất đốt là gỗ tạp. Theo chia sẻ của nhiều người lành nghề, về kỹ thuật thì giống như các vùng khu vực ền Đông nhưng về sản phẩm thì lại đặc biệt ở chỗ gốm đỏ Vĩnh Long là loại đặc trưng không tráng men, khác về nguyên liệu sản xuất, màu đỏ của đất sét khi nung chín tạo màu sắc đặc trưng của gốm vùng này.

Anh Dương Chí Hiền nói thêm: "Cái lò của chỗ này khi đốt cái lượng lửa sẽ làm chín từ trên xuống. Còn những lò công nghiệp bây giờ thì một mẻ của nó chỉ có mấy thiên thôi, mà cứ nạp lửa trực tiếp vô hoài thì gạch nó bị nám đâu có đều đâu mà đẹp. Còn lò của mình thì khi mà mình đốt, chụm tùy theo lò lớn lò nhỏ, nhưng thường là khoảng 1 tháng, còn nhanh nhất thì mười mấy, hai mươi ngày thì gạch chắn ăn là chín đều đẹp. Nên chỗ này là làm được gạch tàu, gạch thẻ, ngói đều được hết. Chú mà gom hết các loại gạch đốt vô trong lò công nghiệp thì gạch dễ bị nứt".

Ảnh: thamhiemmekong

Nghề sản xuất gốm tại Mang Thít, Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ từ những năm 2007 - 2008. Chủng loại sản phẩm cũng có sự phát triển đa dạng hơn, đặc biệt là gốm đã xuất khẩu qua các nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á. Gốm giai đoạn này phát triển với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng nội thất, được một số doanh nghiệp nghiên cứu phát triển làm phong phú.

Trong giai đoạn hưng thịnh, mỗi gia đình ở Mang Thít đều có từ 2 tới 5 lò gạch, mang lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động trong vùng. Tuy nhiên, từ những năm 2000, nghề nung gạch dần suy thoái do nhu cầu của thị trường giảm, chi phí sản xuất cao cùng với những yêu cầu khắt khe về môi trường. Do đó, nhiều gia đình đã bóp bụng mà phá dỡ lò gạch và chuyển hướng làm ăn khác. Nghề làm gạch, gốm ở Mang Thít đứng trước nguy cơ mai một sau hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển.

Anh Dương Chí Hiền cho biết: "Chi phí chất đốt, tại vì mình đốt thủ công, đốt trong thời gian lâu thì nó sẽ hao hơn là chắc rồi. Nếu như mấy cái loại lò kia đốt chừng 100 gram trấu thì lò của mình đốt tời 300 gram trấu trên 1 viên gạch. Với cái nữa bây giờ làm không có lời. So với hồi xưa thì nếu hồi xưa làm chừng 10 phần thì bây giờ chỉ còn có 4 phần".

“4 trên 10 phần” - con số ước lệ mà anh Dương Chí Hiền nói về số người còn nán lại giữ lửa cho "vương quốc đỏ". Như một quy luật được định sẵn, rồi cái giai đoạn mà những chiếc lò gạch cũng dần tắt lửa. Khi đời sống chảy trôi, thay đổi ắt phải đến. Làng nghề gạch, gốm đứng trước áp lực chuyển đổi khi các công nghệ vật liệu mới tạo ra nhiều lựa chọn khác ngoài gạch nung truyền thống.

Những lo ngại về tác động của khí thải lên môi trường cũng khiến hoạt động sản xuất truyền thống gặp không ít… xét nét. Trước lắm ngã rẽ của thời cuộc, những mẻ gạch còn lại của “vương quốc đỏ” thịnh vượng có nguy cơ chỉ còn là một chương ký ức giữa thời hiện đại.

Chương này kết thúc sẽ lại có chương khác mở ra, những mẻ gạch nung truyền thống tuy không còn phổ biến rộng rãi như thời hoàng kim trước đó, song giá trị nó mang lại cho xã hội luôn mãi đậm dấu. Những năm qua, lượng khách du lịch đến Mang Thít ngày càng tăng. Ý thức được đây là “kho báu đỏ” cần đánh thức, tỉnh Vĩnh Long đã có kế hoạch bảo tồn di sản đương đại có giá trị và phát triển làng nghề trở thành điểm đến du lịch thu hút khách.

Với tầm nhìn và sự đầu tư của địa phương, Đề án Di sản đương đại Mang Thít sẽ là phép màu góp phần bảo vệ và “đánh thức” giá trị của làng nghề trăm năm bên dòng Cổ Chiên này.