Thành phố nhìn từ trên đê

Đoạn đê sông Hồng chạy qua thành phố dài chừng trên 20km, riêng đoạn qua ven khu vực nội thành khoảng 10km, Đê sông Hồng được xây đắp bắt đầu từ khi Lý Thái Tổ chọn Thăng Long làm nơi định đô. Đê sông Hồng chính là dấu ấn rõ rệt nhất của thời kỳ trị thuỷ, an dân của ông cha ta.

Nói đến chuyện đê điều, khéo nhiều người lại nghĩ tới cái câu thành ngữ “ra đê mà ở” mà người đời xỉ vả mấy anh nghiện cờ bạc bán hết nhà cửa khi xưa. Ngày xưa, như thể định hình trong suy nghĩ, là những người chẳng công ăn việc làm, không nhà không cửa… là chỉ có nước ra đê mà ở.

Cũng phải, có những thời điểm, dân tứ chiếng khắp nơi đổ về không có chỗ dung thân thường chọn phía ngoài đê bãi bồi làm nơi trú ngụ. Hay những anh cờ bạc nợ nần, tán gia bại sản nhưng vẫn không muốn rời thành phố liền xách vợ con bìu ríu ra ngoài đê sông Hồng kiếm một nơi hoang vắng dựng cái lều mà ở.

Những cư dân không được xã hội thừa nhận trú ngụ ngoài đê ấy, với đủ các thành phần phức tạp, nên khiến người ta mỗi lần nghĩ tới là sợ hãi, chẳng mấy người bình thường dám bén mảng ra nơi này.

Giờ thì tất nhiên là việc ra đê ở cũng khó chẳng khác gì mua nhà trong phố, nên có anh nào muốn ra đê, xuống bãi mà ở cũng chẳng phải chuyện dễ dàng. Vì bây giờ, gần như cư dân sống trong đê và ngoài đê cũng chẳng khác nhau nhiều lắm.

Trải qua thời gian, sự ngăn cách bằng một con đê cũng khiến dân thành phố ở bên trong và bên ngoài cũng có những nét sinh hoạt và đời sống khác nhau. Bên ngoài đê, có cảm giác như cuộc sống thuần chất và gần với nông thôn hơn, vẫn có ruộng vườn, ao cá, không gian không có nhiều sự xô bồ.

Còn phía trong đê là nhà cửa san sát, xe cộ chạy ầm ầm suốt ngày, và cuộc sống luôn hối hả, đúng nghĩa với cuộc sống đô thị.

Chỉ cách đây vài chục năm, cuộc sống trong đê, hay ngoài đê khá tương đồng, khi bên trong không có nhiều nhà cao tầng, xe cộ và đường xá không lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Nhưng bây giờ, phía trong đê, nhà cao tầng mọc lên như nấm, những ngôi nhà mái ngói cũ, biệt thự cổ dần biến mất.

Ngoài đê thì vẫn là làng mạc, nhà thấp tầng. Chỉ cần đi qua đê là đã thấy 2 thế giới gần như khác hẳn nhau.

Khi làng hoa đào Nhật Tân phải nhường chỗ cho dự án đô thị mới, lớn nhất Thủ đô. Người Hà Nội ai cũng có cảm giác chông chênh, như vừa mất đi một thứ gì đó quý giá trong ền ký ức được bồi đắp qua bao nhiêu thế hệ, khi mỗi dịp tết đến xuân về là ai cũng muốn lên Nhật Tân ngắm hoa đào.

Bây giờ thì phần còn lại của làng hoa truyền thống ấy đã được đẩy hẳn ra phía ngoài đê. Cuộc sống bên ngoài đê ở khu vực ấy vẫn rất tấp nập và cũng dần khiến người ta quên đi những kỷ niệm với làng hoa cũ.

Và thậm chí bây giờ, thành phố đã và đang hạ dần độ cao của mặt đê để làm đường cho các phương tiện giao thông mỗi ngày một nhiều mà đường trong phố thì không thể nào tải nổi. Người ta chỉ xây một bức tường ngăn như thể vẫn muốn xác định không gian trong và ngoài. Chứ nếu nói bức tường ấy sẽ giúp ngăn lũ sông thì e rằng hơi khiên cưỡng.

Tất nhiên, lý do hạ đê là bây giờ nước sông Hồng đã xuống rất thấp và nhiều năm nay không có lũ, nên đê đã không còn giá trị như lúc ban đầu nữa.

Điều tích cực là giúp cho người ta cũng hơi có cảm giác không còn sự phân biệt giữa trong và ngoài đê.

Chẳng biết có ai lẩn thẩn như tôi, khi đứng ở trên bờ đê, nơi ngăn cách giữa hai nửa thành phố, để mà cảm nhận hơi thở phố thị, giống như đứng giữa hai lá phổi đang phập phồng. Một bên toàn bê tông cốt thép, nồng nặc khói bụi và bên kia là dòng sông Hồng đỏ phù sa, cây cối xanh mát, căng phồng oxy.

Nhưng rồi chẳng mấy nữa mà người ta sẽ hạ hết đê xuống lấy chỗ cho việc mở đường. Đường phố sẽ rộng rãi hơn và hai lá phổi ấy chắc cũng sẽ hoà một nhịp thở. Có điều, bằng oxy hay khí CO2 thì chắc hoàn toàn phụ thuộc vào những thị dân sống cả ở 2 bờ…

Sắp tới, ở ngoài đê chúng ta sẽ có cả một phân khu du lịch, giải trí ở bãi giữa sông Hồng cho dân phố bên trong ra đó mà chơi…