Thùng thư bên hồ

Khi muốn tìm không gian đúng chất Hà Nội nhất có lẽ người ta sẽ lên Bờ Hồ. Nơi này có đủ chỗ cho người Hà Nội muốn thư giãn và chỗ cho trăm nghề đường phố.

Với sự cuốn hút của nhịp điệu pha trộn giữa bận rộn và nghỉ ngơi ấy, có những điều tưởng chừng đã bị lãng quên như những thùng thư sơn vàng trên vỉa hè trước cửa Bưu điện Bờ Hồ.

Bỗng một ngày, những thùng thư ấy chợt xuất hiện trong tầm mắt bộ hành, đánh thức bao kỉ niệm khi lá thư tay gửi lời yêu thương đã dần thưa vắng.

"Thời đi bộ đội quý nhất thùng thư này. Trong hành trang của anh lính lúc nào có một tập phong bì và tem. Giấy viết thư rất hiếm, hay viết bằng giấy pơ luya. 10 năm ở nhà nhận được có khi được vài lá thư. Ông bố tôi vẫn còn giữ".

Ông Phong là một trong rất nhiều người sống ở thành phố này, bám trụ vỉa hè gần 20 năm kiếm đồng ra đồng vào qua cuốc xe ôm kiểu cũ. Ông thường ngồi nép dưới chiếc thùng thư vàng cạnh quầy bán tem của Bưu điện Bờ Hồ, đếm từng người tới bỏ vào đó những lá thư tay.

Và trong chuỗi ngày tháng ấy, không ít lần chiếc thùng thư vàng nằm lặng lẽ ít người để ý đến, lại nhắc nhớ ông kỷ niệm khó quên nhất của đời người.

Một thùng thư nhỏ cạnh quầy bán tem ở Bưu điện Bờ Hồ

Đi bộ trên hè phố, có những người giống ông Phong, cũng quan sát đời sống buồn tẻ của chiếc thùng thư vàng, có người trẻ còn không rõ cách vận hành của nó hay thậm chí không biết rằng nó tồn tại đã nhiều năm nay:

"Có người đến chủ yếu là người nước ngoài gửi bưu thiếp. Người Việt Nam thì ít hơn, chủ yếu gửi chuyển phát. Gửi thư tem giờ cũng ít gửi rồi".

"Em nghĩ tới mấy bác đưa thư đạp xe ấy. Em gửi một lần rồi cho mẹ em. Nó kiểu cổ mang tới cảm xúc nhiều hơn".

"Mấy chuyện viết thư là tụi em không có kinh nghiệm".

Những thùng thư sơn vàng trên vỉa hè trước cửa Bưu điện Bờ Hồ

Ngay cạnh những thùng thư kiểu cũ là hệ thống gửi bưu phẩm thông nh dùng ứng dụng di động để thao tác. Còn trong đời sống thường nhật, nếu phải gửi một món hàng, tài liệu, thư từ người ta dùng chuyển phát nhanh có bưu tá lấy tận nhà.

Nếu phải gửi một lời nhắn, muốn tâm sự, muốn kể chuyện người ta sẽ nhắn tin hoặc gọi điện kết nối ngay. Sự nhanh chóng và tiện lợi của việc truyền tin giúp tiết kiệm bao thời gian, công sức. Cũng bởi thế mà hình thức viết thư tay ít dần.

Mỗi ngày nhân viên bưu điện Bờ Hồ chỉ bán được vài chiếc tem, có khi phần nhiều bán cho người sưu tầm.

Nhiều người nghĩ nên giữ lại những thùng thư kiểu cũ để gửi đi những lời nhắn giàu cảm xúc hơn

Dù vậy, có người vẫn thích liên lạc với người thân qua những lá thư tay như  người mẹ nhận thư con gửi từ kỳ học quân sự, như những người cao tuổi mắt kém, nặng tai vẫn nắn nót bày tỏ chân tình hay khách du lịch muốn gửi về cho người thân vài chữ. Khi ấy, những thùng thư vàng đâu đó đã giúp kết nối yêu thương.

Trong cuộc sống này, có biết bao điều ta đã quên như một lẽ tự nhiên. Nhưng khi tình cờ thấy bên đường thùng thư kiểu cũ, nỗi nhớ lại ùa về với biết bao kỷ niệm. Những chuyện đã qua, những người đã gặp, những nơi đã đến… trở lại nguyên vẹn giống cảnh quay tua chậm mà thùng thư lặng lẽ chờ đợi ở đó giữa ngược xuôi bao người.

Ông Winish người Hà Lan tới Hà Nội du lịch đã mua một tấm bưu thiếp và viết lên đó lời nhắn đầy tình cảm gửi về cho gia đình

Ông Winish người Hà Lan tới Hà Nội du lịch đã mua một tấm bưu thiếp có in hình phố cổ và viết lên đó lời nhắn đầy tình cảm gửi về cho gia đình. Khi gửi đi tấm thiệp, ông không quên chụp ảnh kỷ niệm với thùng thư bên hồ:

"Những thùng thư như thế này cũng không còn nhiều ở đất nước tôi. Mọi người giờ đây sẽ nhắn nhủ qua email, whatsapp. Nhưng tôi nghĩ nên giữ lại những thứ như thế này để gửi đi những gì giàu cảm xúc hơn".

Đã bao lâu rồi bạn chưa nhận được một lá thư tay? Có ai muốn viết thư cho bạn và liệu có còn ai mong chờ thư bạn gửi?