Thêu ước mơ trên chiếc áo đồng phục

Một chiếc biển hiệu nhà may quần áo trẻ em như rất nhiều cửa hàng khác trên phố Hàng Trống, nhưng đặc biệt hơn khi có dòng chữ: “Đức Hạnh: Bà Trần Thức Lễ sáng lập năm 1950” gợi cho bộ hành qua phố nhiều ký ức, hoài niệm.

Chắc hẳn đối với nhiều thế hệ người Hà Nội, chiếc áo đồng phục trắng, cổ hoa sen, có họa tiết đắp thêu trên vải của nhà may Đức Hạnh luôn là những bộ quần áo được nâng niu, giữ gìn, mang lại niềm vui lớn lao cho con trẻ một thời…

"Suốt mấy chục năm trời, thương hiệu Đức Hạnh này là thống trị luôn vì quần áo, mẫu mã rất đẹp, nhưng nó đắt, nên hầu hết những người nào có ký ức được mặc quần áo Đức Hạnh là nhà khá giả và nó là ước mơ của con nhà nghèo. Nhưng nó cũng do thời cuộc nữa, vì thời bao cấp cũng đói kém, nguồn hàng khó, còn sang thời đại bây giờ thì thương hiệu Đức Hạnh này chỉ còn là hoài niệm thôi….."

Hình ảnh học sinh tung tăng tựu trường, chuẩn bị đón một năm học mới trong những ngày này khiến bao ký ức về những bộ đồng phục và quần áo trẻ em của nhà may Đức Hạnh – nhà may quần áo chuyên cho trẻ em đầu tiên của Hà Nội ùa về trong câu chuyện kể của ông Phạm Lợi như thế.

Nhà may Đức Hạnh ở phố Hàng Trống vẫn là địa chỉ quen thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội

Rất nhiều thế hệ người Hà Nội tầm tuổi như ông Lợi đều không thể quên được cảm giác vui sướng, tự hào thuở nhỏ, khi xếp hàng cùng bố mẹ trên phố Hàng Trống để đợi được may quần áo ở nhà may Đức Hạnh.

Năm 1950, cửa hàng may Đức Hạnh được thành lập bởi bà Trần Thức Lễ trên phố Hàng Trống, Hà Nội. Đây là cửa hàng may đầu tiên ở Hà Nội chuyên may đồng phục, quần áo cho trẻ em, từ sơ sinh đến tuổi 15.

Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhà may Đức Hạnh ở phố Hàng Trống vẫn là địa chỉ quen thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội bởi những bộ quần áo được may từ sự sáng tạo, tâm huyết và tình yêu rất lớn dành cho trẻ nhỏ của gia đình bà Trần Thức Lễ.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung, con gái của bà Nguyễn Thức Lễ - người sáng lập ra nhà may Đức Hạnh, năm nay đã gần 70 tuổi và vẫn đang tiếp nối công việc tâm huyết mà cha mẹ để lại chia sẻ:

"Mình cũng cảm thấy rất vinh dự vì từ đời bố mẹ mình đã gây dựng lên 1 thương hiệu được người dân HN rất yêu mến. Vì ngày xưa có mấy nhà may chuyên về trẻ con đâu, ít lắm, thời nhà mình có mỗi nhà mình chuyên may cho trẻ con thôi, sau năm 60 trở đi bắt đầu vào công tư hợp doanh thì mới có 1 số xưởng may của mậu dịch quốc doanh thì có quần áo trẻ em nhưng hồi đó may xấu lắm nên Đức Hạnh vẫn nổi tiếng đến năm tám mấy. Sau đó mở cửa , quần áo ền Nam ra, hàng Trung Quốc về mới tràn ngập thị trường".

Cô Nguyễn Thị Kim Dung, con gái của bà Nguyễn Thức Lễ - người sáng lập ra nhà may Đức Hạnh

Rất nhiều thế hệ trẻ em sinh ra ở Hà Nội trong khoảng tầm từ 1950-1990, giờ đã nhiều người trở thành ông, thành bà nhưng những ký ức về niềm sung sướng, tự hào khi được bố mẹ cho đến nhà may Đức Hạnh may quần áo trước khi vào năm học mới vẫn hiện lên rõ nét.

Và điều đặc biệt là những ký ức đẹp đó vẫn như sống mãi trong câu chuyện kể của họ khi mỗi dịp năm học mới tới, họ lại đưa các con, rồi các cháu tới may quần áo ở địa chỉ quen thuộc trên phố Hàng Trống này.

Không ít người lặn lội từ các tỉnh thành khác tìm về, hay có nhiều người đã sang nước ngoài sinh sống, nhưng có dịp về Hà Nội vẫn không quên tìm đến nhà may Đức Hạnh để chọn mua những bộ quần áo cotton xinh xắn, có thêu những con giống, nhưng bông hoa nho nhỏ đáng yêu mang sang nước ngoài cho cháu nhỏ.

Dù hiện nay, những họa tiết thêu tay đắp trên quần áo khi xưa đã được thay thế bằng thêu máy, những cũng không còn mấy người làm công việc tỉ mẩn này nữa bởi các sản phẩm dệt kim, in sẵn nhiều mẫu mã và giá thành hợp lý hơn xuất hiện và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cô Dung- con gái bà Nguyễn Thức Lễ quay trở lại học cách thêu và sáng tạo thêm với những hình con giống xinh xinh trên mỗi bộ quần áo như một niềm vui mà ở tuổi về hưu, cô lại thấy muốn làm công việc của bố mẹ mình ngày xưa:

"Thêu máy giờ cũng còn nhà làm nhưng số lượng ít lắm, không còn nhiều. Ngay nhà mình hồi xưa có 2-3 thợ làm thì bây giờ người ta bỏ hết rồi, người ta bỏ mình mới tập lại chứ, mình bỏ hơn 20 năm rồi, không đưa thêu được nên mình phải tự làm, 2-3 năm nay cảm thấy thích thích thêu nên mình tự thêu, trước đây cũng thêu lác đác, ít ít, bây giờ thường xuyên hơn vì cảm thấy hứng thú".

Những sản phẩm của nhà may Đức Hạnh hiện nay cũng chỉ còn phục vụ cho số ít khách quen và dần trở thành hoài niệm trong ký ức của nhiều người

Thị trường quần áo dành cho trẻ em và đồng phục học sinh hiện nay đã phát triển rất nhiều. Dọc phố Hàng Trống hiện có tới cả chục cửa hàng may đo, bán sẵn quần áo đồng phục học sinh, nên biển hiệu của nhà may Đức Hạnh ngày càng trở nên nhỏ bé và khó nhìn thấy trên phố Hàng Trống đông đúc.

Những sản phẩm của nhà may Đức Hạnh hiện nay cũng chỉ còn phục vụ cho số ít khách quen và dần trở thành hoài niệm trong ký ức của nhiều người… nhưng chắc chắn, vẫn có rất nhiều niềm vui và ước mơ tiếp tục được thêu lên cùng những họa tiết đáng yêu trên bộ quần áo cho trẻ em tới trường!....