Vậy các tài xế chở khách đường dài, họ nói gì về khung giờ “tử thần” này? Nguyên nhân nào dẫn đến tai nạn thảm khốc? Họ mong muốn điều gì khi nắm giữ sinh mạng của hàng chục người phía sau vô lăng?
PV: Tôi đang có mặt tại bến xe Mỹ Đình, nơi tập trung những tuyến cố định chở khách từ Hà Nội lên các tỉnh ền núi Tây Bắc. Đa số chúng đều chạy vào buổi tối, xuyên đêm tới sáng. Ngồi cạnh tôi là tài xế Trần Đăng Khoa, Công ty Sao Việt, chạy tuyến Lào Cai.
Anh có thể chia sẻ những rủi ro khi điều khiển xe đường dài vào ban đêm?
Anh Khoa: Ban đêm thì chúng tôi lái xe, xảy ra tai nạn có nhiều yếu tố. Buồn ngủ là một, thứ hai là trời mưa, đường trơn, rồi sương mù.
Có nhiều thứ gây mất an toàn giao thông. Còn mình lái xe khách hay xe tải thì lúc nào cũng hết sức bình tĩnh, cẩn thận. Vì đằng sau mình là nhiều con người, còn gia đình. Lái xe phải giữ vững lập trường.
PV: Một số tài xế có chia sẻ với tôi rằng, đi đường ban đêm thì vắng, nên đi nhanh hơn ban ngày. Liệu đây có phải nguyên nhân tai nạn xảy ra ban đêm thì thường để lại hậu quả rất nặng nề?
Anh Khoa: Cũng không phải lắm đâu. Tất nhiên đường đèo dốc thì buổi đêm sẽ thoáng hơn, vì đường đi cùng chiều hay ngược chiều có ánh đèn chiếu ngược lại, khi vào cua thì mình biết có xe. Khi đi ban đêm thì tốc độ lưu thông cao hơn chứ.
Ban ngày thì có nhiều người, trâu bò, chướng ngại vật các thứ… nên đi chậm hơn. Còn tai nạn thì chẳng ai muốn. Hầu như khách quan là nguyên nhân hàng đầu. Còn lái xe có kinh nghiệm rồi thì chủ quan hầu như không có.
PV: Cái khách quan như anh nói cũng liên quan tới điều kiện thời tiết?
Anh Khoa: Đúng rồi, trời mưa, sương mù, trơn trượt. Có thể có xe bị lật, nhớt chảy ra đường. Mình đi sương mù không nhìn thấy, mình đè bánh vào rất trơn. Đó là chuyện hay xảy ra.
PV: Đoạn Hà Nội-Lào Cai anh đi có những đoạn tuyến nào cần lưu ý nhất?
Anh Khoa: Nói chung cao tốc thì mình không thể chủ quan bất cứ đoạn nào. Cao tốc Nội Bài-Lào Cai giờ gờ sống trâu rất nhiều. Mình đi cứ cẩn thận là trên hết. Đoạn nào cũng phải cẩn thận.
PV: Hiện Bộ Giao thông dự định giới hạn lại giờ chạy xe chỉ lái liên tục 3 giờ trong khoảng thời gian 22h-6h sáng, lái tối đa 8 tiếng/ngày. Anh thấy điều này có cần thiết để cải thiện sức khỏe tài xế?
Anh Khoa: Như thế thì quá tốt, cung đường bọn tôi chạy có 4,5 tiếng thôi, còn chúng tôi đã dừng 1 lần 40 phút rồi. Và chúng tôi có trạm của công ty vào nghỉ 4-5 phút là bình thường. Còn cung đường xe khách trước đây chạy 4 tiếng liền, giờ chạy 3 tiếng thì chả vấn đề gì. Anh em lái xe, hành khách được ngồi nghỉ uống cốc nước, đi vệ sinh cũng tốt.
PV: Vừa rồi là chia sẻ của một tài xế chuyên chạy cao tốc. Tôi sẽ hỏi thêm một bác tài chạy đường đèo, đó là anh Nguyễn Văn Bình, công ty Hoàng Yến, chạy tuyến Hà Nội-Điện Biên.
Anh có kinh nghiệm và rất quen các tuyến đường ền núi rồi. Vậy chạy ban đêm đường vắng có bị chủ quan?
Anh Bình: Đường thì chả ai nói hay nói giỏi về nghề chạy xe cả. Mình cứ chấp hành đúng quy định pháp luật thôi. Những người đang chạy ở đường bằng mà lên đường đèo thì nguy hiểm. Ví dụ, mình đang quen chém cua ở đường bằng, lấn làn người ta, nhưng không quen đường đèo là va chạm ngay.
Tôi nhận thấy, những điểm đen tai nạn thì toàn đường bằng. Các anh em toàn chủ quan là nhiều. Có những khúc cua, anh em quen rồi thì đến chỗ đó chủ động rà phanh, cẩn thận an toàn trước hết. Chính ra, đường đèo lại ít bị tai nạn hơn, đường bằng lơ là lắm.
PV: Tức là vẫn đường ền núi, nhưng đoạn bằng phẳng thì lại dễ đi nhanh và dễ bị tai nạn hơn khúc cua?
Anh Bình: Đúng rồi. Với đường đèo, những chỗ nguy hiểm nhất là những chỗ an toàn nhất. Càng những chỗ tưởng là an toàn nhất thì lại nguy hiểm nhất. Tài già, có kinh nghiệm thì như vậy.
PV: Anh nghĩ sao về đề xuất giới hạn thời gian chạy xe liên tục xuống 3 tiếng vào khung giờ ban đêm?
Anh Bình: Trước đây, lái 4 tiếng cũng an toàn rồi. Còn ngày xưa là 5-6 tiếng đổi ca, bây giờ 4 tiếng, xuống nữa thì cũng được thôi. Quy định của Bộ giao thông thì mình cứ chấp hành. Từ đây lên Điện Biên có hơn chục trạm dừng nghỉ. Chúng tôi chạy 2 tiếng là nghỉ cho khách ăn cơm, đi vệ sinh rồi.
PV: Anh có kinh nghiệm chuẩn bị nào trước một chuyến đi dài chạy xuyên đêm?
Anh Bình: Ngày nào cũng đi thì phải đảm bảo sức khỏe bản thân. Trước khi xuất bến thì nổ thử, kiểm tra xe, hệ thống phanh, đảm bảo an toàn. Có gì trục trặc thì đánh về xưởng, rồi mình mới lăn bánh.
PV: Xin cảm ơn anh!
“Cung đường tưởng là an toàn nhất lại nguy hiểm nhất” – Câu nói ấy của một bác tài 30 năm kinh nghiệm đã cho thấy tầm quan trọng của sự cẩn trọng khi lái xe, cho dù là đường đồng bằng hay đường đèo, lái xe ban đêm hay ban ngày.
Riêng với khung giờ “tử thần” 22h tối-6h sáng, không phải ngẫu nhiên, Bộ GTVT đề nghị hạn chế giờ lái xe liên tục. Đó cũng là một biện pháp để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lái và hành khách. Chúc các bác tài vững tay lái ,duy trì sự tập trung, tỉnh táo trên mọi cung đường.