Tăng giá vé xe buýt, hành khách mong muốn gì?

Từ ngày 1/1/2024, giá vé xe buýt tại Hà Nội sẽ điều chỉnh, tăng thêm 1.000 - 11.000 đồng/lượt tùy thuộc cự ly, giá vé tháng tăng trung bình 40%.

Cụ thể, với vé lượt, cự ly dưới 15km có mức điều chỉnh thấp nhất, tăng 1.000 đồng, từ 7.000 lên 8.000 đồng; cự ly từ 15 - 30km tăng từ 3.000 - 4.000 đồng. Vé tháng liên tuyến với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp tăng từ 100.000 lên 140.000 đồng.

Phương án điều chỉnh giá vé xe buýt được cho là phù hợp, còn với hành khách, họ nghĩ sao về sự điều chỉnh này? Mong muốn gì về chất lượng dịch vụ xe buýt sau khi giá vé tăng thêm? Hãy cùng VOV Giao thông trò chuyện với các hành khách:

PV: Xin chào em, đầu tiên em có thể giới thiệu một chút về mình?

Em là Đỗ Quang Huy, đang học ở Trường cao đẳng nghề Bách Khoa, Hà Nội.

PV: Khi được nghe về thông tin giá vé xe buýt dự kiến tăng từ năm 2024, em cảm thấy như thế nào?

Em cảm thấy khá bất ngờ. Đối với học sinh, sinh viên chưa có nhiều tiền, vé tháng là một lợi thế để giảm chi tiêu. Theo em thì mức tăng này vẫn có thể chấp nhận được. Còn nếu nó tăng lên quá cao, 50 - 60% thì em nghĩ là không nên, bởi vì chất lượng xe vẫn như thế.

Nhưng đối với sinh viên như em, không có lựa chọn nào khác thì vẫn bắt buộc phải sử dụng vé tháng thôi anh ạ.

PV: Vậy em mong muốn chất lượng dịch vụ xe buýt sẽ tăng ở những khía cạnh nào?

Đầu tiên, trên xe, em nghĩ là thái độ văn nh trên xe cần cải thiện nhiều hơn, bởi vì có những xe chất lượng văn nh không quá tốt. Còn về xe thì em nghĩ nên tăng thêm một số tuyến cho học sinh, sinh viên, bởi có những xe em phải đợi khá lâu, lúc nhỡ chuyến thì đợi mất khá nhiều thời gian.

Chất lượng xe thì em nghĩ có thể xe rộng hơn, hoặc nhiều chỗ để sinh viên đi cho đỡ bị đông quá.

PV: Cảm ơn em rất nhiều, chúc em sẽ tiếp tục có những hành trình thuận lợi cùng phương tiện giao thông công cộng! 

Dự kiến, từ ngày 1-1-2024, giá vé xe buýt tại Hà Nội sẽ điều chỉnh, tăng thêm 1.000 - 11.000 đồng mỗi lượt tùy thuộc cự ly, giá vé tháng tăng trung bình 40% (Ảnh - Minh Hiếu)

Với các đối tượng khác không được ưu tiên, giá vé tháng liên tuyến sẽ tăng từ 200.000 lên 280.000 đồng. Nếu giá vé tăng thì những người đi làm hằng ngày bằng xe buýt sẽ cảm thấy như thế nào? VOV Giao thông tiếp tục trò chuyện với một hành khách khác:

PV: Xin chào chị! Rất vui được trò chuyện với chị trong chuyên mục hôm nay.

NV: Mình tên là Luyến, ở Đông Anh, Hà Nội.

PV: Vâng, lý do nào khiến chị lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển?

Mình đi thường xuyên, ngày nào cũng đi, thời gian tương đối dài vì nhà xa, từ Đông Anh sang cũng xa. Với giá cũ thì mình nghĩ khá là phù hợp.

PV: Vâng, giá vé tăng không biết có ảnh hưởng lựa chọn phương tiện của chị không?

Với mình thì mình vẫn đi được. Nhưng nếu như tăng đột ngột từ 200.000 lên 280.000 đồng, tăng 40% thì có thể gây sốc cho một số người, một số người có thể chuyển sang phương tiện khác. Tăng nhiều như thế sẽ ảnh hưởng một số anh em công nhân chẳng hạn, lương rồi chi phí rất là khó khăn.

PV: Vâng, chị có mong muốn hay có góp ý nào khác với các cơ quan quản lý?

Nếu tăng thì theo mình nên có lộ trình, trong 5 năm sẽ đạt 40% chẳng hạn, mỗi năm tăng 5 - 10% thì mọi người sẽ dần thích ứng. Còn giá tăng một lúc cao quá thì có thể gây phản ứng, đi thì bắt buộc người ta phải đi rồi, nhưng có thể không thoải mái.

PV: Cảm ơn chị rất nhiều! Chúc chị có những chuyến đi thật nhiều niềm vui.

Hành khách mong các cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu kỹ lộ trình, mức tăng phù hợp và có những biện pháp để ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (Ảnh - Transerco)

Lý giải cho đề xuất tăng giá vé xe buýt, Sở Giao thông vận tải cho biết, từ năm 2014 đến nay, thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách của Thành phố.

Tăng giá vé là cần thiết, song hành khách mong các cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu kỹ lộ trình, mức tăng phù hợp và có những biện pháp để ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.