Tên gọi Bờ Hồ

Những tên gọi chỉ địa danh Hồ Gươm thì có nhiều, như: hồ Lục Thủy, hồ Thủy quân, Hồ Tả vọng, Hữu vọng…, hồ Hoàn Kiếm, nhưng có lẽ tên gọi Bờ Hồ dù không phải tên gọi được quy định chính thức nhưng lại là cái tên thân thuộc, được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi người Hà Nội nói đến Hồ Gươm.

Với một người nghiên cứu về Hà Nội như nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến thì chỉ tên gọi Bờ Hồ dù không mang trong mình truyền thuyết dân gian kỳ bí nào, nhưng lại là tên gọi có nhiều câu chuyện đời gần gũi nhất. 

Khoảng không gian hè phố mát mẻ, rộng rãi, đông vui luôn là chỗ dừng chân lý tưởng cho tất cả mọi người khi tới với Hồ Gươm, Hà Nội. Trong văn nói, người Hà Nội thường nhắc đến tên Bờ Hồ, thay vì gọi là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.

Thú vị ở chỗ, Bờ Hồ không còn là danh từ chung chỉ phần vỉa hè bao quanh của một cái hồ, mà với riêng Hà Nội, Bờ Hồ lại trở thành danh từ riêng, dùng để chỉ chính hồ Gươm.

"Nói chung là Bờ Hồ ấy, nó vẫn là một cái gọi là trái tim của Thủ đô mà, cho nên nó vẫn có một cái sức hút rất là mãnh liệt".

"Ông lên Bờ Hồ là chuyện thường xuyên. Gia đình ông ở đây thì trên 100 năm rồi nhưng mà ông gắn bó với cái Hồ Gươm này, Đi bộ, đi chơi. Ngày xưa kể cả khi mà tìm hiểu yêu đương cũng ra hồ, Hồ là gắn bó từ khi còn là đất cỏ chứ chưa lát được như thế này". 

"Nhà cô cũng ở đây bao nhiêu năm rồi, ở từ bé nhưng lại không ở dưới này, nên là chỉ lên Bờ Hồ để đi chơi thôi". 

"những hôm mà có lễ hội, thì ở đây rất sôi động, đẹp mà rất vui, Rồi người ta kè được Bờ Hồ thì mình đứng ở trên Bờ Hồ nhìn ra hồ là thấy rất thích". 

Bờ Hồ là địa điểm vui chơi, thư giãn gần gũi, thân thuộc qua bao năm tháng với người Hà Nội và những người yêu Hà Nội
Bờ Hồ là địa điểm vui chơi, thư giãn gần gũi, thân thuộc qua bao năm tháng với người Hà Nội và những người yêu Hà Nội

Ở Hà Nội, dù chỉ là tên gọi tắt của bờ Hồ Hoàn Kiếm, nhưng thực tế, Bờ Hồ lại là trọn vẹn không gian Hồ Hoàn Kiếm trong ký ức và nhận thức của bao thế hệ người Hà Nội. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lý giải sự thân thuộc của tên gọi Bờ Hồ đã được hình thành và gắn bó với cuộc sống của người dân Hà Nội như thế nào:

"Tại sao có chữ Bờ Hồ, đầu tiên là xuất phát từ phía Bắc Bờ Hồ là phố Đinh Tiên Hoàng và quảng trường DKNT, vì trên đấy mở rộng ra, làm tiểu cảnh, đặt ghế đá. Mùa hè nóng mà, những người dân quanh khu vực phố cổ cứ ra đấy hóng mát, mà người Việt quen nói nôm na ở đó là hồ mà, nên bảo là đi ra Bờ Hồ ngồi.

Thế là từ Bờ Hồ xuất phát từ đấy. Còn dưới Hàng Khay thì người ta không ngồi ở đó, vì mùa hè phải ngồi phía Bắc thì gió đông nam thổi nó mới mát, từ đó mới sinh ra chữ Bờ Hồ, nên người Hà Nội có ai gọi là ra Hồ Hoàn Kiếm đâu, nhiều người đến bây giờ, kể cả trẻ con, quen từ bố mẹ cứ bảo là lên Bờ Hồ chơi".

Không gian thoáng đãng, xanh mát tại Bờ Hồ là điểm đến quen thuộc để người dân và du khách vui chơi, tạo nên những kỷ niệm đẹp với Hà Nội
Không gian thoáng đãng, xanh mát tại Bờ Hồ là điểm đến quen thuộc để người dân và du khách vui chơi, tạo nên những kỷ niệm đẹp với Hà Nội

Bờ Hồ với khoảng không gian rộng rãi, bao quanh hồ, có vỉa hè được lát đá sạch sẽ, tối có đèn đường chiếu sáng, sầm uất, đông vui, là nơi hóng mát, vui chơi lý tưởng nhất ở Hà Nội hơn trăm năm qua.

Không ít người đã ở vào tuổi cao niên nhớ rất rõ khoảng không gian rộng lớn bao quanh hồ được đón gió mát từ sông Hồng thổi vào, qua khu vực phố cổ với những ngôi nhà thấp tầng, rồi thênh thang tụ hội ở Hồ Gươm, mang món quà thiên nhiên mát lành và vô giá đó dành tặng cho con người.

Đô thị phát triển, những tòa nhà cao tầng từng mọc lên, giờ đây đang dần được phá bỏ, để trả lại cho không gian Hồ Gươm một khoảng không rộng lớn hơn, đó cũng là niềm mong mỏi thực sự của nhiều người.

Dạo Bờ Hồ và nhớ một cái tên đã và vẫn thân thuộc với không gian, con người nơi đây, để mỗi khi cất lên tiếng gọi tên Bờ Hồ là rất nhiều cảm xúc, câu chuyện và ký ức được nhắc đến. Cho tới hôm nay, lời mời, rủ lên Bờ Hồ chơi vẫn giữ nguyên ý nghĩa và gần gũi như thế với người Hà Nội, đơn giản là ra hóng mát, ra dạo phố, để được thư thái nhìn ngắm người qua lại, tận hưởng một không gian xanh giá trị giữa lòng Thủ đô.