Thấp thỏm vỉa hè qua công trường

Có thể dễ dàng nhận thấy, thấp thỏm và bất an là tâm trạng của đa số người đi bộ qua những đoạn vỉa hè nơi có công trình xây dựng nhà cao tầng.

Tôi đang đứng cạnh bạn Nguyễn Kiều Vân, một nhân viên văn phòng đi bộ hàng ngày qua khu vực. Chào Vân, trải nghiệm của em đi bộ trên phố này ra sao?

Thực sự mà nói, ở Hà Nội mình thì ô tô, xe máy toàn lấn chiếm vỉa hè, em toàn phải đi xuống dưới lòng đường chỗ vạch kẻ sát vỉa hè này này.

Còn nếu đi qua mấy chỗ xây dựng thế này, thì em hay nhìn lên trên, vì em thấy hơi sợ sợ.

Em cảm thấy có nguy cơ?

Em thấy người ta không chú ý đến người đi bộ lắm đâu. Có một đợt em đi qua, xong cát rơi vào đầu ấy, xong họ còn mắng.

Người đi bộ nơm nớp khi đi ngang qua các công trường thi công trên mặt phố.

Cụ thể ở tuyến phố nào?

Lâu rồi, em không nhớ. Nhưng gần như mình bị vấn đề gì mà mình nói, thì họ sẽ mắng mình, chứ không thông cảm cho mình đâu.

Có vẻ em trải nghiệm khá tệ với việc đi bộ trên vỉa hè qua công trường. Em có mong muốn gì không?

Em thấy mình nên có một vùng gọi là vùng an toàn, để người ta đi qua, người ta đỡ bị rơi vào người.

Tức là theo em, chúng ta cần nhận diện bằng biển báo, màu sơn nổi bật hơn với người đi bộ và nâng cao trách nhiệm cho chính người thi công?

Dạ, đúng rồi ạ.

Cảm ơn ý kiến của em.

Rất hiếm khi thấy có cảnh báo trước, sau và trên vỉa hè nơi công trình thi công án ngữ.

Qua khảo sát ở các tuyến phố khác như Trần Bình Trọng, Nguyễn Du, có công trình có đề biển, nhưng chỉ là thông báo số giấy phép xây dựng, không có biển cảnh báo; có nơi có biển cảnh báo, dòng chữ “xin lỗi vì đã làm phiền” nhưng quây tôn chiếm hết vỉa hè; có nơi vừa chiếm vỉa hè, vừa không biển cảnh báo, chỉ vỏn vẹn dòng chữ cầu khiến “không phận sự ễn vào”.

VOV Giao thông sẽ hỏi thêm một người đi bộ nữa trên phố Nguyễn Du là bác Đặng Ngọc Ân.

Bác cảm thấy thế nào khi đi qua những công trường giữa phố thế này ạ?

Đi qua công trường, nếu người ta không đảm bảo an toàn thì xô vữa các thứ rơi xuống vào đầu, không đơn giản đâu.

Cần phải có lưới che chắn cho an toàn, không thể như này được, cứ để không thế có vấn đề là lo. Các cụ già đi ở đây là rất nguy hiểm, trượt chân một cái là rách việc, không đơn giản.

Đa số ở những đoạn tuyến tương tự, vỉa hè đều biến mất

Bác có đề xuất gì không ạ?

Tôi đề xuất là vỉa hè cho người đi bộ, không được lấn chiếm. Đúng ra phải thế, nhưng có những nhà bên trong chật chội, xin cải tạo thì họ xin lấn ra một tí cũng thông cảm. Nhưng xong công trình rồi phải phá dỡ, dọn dẹp ngay. Với các cụ già ấy, đi qua rất nguy cơ.

Công trình cần có biển báo để người ta đề phòng, đi tránh ra. Các cái ô vạch kẻ vàng ấy, để người đi bộ nhận diện cho đỡ nguy hiểm.

Cảm ơn ý kiến của bác!

Một mô hình cảnh báo cho người đi bộ khi ngang qua công trường tại Thái Lan với vạch kẻ vàng, chữ lớn và có người ứng trực

Các quy định hiện hành đã quy định rõ mức xử phạt với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định; Không có phương án, thời gian thi công thích hợp, gây ùn tắc giao thông, thiếu bảo đảm hành lang an toàn cho người đi bộ.

Những chia sẻ vừa rồi là một lời nhắc nhở tới các cơ quan chức năng về trách nhiệm giám sát, cũng có thể là một gợi ý để các quy định đi vào chi tiết hơn, hiệu quả hơn đối với hệ thống báo hiệu, cảnh báo sớm dành cho người dân đi bộ trên vỉa hè ngang qua công trường.