Thị thành những điều tử tế

Một năm qua, bên cạnh những đổi thay và cả những nỗ lực không ngừng của TP.Hà Nội và TP.HCM về vấn đề giao thông, còn là vô vàn những hành động tử tế của biết bao người dân, để cùng viết nên những câu chuyện đẹp, ý nghĩa về việc xây dựng văn hoá giao thông, kiến tạo nếp sống văn minh, nghĩa tình.

Để có thể tạo nên một môi trường giao thông an toàn, thân thiện, thì xây dựng văn hóa giao thông, lâu nay vẫn luôn được xem là yếu tố vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, văn hóa giao thông, đôi khi cũng không phải là điều gì quá to tát hay xa vời, mà đơn giản chỉ là cách ứng xử nhân văn, hành động đẹp, việc làm hay của mỗi người khi tham gia giao thông.

Mà những việc đó, dù cho có lớn lao, đặc biệt hay chỉ nhỏ bé, giản đơn, thì chắc chắn vẫn sẽ mang đầy sự tử tế, và từng ngày, từng giờ vẫn cứ luôn song hành cùng với dòng người xe tấp nập, hối hả ngoài kia.

Đó có thể là câu chuyện của một chàng thanh niên, tên là Phạm Quốc Việt. Vì từng gặp tai nạn, phải nằm đơn độc trên đường, chỉ biết bất lực chờ người đến cứu, mà anh đã quyết tâm thành lập một Đội hỗ trợ sơ cứu có tên FAS Angel, luôn cố gắng có mặt kịp thời để sơ cứu những trường hợp bị tai nạn giao thông trong khu vực thành phố Hà Nội.

Và với suy nghĩ “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn, vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”, chàng trai ấy có tâm niệm thế này:

"Mong muốn nhất của mình với mọi người, hãy giúp đỡ nhau khi còn có thể và đừng bỏ rơi nhau.  Xây dựng lại được cái sự quan tâm giữa cộng đồng, xây dựng lại được cả niềm tin giữa con người với con người đang mất đi rất là nhiều", Phạm Quốc Việt chia sẻ.

Hay có thể là câu chuyện của anh Lê Thanh Tùng, một người đàn ông ban ngày làm nghề lái xe tải, nhưng ban đêm lại tiếp tục xách xe máy chạy cả 100km quanh Thành phố Hồ Chí Minh, để giúp đỡ ễn phí những người bị hết xăng, thủng lốp.

Dù cho có bị nhiều người nói là đã nghèo mà còn bày đặt làm chuyện bao đồng, thì anh vẫn tự nhủ với mình rằng: "Đâu phải mình làm việc thiện thì mình giàu mình mới làm được đâu, phải không? Còn sức, còn thời gian, còn cơ hội thì tôi sẽ vẫn làm. Vì mình làm cái chuyện này là giúp đời, giúp người mà, cũng đâu có tốn tiền gì đâu mà sợ. Chỉ tốn sức mình xíu thôi chứ tiền bạc bỏ ra có nhiêu đâu”.

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội cũng đã từng lan truyền một hình ảnh đẹp, của một chàng trai làm tài xế xe công nghệ, khi đã xuống đường, hỗ trợ cảnh sát giao thông điều tiết giao thông ở một đoạn ngã tư của Hà Nội.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ này của bản thân, chàng trai có tên Nguyễn Văn Thanh cho biết, lúc đó, chỉ vì đến ngã tư này thấy đường tắc, mà lại nghe thấy rất nhiều tiếng còi của xe cứu thương, cảm thấy sốt ruột thay cho bệnh nhân và người nhà của họ, nên anh đã không chút do dự mà hành động như vậy.

"Hành động của mình tất cả chỉ là tự nguyện, chứ không nghĩ một ngày sẽ được nổi tiếng. Vì thực ra hàng ngày, không chỉ ở Hà Nội mà nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, vẫn xảy ra tình trạng tắc đường, và cũng đã có rất nhiều người tự nguyện xuống hỗ trợ, không chỉ riêng mình. Nó chỉ là một việc gì đó nhỏ bé, mong đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn thôi", Văn Thanh chia sẻ.

Cũng là một câu chuyện về người tài xế dễ thương, dễ mến, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng từng biết đến câu chuyện về một nam tài xế xe buýt ở TP.HCM, tên là Lê Xuân Huy, đã tự bỏ tiền túi để mua hoa tặng các hành khách nữ nhân dịp ngày 20/10.

Và với anh, việc này chỉ đơn giản là muốn mang lại niềm vui cho hành khách và khiến mọi người sẽ có hứng thú hơn với việc đi xe buýt: "Quan trọng khi người ta lên thấy vậy thì người ta vui. Mà chỗ làm việc của mình cái không khí nó vui vẻ mình cũng sẽ vui theo. Chạy xe mà khách lên vui vẻ, cười giỡn thì mình cũng vui và không thấy mệt. Nói chung tôi muốn tạo một không gian trên xe, lên xe là phải vui, và thích đi”.

Để góp phần xây dựng nên văn hóa giao thông hay nếp sống văn nh, nghĩa tình, còn có rất nhiều những câu chuyện truyền cảm hứng khác. Đó còn là những người dân đã tình nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông. Những người công nhân vệ sinh vẫn ngày ngày thầm lặng làm công việc của mình, để bảo vệ cảnh quan, môi trường cho thành phố.

Hoặc nhiều khi, nó chỉ là những việc rất đỗi giản đơn, mà chúng ta mỗi ngày vẫn làm, đó có thể là việc chúng ta nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ khi tham gia các phương tiện xe công cộng, là hỗ trợ người bị tai nan giao thông, khi vô tình bắt gặp trên đường. Còn rất rất nhiều điều, mà chúng ta có thể làm để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, tử tế hơn, văn nh hơn.

Cuộc sống dù có bon chen, hối hả thì vẫn sẽ luôn hiện hữu những điều tốt đẹp. Ngoài kia người xe có tấp nập, thì len lỏi giữa đó vẫn là vô vàn câu chuyện ấm áp, đầy tình thương. Mỗi câu chuyện, mỗi hành động tử tế trên, dù có khác nhau, thì đều hướng tới một mong muốn chung là góp phần xây dựng văn hóa giao thông ngày một tốt hơn, và để cuộc sống này có thêm thật nhiều điều tử tế.

Những việc làm tốt, dẫu nhỏ bé đến đâu, thì cũng sẽ luôn có sức lan tỏa đối với cộng đồng và mời gọi thêm nhiều tấm lòng thiện khác. Vậy thì cớ gì, chúng ta không chọn nâng niu những điều tử tế và luôn tử tế với chính cuộc đời.