Tên nhà phố

Dạo một vòng Hà Nội phố, nhất là ở khu phố cổ, có bao giờ bạn tò mò về những ngôi nhà gắn biển tên được đúc bằng xi măng? Và có bao giờ bạn băn khoăn về ý nghĩa nào đó phía sau những tấm biển đã tồn tại trên dưới trăm năm?

Trên phố Hàng Đồng còn tồn tại một số ngôi nhà cổ với biển tên đúc tên thương hiệu hoặc tên chủ nhân ngôi nhà
Trên phố Hàng Đồng còn tồn tại một số ngôi nhà cổ với biển tên đúc tên thương hiệu hoặc tên chủ nhân ngôi nhà

Dọc các phố hàng của Hà Nội, như Lãn Ông, Hàng Đồng, Hàng Gà... đến nay vẫn còn sót lại những biển bảng quảng cáo được đúc bằng xi măng, với những ký tự được đắp nổi ở mặt tiền.

Quang Lợi, Vĩnh Bảo, Phú Thịnh, Phương Dung… những cái tên giản dị mà gần gũi với nhiều thế hệ người dân phố cổ, chỉ cần nghe nhắc qua là đã biết nhà ấy tồn tại ở phố bao lâu, trước đây buôn bán, kinh doanh mặt hàng gì.

Chẳng hạn, tấm biển “Lợi Kỷ” của ngôi nhà trên phố Hàng Gà đã xấp xỉ 70 năm, gia chủ hiện nay là con cháu của ông bà Lợi Kỷ ngày xưa, trước chuyên bán hòm da, khóa chuông cho bộ đội.

Hay biển “Phương Dung” của ngôi nhà trên phố Hàng Giấy, vốn là một cửa hàng kinh doanh máy ảnh từ những năm 1950. Nhà “Thuận Thịnh” ở phố Hàng Hòm trước đây chuyên bán đồ gỗ sơn, tráp.  Nhà Vĩnh Bảo ở phố Hàng Đồng, trước chuyên bán đồ đồng theo tên phố, tuổi đời ngót nghét trăm năm.

Ông Căn, người phố Hàng Đồng, từng chứng kiến sự tồn tại của những biển tên nhà trên phố qua năm tháng. Với ông, chúng không đơn thuần là cái tên, mà còn là thương hiệu:

"Đến một lúc nào đó người kế nhiệm người ta không làm cái này nữa thì cái thương hiệu vẫn còn. Không thể nào người ta cạy nó đi được, cũng không muốn cạy làm gì, người ta tiếc. Bởi vì đó là kỷ niệm, hồi ức về một thời đã qua thì người ta để lại. Nhưng thương hiệu, tên của mặt hàng kinh doanh, thương hiệu của ngôi nhà mà chủ nhân cũ đã kinh doanh thì nó còn mãi với thời gian".

Những biển tên nhà dù không còn nguyên vẹn, bong tróc cũ kỹ, vẫn là điểm đặc trưng gợi nhiều ký ức xưa với người dân phố cổ
Những biển tên nhà dù không còn nguyên vẹn, bong tróc cũ kỹ, vẫn là điểm đặc trưng gợi nhiều ký ức xưa với người dân phố cổ

Trải qua thời gian, những mặt hàng ngày xưa không còn phù hợp, người ta đã chuyển sang buôn bán, kinh doanh mặt hàng khác. Cũng có những ngôi nhà con cháu còn ở đến đời thứ tư, thứ năm, song cũng có nhà, tên biển gắn với hộ thuê để bán hàng ngày xưa, sau lấy lại ở, người ta vẫn để nguyên như thế.

Không quá nổi bật, không cầu kỳ, biển tên nhà tuy đã bám bụi, bám rêu, phai sờn theo năm tháng, nhưng chỉ cần bộ hành bước chậm lại, tinh ý quan sát một chút đã có thể bắt gặp.

Đó là một phần của Hà Nội xưa, những dấu tích đã cũ được đắp lên với niềm tự hào của gia chủ về những cái tên đã trở thành thương hiệu. Người dân ở phố vốn đã quen, còn bộ hành ghé qua lại tò mò và đầy thích thú, tự đặt ra vô số câu hỏi về ý nghĩa đằng sau những cái tên biển, giản dị, gọn gàng nhưng cũng đầy ấn tượng.

Ngày nay, đi khắp các cửa hàng lớn nhỏ quanh Hà Nội, đâu đâu cũng là vô số các biển hiệu, biển quảng cáo hiện đại, bắt mắt. Nhưng biển tên nhà ở phố cổ vẫn còn sót lại, dù số lượng không nhiều:

"Biển tên nhà đấy, ngày xưa là sửa chữa máy tính. Ít lắm, thay đổi, hầu như là người ta rời đi kể cả người gốc cũ, chỉ còn vài hộ ở phố này".

"Vĩnh Bảo là thương hiệu của chủ nhà này. 35, 36, 37 này, cái nhà này cũng là nhà cổ của nhà cô. Sửa rồi bảo tồn phố cổ vẫn giữ nguyên mặt tiền này, chỉ sửa ở trong thôi".

Phố Lãn Ông hiện vẫn còn nhiều biển hiệu, biển tên nhà cổ ở Hà Nội và còn giữ được nghề truyền thống gắn với thương hiệu từ xưa đến nay

Cuộc sống nhiều thay đổi, dẫu vậy những biển tên nhà mộc mạc, xưa cũ vẫn ở đó, là nh chứng cho sự phát triển của các thương hiệu bấy giờ, đĩnh đạc, bề thế và tự hào. Mỗi biển tên kể một câu chuyện riêng, về những cửa hiệu vang bóng một thời và lặng lẽ “ghi lại” những ký ức không thể phai mờ nơi phố cổ.

Biển tên nhà cũ kỹ, nhưng qua mỗi lần sửa sang, gia chủ vẫn còn giữ lại. Không hẳn là vì không cần thiết phải sửa, phải làm mới, mà bản thân những người chủ dường như cũng muốn giữ lại dấu ấn nào đó nơi tấm biển đặc biệt theo một cách rất mộc này.

Và bởi nó còn được giữ lại, nên bộ hành và du khách ngang qua còn có được một “món quà” cho tầm mắt.

Dấu vết tháng năm đã nhuốm từng nét chữ, song, mỗi lần khi bước chân bộ hành đi qua, bắt gặp những biển tên nhà cổ, lại khơi lên một cảm xúc mới.

Thời gian như tua lại, và một không gian rất khác của Hà Nội xưa như tái hiện, nơi những tấm biển tên nhà. Dấu ấn về Hà Nội một thời rực rỡ, vẫn thấp thoáng ẩn hiện, ngay giữa nhịp sống sôi trào của phố thị hôm nay, trong sự trân trọng, nâng niu gìn giữ của người dân phố cổ.