Tiếng hát bay trên hàng phố

Có những tiếng hát làm thay đổi phố, khiến lòng người cũng tràn đầy niềm vui mới như đón ngày xuân về. Đó là tiếng hát của những người cao tuổi yêu âm nhạc từ Lớp xướng âm hát nhạc “Còn mãi với thời gian” ở Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.

“Khi những loài chim hót vang khắp trời/ Là lúc mùa xuân tràn ngập khắp nơi nơi” - Đây là giai điệu khiến người ta dễ dàng ngâm nga theo, dù chỉ đứng nghe từ phía dưới đường Trần Bình Trọng ngước lên phía gác hai của tòa nhà cũ trong Cung văn hóa.

Thật tình cờ khi những người bộ hành không hẹn mà gặp cùng đứng ngoài ô cửa lớp học, lắng nghe hết một bài hát kể về kỉ niệm đã qua mang theo sự vui vẻ đến vậy.

Ảnh: Ái Kiều/VOVGT

“Gần như sáng nào cũng phải luyện thanh, đứng thẳng cột hơi, hít vào thở ra càng dài càng khỏe. Khi nhìn vào bản nhạc này cô bảo văn bản rê trưởng lớp chỉ hát la trưởng, cô hướng dẫn hạ tông xuống, chỗ nào ngân bao nhiêu. Người chưa biết hát dần dần mới biết”.

Mấy chục học viên của lớp xướng âm hát nhạc giống bà Phan Thanh Vân, mang theo tình yêu ca hát để dành phần lớn thời gian tuổi về hưu bên những người bạn, bắt đầu từ đọc nốt nhạc cho đến vỡ bài rồi tự tin hơn biểu diễn trên sân khấu.

18 năm qua, lớp học này đã mang đến bao niềm vui và sức khỏe cho các học viên lớn tuổi. Cũng bởi học hát chừng ấy năm, bà Thái Thanh Hằng tưởng như không nói được sau cuộc phẫu thuật mổ tuyến giáp, nay còn có thể tiếp tục hát những điệu tango đầy năng lượng:

"Tôi cứ theo cô đến 18 năm nay rồi liên tục trừ khi nào ốm. Mà nay ốm vẫn đến đây. Tôi muốn biết hát. Nhờ có học hát mà tôi nói được, hát được đó là kết quả tốt đẹp. Lớp học cho chúng tôi được vui vẻ, thân thiện, rất yêu đời vì có ca từ trong bài hát rất hay chúng tôi thường nói với nhau. Sau khi vào lớp học tôi thấy cô Quỳnh Hoa là cô giáo rất gần gũi, chúng tôi học tập được rất nhiều".

Cô giáo ca sĩ Quỳnh Hoa cùng các học trò trong lớp học (Ảnh: Ái Kiều/VOVGT)

Ca sĩ Quỳnh Hoa đôi lúc cũng ngạc nhiên khi nhắc đến thời gian cô trò đã gắn bó. Nhưng dường như cũng không khó lý giải cho sự kiên trì đặc biệt này:

"Đến nay là 18 năm liên tục trong đó có người học 18 năm. Nhiều khi mình nghĩ lại thấy choáng. Có những đặc thù riêng khi mình dạy, dỗ cho người cao tuổi này. Khi họ có trải nghiệm thời gian thẩm thấu văn hóa rất thuận lợi học rất nhanh, cảm thụ của họ rất mãnh liệt.

Mình tự hào bên cạnh chuyên môn xướng âm, giai điệu, tiết tấu quan trọng là môi trường của một câu lạc bộ là yêu thương nhau, lan tỏa những điều tích cực. Khi dạy mình cũng phải luyện thanh, hát mẫu, cập nhật xu thế nên có thể duy trì phong độ của chính mình".

Ảnh: Ái Kiều/VOVGT

Mọi cung bậc cảm xúc của các học viên lớn tuổi đều như hòa trộn thành chỉ riêng niềm vui mỗi khi họ cất lên tiếng hát. Ở ngay phía ngoài cửa, một học viên đã ngoài 90 tuổi bước ra khỏi lớp, lên ngay sân khấu phía bên cạnh để biểu diễn. Âm nhạc là cách đơn giản nhưng cũng hiệu quả lạ kỳ mà người cao tuổi dùng để duy trì trí nhớ.

Còn với những người bộ hành có dịp được đứng bên cửa nghe tiếng hát này, câu chuyện này giống như được tặng thêm một gói niềm vui khi thấy sự ngạc nhiên thú vị. Đó là có những người đi hết phần nhiều cuộc đời, đang giữ lại cũng phần nhiều sự hồn nhiên vui sống.

Gần 20 năm qua đi, phố bên ngoài lớp học cũng đã thay đổi bao điều. Chỉ có tiếng hát bay trên hàng phố vẫn ở đấy, như nương theo dòng chảy của cuộc sống, gắn bó với nhiều người và ghi dấu ấn khó quên mỗi khi ai đó ngang qua con phố vắng.