Thương cảng Bãi Xàu – nhứt xứ Ba Xuyên

Cù lao Phố, Thương cảng Hà Tiên, Phố chợ Mỹ Tho... vốn là những cái tên nổi tiếng, sớm có mặt ở Nam Bộ để thu hút giới thương nhân đến đây giao dịch mua bán từ lâu.

Bước sang giữa thế kỷ 19, xuất hiện thêm thương cảng Bãi Xàu mang tầm quốc tế. Hình thành trên vùng giáp nước, Bãi Xàu đã tạo dựng một thị trường danh tiếng trong giới buôn gạo, thương nhân khắp các quốc gia Đông Nam Á hội tụ về đây làm giàu.

Hôm nay, dù thương cảng ấy đã “mất tăm” theo dòng thời gian nhưng vẫn tiếp tục khơi dậy nhiều ý tưởng hình thành cảng biển mới, hướng tới tương lai giàu có ở xứ Ba Xuyên xưa cũ. 

Chợ Mỹ Xuyên ngày nay xưa là thương cảng Bãi Xàu

Về Sóc Trăng, đứng trên cây cầu đúc bắc ngang con kinh Chà Và, hướng về dãy phố trên đường Trần Hưng Đạo - Mỹ Xuyên, thuộc huyện Mỹ Xuyên, chỉ còn thấy một vài nhà máy cũ, chành cũ và nền cũ rêu phong. Nơi thương cảng quốc tế trăm năm nay chỉ còn lại chút này. Dẫu dấu xưa có phai nhạt nhưng tiếng tăm về một trung tâm lớn nhất vùng Hậu Giang vẫn vang bóng đến tận hôm nay.

Tiến sĩ Trịnh Công Lý – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng lý giải rằng, tên Bãi Xàu có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Srok Baychau, có nghĩa là “cơm sống”, tức huyện Mỹ Xuyên cũ, nay thuộc thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1789, thương cảng Bãi Xàu được hình thành nơi sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu mang tên Bassac, tuyến đường chính thông ra biển.

Do có điều kiện thuận lợi nên một thời gian dài, Bãi Xàu là cảng buôn bán gạo, rau, gà, vịt, heo, trái cây… lớn thứ 3 của Nam Bộ.

Thay vì phải chở hàng đi Sài Gòn rồi mới xuất cảng, nhưng thời đó, các thương nhân đã trực tiếp thu mua và bán thẳng cho các ghe buôn từ nước ngoài đến đây. Con đường lúa gạo ở Nam Kỳ thông suốt từ Hậu Giang lên Sài Gòn mà Bãi Xàu chính là đầu mối ở ệt dưới.

Có lúc, thuyền buôn của người Trung Hoa, Mã Lai... vào đậu san sát từ 100 đến 150 chiếc để mua gạo và đường:

“Ngay khu vực Bãi Xàu có con sông là nơi giáp nước giữa sông Mỹ Thanh và sông Hậu. Thường nơi giáp nước thì nước ít chảy, tàu bè neo đậu lại để nghỉ ngơi, giặt giũ, mua sắm. Từ từ mà ghe thuyền nhiều nơi hộ tụ về neo ở đây. Như vậy, hằng năm, ngày mùa lúa chín, thương cảng Bãi Xàu quy tụ từ 150 tàu thuyền từ nước ngoài tập trung mua hàng. Và nơi đây cũng là nơi tập trung nhiều tôn giáo”.

Nơi hội tụ thương buôn tại chợ Mỹ Xuyên ngày nay xưa là nơi neo đậu tàu thuyền của Bãi Xàu

Giữa thể kỷ 19 là thời cực thịnh của thương cảng Bãi Xàu, dân cư khu vực này lên đến 6.000 người. Từ tháng 2 đến tháng 6, bình quân mỗi tháng có 250 ghe thuyền chở hàng đến, như: vải sợi, tơ lụa, đồ gốm, thuốc lá, thuốc bắc, cá khô. Thương hiệu nổi tiếng nhất của Bãi Xàu là gạo Ba Thắc, hạt gạo này đã đi khắp thế giới nhờ thương nhân Mã Lai, Trung Quốc… chở hàng.

Tại Bãi Xàu thời đó, chiếm số lượng nhiều nhất là nhà máy xay lúa và công ty rượu, kế đến là xưởng cưa, chợ búa. Cũng từ thương hiệu gạo Ba Thắc mà dân địa phương phát triển thêm các nghề truyền thống từ phụ phẩm của lúa gạo như: nghề làm bánh tráng xóm Bà Lèo, nghề nấu rượu lấy hèm nuôi heo. Cũng từ lúa – gạo mà Bãi Xàu đã ghi danh nhiều thương nhân giàu có, như: Quách Thiên Kiều, Chấn Xương, Bang Xỉa, Bang Củ, Đức Hưng, Nghĩa Thành ...

"Bãi Xàu hồi trước nổi tiếng lúa gạo là chính, những ai không kinh doanh nhà máy thì họ mua lúa, còn gọi là “chành lúa”. Một tháng 1 lần, họ kéo một dọc ghe chài chừng mấy trăm tấn, vừa chở lúa vừa chở gạo"

"Về kinh tế thì Bãi Xàu là nơi tiếp chuyển hàng hóa về Sóc Trăng nên sung túc lắm. Ghe chài kéo xuống đậu ngay cầu tàu, có hàng hóa thì mới lên hàng, mỗi nhà máy có tới 70 nhân công, ì xèo vác hàng. Tàu đưa khách từ Bạc Liêu đi Sài Gòn và ngược lại cũng ghé đây đổ khách"

"Nhờ thành thị và nông thôn hòa lại đều tập hợp tại thương cảng Bãi Xàu để giao dịch nên ở đây lớn và sầm uất lắm"

Kênh Bãi Xàu ngày nay

Hoàn cảnh lịch sử hình thành Bãi Xàu nhưng cũng chính lịch sử đã giải thể Bãi Xàu. Giai đoạn sa sút nhất của Bãi Xàu là cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp cho đào hàng loạt kinh rạch ở ền Tây đã thay thế một phần vai trò của rạch Bãi Xàu, hoạt động không thường xuyên nên rạch ngay chợ Bãi Xàu bị cạn lấp dần.

Sau năm 1975, cùng với cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, hoạt động thương mại ở cảng Bãi Xàu gần như không còn, cho đến giai đoạn đổi mới từ 1986 mới có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, giai đoạn này giao thông đường bộ đã phát triển và cạnh tranh với giao thông thuỷ, cộng thêm việc đắp đập làm thuỷ lợi khiến giao thông đường thuỷ bị cản trở.

Rạch Bãi Xàu do đó hầu như bị lãng quên, dẫn đến chỗ giáp nước (ngay chợ Mỹ Xuyên) bị cạn lấp dần và đến năm 1997 thì bị lấp hẳn để mở thêm phố chợ.

Bảng đồ Sóc Trăng xưa có thương cảng Bãi Xàu

Nhưng đường bộ ngày càng tỏ ra hạn chế như: tốn hao nhiều nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông… thì người ta bắt đầu nghĩ đến việc mở mang giao thông đường thuỷ trở lại. Ngày 19/10 /2010, Ban Quản lí các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng trình kế hoạch xây dựng cảng sông trên đầu kinh Saintard (Sen-ta) nơi tiếp giáp với rạch Bãi Xàu, thuộc phường 8, thành phố Sóc Trăng. Cảng sông này khi hoàn thành có thể xem như là “hậu thân” của thương cảng quốc tế Bãi Xàu ngày xưa.

Tuy thương cảng Bãi Xàu đã chấm dứt vai trò lịch sử nhưng đã để lại nền móng quý giá để các thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy. Những nông dân yêu đồng, mến đất đã quyết tâm đưa Bãi Xàu năm xưa trở thành quê hương của hạt gạo ngon nhất thế giới hôm nay, đó là ST25. Huyện Mỹ Xuyên được coi là “thủ phủ” của vùng gạo thơm- tôm sạch. Mỗi năm canh tác một vụ tôm, một vụ lúa, con tôm và cây lúa nơi đây cho giá trị cao, dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường xuất khẩu.

Nhiều nhà nghiên cứu đã có cái nhìn tổng thể và nêu bật tầm quan trọng của vùng địa lý cảng Bãi Xàu xưa và đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển với hệ thống cảng dọc theo sông Hậu và cửa biển Trần Đề.

Kĩ sư Doãn Mạnh Dũng, Nguyên Chủ Tịch – tổng thư kí Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM nhận định: “Thị trường của cảng Trần Đề cực kì lớn, ta nhớ rằng ĐBSCL vận tải chính là đường sông, mà vận tải bằng đường sông thì giá cực kì rẻ. Đồng thời thị trường không chỉ của riêng ĐBSCL mà lên tận Phôm – Pênh của Campuchia. Từ trước năm 1975 thì chúng ta đã có tàu 2 ngàn tấn từ ĐBSCL lên được Phôm Pênh mà. Cho nên khi cảng Trần Đề hình thành thì thị trường không chỉ của riêng ĐBSCL mà có cả thị trường Đông Bắc Campuchia”.

Lúa ST25 là "hậu duệ" của thương hiệu gạo Bãi Xàu năm xưa

Trong những năm tới, với một số nhà máy nhiệt điện được đặt tại khu vực như Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, lượng hàng hóa nhập-xuất lưu thông trong khu vực sẽ tăng rất nhiều.

Qua phân tích của các nhà khoa học, tỉnh Sóc Trăng cũng đồng quan điểm là rất cần sự đầu tư, quan tâm của Chính phủ, của nhà nước để tại khu vực Bãi Xàu xưa, Sóc Trăng ngày nay có được hệ thống cảng sông, cảng biển đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm và cũng qua đó phát triển tốt vùng kinh tế biển của khu vực ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

Lâu nay, người ta chỉ biết Sóc Trăng là vùng đất nông - ngư nghiệp có đông người Khmer sinh sống, ít ai nghĩ rằng xưa kia nơi đây từng có một thương cảng lớn chẳng kém cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai). Kỳ vọng sự có mặt cảng biển Trần Đề sẽ là cơ hội để Bãi Xàu xưa cũ trở về với “hình hài” mới, làm phồn thịnh lại một vùng kinh tế quan trọng của vùng đất chín sông.