Thủy cung trên cạn

Cây cầu vượt đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang thu hút sự quan tâm của người dân khi được ví như “thủy cung trên cạn” với vẻ lung linh, rực rỡ của mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội trên vòm cầu, khi thành phố lên đèn.

Cây cầu vừa là gạch nối địa lý giữa khu vực phố cổ với khu vực Phúc Tân ngoài đê, vừa là không gian nghệ thuật trong dự án tour đi bộ hấp dẫn. 

"Tôi là Trần Hậu Yên Thế, thành viên nhóm nghệ thuật công cộng dự án Phúc Tân, dự án Phùng Hưng. Chúng ta đang đứng trong không gian công cộng cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Lần này, dự án tăng cường tương tác với không gian giao thông. Phương án thủy cung này làm cho trải nghiệm đi bộ trong phố thú vị, gắn nghệ thuật với đời sống thường ngày".

"Em tên là Quỳnh Dao, sinh viên trường Sân khấu điện ảnh. Tụi em đang có phim liên quan đến đại dương, thấy trên mạng nên chọn đây làm bối cảnh. Lần đầu tiên em thấy cầu đi bộ trang trí như thế này. Bình thường mọi người chọn tiện sẽ băng qua đường, cầu ở xa lười vòng lên, nhưng bây giờ ở đây rất đông người".

Đi bộ từ cả hai hướng lên cầu bên phố cổ và bên Phúc Tân, đều thấy trên mỗi bậc thang lên xuống được vẽ bức tranh Cá chép vượt vũ môn lấy cảm hứng từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống. Có chủ đề chung là “Nước”, cây cầu đi bộ giống như một đường Hầm thủy cung với các loài cá đại dương được làm từ vật liệu tái chế đang bơi lội phía trên vòm cầu.

Cầu vượt đi bộ Trần Nhật Duật đã đón thêm đông đảo người dân đi bộ với sức hấp dẫn từ diện mạo mới

Dọc hành lang là tác phẩm “Sóng” gợi ký ức về lớp sóng sông Hồng, xen kẽ là hình vẽ tay in mộc bản nghề trên phố dưới ánh đèn led đủ màu sắc. Cây cầu đã đón thêm đông đảo người dân đi bộ với sức hấp dẫn từ diện mạo mới:

"Tăng ca từ sáng đến giờ ở đây, bên chị lau chùi dọn dẹp ở đây. Buổi tối đẹp lung linh".

"Nó trang trí như này có không gian mới hơn, có cảm nhận khác và khiến mình đi bộ qua thường xuyên hơn chứ em hay đi xe".

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật hơn mười năm qua phục vụ nhu cầu sang đường chủ yếu của người lớn tuổi, người bán hàng rong và các em học sinh trong vùng. Giờ đây, cây cầu trở nên rực rỡ, sinh động hơn và được thắp sáng bởi ánh đèn của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng.

Cây cầu đi bộ giống như một đường Hầm thủy cung với các loài cá đại dương được làm từ vật liệu tái chế đang bơi lội phía trên vòm cầu

Để người ta không còn ngại đi xa mà luôn thấy mỗi lần qua đường càng thêm thú vị. Nghệ thuật ở ngay mỗi bước chân bộ hành khi mà những thứ bình thường nhất như việc đi bộ đều có thể đẹp hơn nếu thực lòng yêu nó.  

Vẻ đẹp khác lạ của một cây cầu đi bộ khiến không ít người ngạc nhiên. Trong đó có những đứa trẻ sống bên bờ sông Hồng. Ánh mắt của các em thêm rạng ngời khi trên đường đi học, băng qua một cây cầu cũng có thể được mộng mơ về đại dương, vừa đi bộ vừa học về di sản và nghe chuyện của cha ông qua từng nét vẽ.

“Thủy cung trên cạn” với vẻ lung linh, rực rỡ của mô hình các loài cá đại dương lớn

Cầu vượt đi bộ không chỉ nối hai khu vực dân cư ngăn cách bởi con đê, mà giờ đây còn nối dài không gian nghệ thuật công cộng. Khu phố cổ với trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, cầu đi bộ Trần Nhật Duật và không gian công cộng Phúc Tân khi được kết nối tạo thành tour đi bộ hấp dẫn, thu hút khách tham quan du lịch. Dự án này cũng được kỳ vọng thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá di sản ở đô thị đang dần trở lại trong những năm gần đây.

Nhờ có sự hiện diện ngày càng nhiều của nghệ thuật tại không gian công cộng, người dân sẽ dần quen với đời sống có nghệ thuật và học cách tôn trọng, nâng niu tác phẩm nghệ thuật ở nơi mở cửa ễn phí cho tất cả mọi người.