Thi hộ chứng chỉ tiếng Anh Vstep: Chuyện hoang đường...

Không cần học – vẫn có bằng. Bao đỗ – đảm bảo đầu ra. Cam kết 100%. Đó là cam kết công khai từ những đối tượng nhận thi hộ chứng chỉ tiếng Anh B1 VSTEP.

Tưởng chừng như những hành vi gian lận phải diễn ra trong bóng tối, thế nhưng thực tế lại đang phơi bày công khai giữa ban ngày, ngay trên các hội nhóm mạng xã hội. Và thực trạng này cũng được thính giả của VOVGT phản ánh thời gian qua.

"Mà chỉ Vstep cô mới nhận thi hộ thôi chứ chứng chỉ khác thì không, khó hỗ trợ, tại cái này tổ chức tại các trường đại học nên sẽ có cơ chế mở hơn chứ trung tâm Anh ngữ khác thì khó, do có cả giảng viên nước ngoài nên khó thi hộ."

Sau khi PV vào vai một người có nhu cầu tìm dịch vụ thi hộ chứng chỉ tiếng Anh Vstep thì nhận được thông tin như trong cuộc gọi vừa rồi. Với giá trọn gói 7 triệu 600 ngàn đồng, người mua chỉ cần gửi ảnh chân dung, CCCD, số điện thoại và địa chỉ gmail. Mọi việc còn lại đều được "lo liệu".

Thi hộ không còn là hoạt động chui lủi, mà đang được tổ chức bài bản, có phân công, có "hợp đồng cam kết", thậm chí còn có cả lời hứa "bằng chuẩn Bộ Giáo dục cấp". Và theo như lời mô tả của người trong cuộc điện thoại vừa rồi có nick là Ngan Hong Phan, thí sinh chỉ cần ngồi chơi, và sẽ có bằng.

Một trang quảng cáo nhận thi hộ chứng chỉ tiếng Anh, trong đó có Vstep

Không chỉ một, mà nhiều trang mạng, tài khoản cá nhân, fanpage công khai quảng cáo dịch vụ thi hộ B1 VSTEP trên facebook. Đặc biệt, nhiều nơi còn liệt kê danh sách trường thi cụ thể, thời gian tổ chức, giá trọn gói kèm cam kết "uy tín – không đỗ hoàn tiền". Có nơi còn dùng hình ảnh trường đại học làm nền cho bài đăng, như một cách tạo niềm tin giả tạo.

Tiếp tục trao đổi với người tự nhận là có thể cung cấp dịch vụ thi hộ Vstep, PV được người này khẳng định là “chỉ cần vào phòng thi, làm thủ tục như bình thường cho camera soi thấy mình, rồi có người thi hộ, chỉ cần ngồi chơi đợi lấy bằng. Bên này khẳng định làm đúng quy trình, cứ đóng tiền rồi nhận lịch thi, ngồi trong phòng để lưu hồ sơ, xong có người thi hộ. Và còn khẳng định các đối tượng có người làm tại các trường Đại học nên có thể lách luật được!"

“Cái hợp đồng cam kết dịch vụ là nếu như không hỗ trợ đúng bằng em yêu cầu hoặc trong quá trình thi mà xảy ra sự cố gì, thì quyền lợi em được hưởng thế nào, khi nào em đăng ký thì sẽ có hợp đồng cho em.”

"Được lách luật" – cụm từ được đối tượng này nhắc tới với thái độ thản nhiên. Phải chăng, đã có những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi tại các cơ sở giáo dục, tạo cơ hội cho dịch vụ thi hộ ngang nhiên tồn tại?

Đối tượng khẳng định là “chỉ cần vào phòng thi, làm thủ tục như bình thường cho camera soi thấy mình, rồi có người thi hộ, chỉ cần ngồi chơi đợi lấy bằng"

PV cũng thử liên hệ với một số fanpage và tài khoản khác để xác nh tính xác thực và tìm hiểu thêm về dịch vụ này. Tuy nhiên, phần lớn đều từ chối trả lời, hoặc không nhận tin nhắn, như một cách né tránh việc phải trả lời vấn đề nhạy cảm qua những phương tiện dễ bị theo dõi.

Khẳng định với PV về sự trắng trợn, công khai vi phạm pháp luật của một số đối tượng, thậm chí là đường dây mua bán bằng cấp, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng luật Kết nối cho biết:

"Theo Điều 22 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định các hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh bị cấm trong các cơ sở giáo dục thì người thi hộ và người nhờ thi hộ có dấu hiệu gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh nên có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e, khoản 3, Điều 14 Nghị định 04/2021 với mức phạt từ 14 - 16 triệu đồng. Cái hành vi thứ hai đó là quảng cáo các dịch vụ cấm thì theo quy định đã được quảng cáo năm 2012 có quy định về các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa cấm quảng cáo,mà hành vi thi hộ là hành vi bị cấm theo Luật Giáo dục năm 2019.

Do đó thì cái việc quảng cáo các dịch vụ đi hộ, mức xử phạt là từ 10 - 20 triệu đồng. Chúng ta cũng phải hết sức tỉnh táo. Bởi vì ở trên mạng cái việc quảng cáo, chiêu trò quảng cáo đôi khi cũng là thủ đoạn lừa đảo, gian dối. Chúng ta sẽ thấy rằng là nguy cơ rủi ro pháp lý trong những trường hợp nếu như mà vô tình lại sử dụng cả giấy tờ giả nữa thì cũng có thể sẽ bị khởi tố hình sự và sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập, lao động và công tác của người dân sau này."

Với một chứng chỉ "mua được", người ta có thể đàng hoàng nộp hồ sơ vào các cơ quan nhà nước, thi để học lên thạc sĩ, hay thậm chí trở thành Giảng viên. Hậu quả là gì? Là một hệ thống cán bộ, công chức kém năng lực. Là một nền giáo dục với kết quả bị làm giả mạo.

"Được lách luật" – cụm từ được đối tượng này nhắc tới với thái độ thản nhiên

Có thể đâu đó, một số người sẽ nghĩ rằng "chỉ là một cái chứng chỉ thôi, có gì to tát". Nhưng một tấm bằng giả tạo ra cả một mắt xích gian dối trong hệ thống. Một lần thi hộ – là một lần làm vấy bẩn giá trị thật của giáo dục. Và rồi, sẽ ra sao nếu một bác sĩ, một kỹ sư, một giáo viên… cũng “học giả – thi giả”?

Về tính khả thi của cam kết bao đậu, bao đỗ mà các đối tượng quảng cáo, PV đã trao đổi với chị Lương Tuyết Chinh, quản lý marketing của Edulife, trung tâm có nhiều năm kinh nghiệm chuyên đào tạo và hướng dẫn học viên thi chứng chỉ Vstep, và được biết: Không thể có chuyện thi hộ với chứng chỉ này:

“Với kinh nghiệm nhiều năm, Edulife khẳng định không thể có chuyện thi hộ bao đậu như đối tượng quảng cáo. Vì Vstep là kì thi do Bộ tổ chức, rất nghiêm ngặt, được các trường Đh tổ chức, ngay từ cửa phòng đã scan người, đối chiếu giấy tờ. Edulife cũng từng tư vấn cho học viên sau khi bị lừa không chỉ 5,7, 10 triệu mà thậm chí 20 triệu.

Gần đây nhất có cả trường hợp là đối tượng gửi bằng về cho học viên nhưng là bằng giả, không thể dùng, ảnh hưởng đến việc công tác học tập sau này nếu bị phát hiện. Kì thi Vstep không quá khó ôn và thi nên mọi người hãy cố gắng tự học, không thể có chuyện thi hộ được.”

Chuyên gia cho biết, không thể thi hộ với chứng chỉ Vstep

Khi sự dối trá được rao bán công khai như một món hàng... Khi giáo dục bị biến thành thị trường "mua bằng bán điểm"... thì có lẽ, chúng ta cần tự hỏi: ai đang tiếp tay cho sự xuống cấp này? Phải chăng, chính sự dễ dãi trong nhận thức đã khiến cho “cái sai” được coi là “bình thường”? Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh – mạnh mẽ, quyết liệt và không khoan nhượng, cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc để kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm.

Và quan trọng nhất là mỗi cá nhân phải nâng cao nhận thức và có trách nhiệm với con đường học tập, tích luỹ kiến thức của mình, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mà còn là cả xã hội sau này.