
Tại vườn hoa Con Cóc gần Bờ Hồ, cứ mỗi buổi chiều sát giờ tan tầm, hình ảnh cầu bay trên không cùng tiếng người cười nói không ngớt tạo nên bầu không khí và tinh thần thể dục thể thao sôi động hơn bao giờ hết:
"Đối với bất kì bộ môn thể thao nào kể cả đá cầu thì luôn cho chúng ta cái tinh thần sảng khoái và giải trí nhất định. Đây là một môn mà ai ai ở Việt Nam cũng có thể chơi được và em nghĩ là nó tốt".
"Không chỉ có công viên ở chỗ gần nhà mình mà còn cả rất nhiều công viên nơi khác, cả những sân chơi cũng có rất nhiều người đá cầu. Giúp mọi người có thể gặp gỡ giao lưu với nhau và giúp họ giải toả những áp lực công việc trong ngày".
Dạo một vòng Hà Nội, bạn có thể bắt gặp rất nhiều nhóm đá cầu chinh, hay còn gọi là cầu phủi, từ những vỉa hè cho đến những vườn hoa, công viên. Không kể độ tuổi, già trẻ lớn bé, ai cũng có thể chơi môn này.
Sự thích thú, vẻ hào hứng trong ánh mắt của người chơi cầu làm cho góc phố trở nên thật sinh động và khỏe khoắn và rôm rả, khiến bộ hành phải nán lại xem, thích thú dõi mắt theo từng nhịp cầu qua lại.

Không cần quá cầu kỳ, chỉ một khoảng sân vừa đủ, mắc thêm lưới nhỏ, đem theo vài quả cầu, vậy là đã có thể chơi cả buổi. Đá cầu phủi ở phố cũng không đặt nặng thắng thua, mà lấy vui, lấy khỏe làm chính.
Ở đó, bộ hành tìm thấy sự kết nối giữa người với người, niềm vui giản dị từ những cú chuyền cầu qua lại. Cái vui trong cả thanh âm lách tách từ quả cầu chinh hòa trong những âm thanh nền của phố phường đông đúc.
Từng nhịp cầu bay theo nhịp chân thoăn thoắt, như cuốn đi những bộn bề lo toan của cuộc sống. Người chơi quên hết xung quanh, say sưa trình diễn như những nghệ sĩ thực thụ. Những ai đã trót đem lòng say mê bộ môn đá cầu, là say mê cái nét giản dị, tinh tế và khéo léo của môn thể thao dân dã này.
Cũng nhờ cầu chinh, người ta quen nhau và kết giao bạn mới, gắn kết nhau bởi cùng sở thích, cùng tìm kiếm niềm vui, rèn luyện sức khoẻ sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng:
"Thì có đoàn có đội rồi là cứ thế ra thôi. Hoặc kể cả lạ nhưng mà mình vào mình đá giao lưu. Còn bất kể ai cũng 1 hoặc 2 đội ở chỗ nào mà thuận tiện cho công việc, trên đường về nó gần thì sẽ có 1 2 đội chung nhau đàng hoàng, không phải là đá dạo giao lưu. Người ta hay đứng lại xem lắm, kể cả người nước ngoài nhìn thấy cũng rất thích. Cứ ra quay phim chụp ảnh xong rồi cổ vũ, vui lắm".
Tương truyền, đá cầu là môn có từ xa xưa trong lịch sử. Năm Nhâm Tuất (722), Mai Hắc Đế lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường, ông khuyến khích và tổ chức cho nghĩa quân thường xuyên luyện tập, giải trí bằng trò chơi đá cầu, nhằm rèn luyện sức khoẻ cho binh sĩ.
Môn đá cầu sau đó không chỉ được nhân rộng trong dân gian như trò chơi mừng vụ mùa bộ thu hay thể hiện tài năng trong các lễ hội, mà còn được biểu diễn trước bệ rồng.
Điều thú vị là ngày nay, dù đã phát triển thành môn thể thao tầm thế giới, nhưng những sân cầu phủi vẫn rất phổ biến giữa phố phường và mang sức hút rất riêng của nó, bởi sự đặc biệt của không gian thoáng đãng, đặc biệt của các cổ động viên rất ngẫu hứng, tình cờ, và bởi sự kết nối tự nhiên giữa người chơi với khán giả trong không gian của phố..
Bộ hành qua phố, chỉ cần không quá vội, bạn có thể nán lại đôi phút để dõi theo những nhịp cầu bay vừa dũng mãnh, vừa tinh tế, dưới những đôi chân điêu luyện, tài hoa. Bạn sẽ nhận được niềm vui lan tỏa, sự khỏe khoắn lan tỏa, sự cởi mở và chan hòa lan tỏa sang mình. Những niềm vui bình dị, nhỏ bé đến tình cờ, làm cho chuyến bộ hành trở nên thú vị.