Thợ già trên phố cũ

Gần như vô hình trước mắt mọi người, nhưng những người thợ già trên phố chính là những nhân chứng sống cho dòng chảy thời gian của một phần lịch sử đô thị.

Họ, như một chiếc gạch nối quá khứ với hiện tại, hằng ngày, bằng sự hiện diện và với công việc của mình trên những góc phố, khiến phố phường trở nên gần gũi, thân thiện hơn…

Trên đường phố, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh một người thợ già cần mẫn làm những công việc bình dị, sự tồn tại của họ tưởng chừng như gắn liền với hình ảnh góc phố ấy, như một biểu tượng không thể thiếu. Từ những người thợ mộc, thợ rèn, thợ thiếc, mài dao dạo, tới những bác thợ với những nghề thủ công tinh xảo như chạm khắc đá, gỗ…

Ai ở phố Hàng Đường cũng biết ông Khang chuyên sửa phéc mơ tuya quần áo, và cũng không chỉ có người ở phố này mới biết, hầu hết dân phố trước nay khi có quần áo bị hỏng khoá, hỏng khuy đều mang tới nhờ ông sửa.

Ai ở phố Hàng Đường cũng biết ông Khang chuyên sửa phéc mơ tuya quần áo (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

“Cửa hàng” của ông, thực chất chỉ có một chiếc ghế, một tấm bảng hiệu và bộ đồ sửa phéc mơ tuya, ông ngồi ở một góc vỉa hè, ghé ngay cạnh cửa hàng trên phố. Ông cụ ngồi đây sửa khoá đã hơn nửa thế kỷ, lâu đến mức mà người Hà Nội ai cũng biết đến ông.

Hay chạy ngược lên một chút là ông cụ chuyên vẽ truyền thần trên phố Hàng Ngang – cái nghề mà có lẽ gần như thất truyền bởi sự lấn át của công nghệ thời đại. Ấy thế nhưng, ông vẫn kiên trì giữ cái nghề ấy, một là do nó đã gắn bó với ông cả đời, hai nữa, vẫn có những khách hàng không muốn một sản phẩm kỹ thuật số tìm đến ông nhờ vẽ lại một bức chân dung…

Hầu hết những người thợ già trên phố, đều làm nghề thủ công truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo, tinh xảo, những sản phẩm họ làm ra, dù máy móc hiện đại đến mấy cũng khó có thể sánh bằng. Chính vì vậy, dù tưởng như không còn phù hợp với thời đại, nhưng công việc của họ vẫn mang đến những giá trị không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thủ công. Họ chính là một phần linh hồn của phố cổ Hà Nội.

Có những nghề cũ tưởng như đã không còn tồn tại trước sự xâm thực của hiện đại, nhưng cũng nhờ những người thợ già khéo léo ấy mà chúng ta vẫn có cơ hội để được biết đến một phần quá khứ của Thủ đô (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Ở phố Hàng Thiếc, trước đây và bây giờ, ai cũng biết đến bác cả Chức, người thợ thiếc có đôi tay khéo léo khó ai bì kịp. Mặc dù bây giờ ở Hàng Thiếc, rất nhiều sản phẩm người ta đã chuyển sang làm bằng máy, vừa đảm bảo nhanh, đều và cũng rất đẹp mắt.

Nhưng bác thợ già kia vẫn không bao giờ hết việc. Có những khách hàng vẫn yêu thích sản phẩm thủ công, hoặc có những đồ vật chỉ có thể đặt làm theo yêu cầu và gò bằng tay mới có thể đảm bảo được sự vừa vặn và chất lượng.

"Thế hệ bây giờ giỏi hơn nhiều, còn nghề chúng tôi gọi là cái nghề cổ mà không phải cơ khí, làm theo thủ công, thế nhưng mà cũng đạt tiêu chuẩn".

"Mỗi đời nó có cái hay riêng của nó, thời Pháp thì ông tôi chuyên sửa chữa máy móc, đời bố tôi thì chuyên về đạo cụ sân khấu, đời tôi thì chuyên về dụng cụ xây dựng".

"Trước kia lò rèn chúng tôi 5 giờ sáng đã đỏ lò rồi, nhà nào nhà ấy tấp nập. Còn lò rèn thì tình làng nghĩa xóm nó cao lắm, ví dụ nhà anh không nhóm lò, nhà tôi nhóm lò thì người hàng xóm sang đặt nước nhờ, đun nước thổi cơm..."

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Có những nghề cũ tưởng như đã không còn tồn tại trước sự xâm thực của hiện đại, nhưng cũng nhờ những người thợ già khéo léo ấy mà chúng ta vẫn có cơ hội để được biết đến một phần quá khứ của Thủ đô… dù đang đứng giữa một thời đại công nghệ choáng ngợp.

Bây giờ, hàng may mặc tiện lợi, chỉ cần vào một shop bất kỳ là đã có thể sở hữu những bộ quần áo may sẵn với đủ màu sắc và phong cách. Nhưng trên phố, đâu đó vẫn có những người thợ già giữ nghề may đo xưa cũ của gia đình.

Vẫn có những khách quen qua bao nhiêu năm tháng vẫn chỉ muốn mặc những bộ quần áo may đo theo đúng số đo của mình, từ chính bàn tay của người thợ ấy.

Hay đơn giản chỉ là một bác thợ sửa xe đạp ngồi ngay góc phố sát Bờ Hồ. Bác thợ ngồi sửa xe đạp cho bao nhiêu thế hệ học trò, rồi chính những anh học trò khi xưa, đến giờ đã đến tuổi trung niên, thay xe đạp bằng xe máy, ô tô đi làm hằng ngày… qua phố ấy, vẫn thấy bác ngồi cặm cụi sửa xe đạp.

Một bác thợ mài dao kéo ngõ chợ Đồng Xuân, những bác thợ mộc ngày nào cũng ngồi ở một góc chợ Hàng Da, bất kể nắng hay mưa, người thợ già sửa đồ gia dụng ngõ phố Gầm Cầu, bác thợ cắt tóc ở sâu trong ngõ nhỏ Hàng Bồ chỉ cắt cho khách quen, hàng xóm lâu năm…

Quen thuộc đến mức, giống như thể là một biểu tượng trên phố mà nếu một ngày nào đó không còn, con phố ấy chắc sẽ trở nên trống vắng…