Tái chế rác thải nhựa: Cơ hội có nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó

Tại Việt Nam, chỉ 27% rác thải nhựa được các doanh nghiệp thu gom xử lý, nhưng 90% trong số đó được vận chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt, chỉ 10% được tái chế. Tái chế nhựa là trách nhiệm xã hội bắt buộc trên con đường “Xanh hoá” doanh nghiệp nhưng thực tế đặc ra không ít rào cản, thách thức.

Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng

“Cân não” giải bài toán giá thành

Thiên Long là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc sử dụng công nghệ tái chế ở các sản phẩm thân thuộc với học sinh. Những sản phẩm của Thiên Long đang định hướng theo tiêu chuẩn Xanh như ruột bút được tái sử dụng, vỏ bút được làm từ những chế phẩm sinh học như vỏ trấu, vỏ rơm ra, bột sắn....

Tuy nhiên, câu chuyện của một chiếc bút chứa đựng nhiều nội hàm của giá trị công nghệ, thân thiện với môi trường nhưng giá cả phải cạnh tranh là bài toán vô cùng nan giải khi giá thành một sản phẩm tái chế cao hơn 25-30% so với sản phẩm nhựa thông thường.

“Sản phẩm lấy nguyên liệu từ môi trường, nên có nhiều thứ lẫn vào đó, mình phải kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ. Do đó chi phí giá thành rất cao, nó không đơn giản. Và hầu như khách hàng đến, họ hỏi giá cao thì làm sao họ ủng hộ lâu dài được vì ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ. Có thể người ta ủng hộ lúc đầu thôi, một chiếc bút tôi có thể ủng hộ anh, nhưng sau đó thì sao?” - ông Lâm Triều Cường, Tổ trưởng nghiên cứu thí nghiệm, Tập đoàn Thiên Long chia sẻ.

Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt còn dàn trải, chưa tập trung

"Với sản phẩm đặc thù nhiều công đoạn gia công phức tạp, bà Trần Phương Nga, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long thừa nhận rằng, có nhiều lúc phải “cân não”.

Đó là chưa kể khi tới tay khách hàng cũng cần một quá trình thuyết phục và giáo dục nhận thức: “Từ những sản phẩm rất nhỏ như ruột cây bút để cân đối giữa công nghệ và giá thành vừa an toàn chất lượng vừa đạt được mục tiêu về công năng và thẩm mỹ. Đó là thách thức lớn” – bà Nga chia sẻ.

Mặc dù tập đoàn Thiên Long xác định đây là trách nhiệm xã hội bắt buộc trên con đường “Xanh hoá” doanh nghiệp, nhưng cũng không khó khăn

Mạnh dạn đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu xanh hoá của thế giới và đón đầu tiềm năng sử dụng nhựa tái chế ngày càng nhiều tại Việt Nam, trong năm ngoái, nhà máy nhựa tái chế Duy Tân đã tái chế hơn 1,3 tỷ chai nhựa được thu gom trong nước.

Tuy nhiên, ở trong nước, doanh nghiệp lại gặp khó về quy chuẩn cho bao bì nhựa tái chế.

“Ở Việt Nam gần như chưa có quy chuẩn nào để áp dụng cho bao bì nhựa tái chế. Hy vọng sắp tới Bộ Y tế nghiên cứu để phát hành một quy chuẩn an toàn thực phẩm hoặc là an toàn cho bao bì làm từ nhựa tái chế hoặc, các vật liệu tái chế, để người tiêu dùng an tâm vì mọi người vẫn có tâm lý e ngại và chưa chấp nhận một sản phẩm làm từ nhựa tái chế” – Ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân phân tích.

 

Trong năm ngoái, nhà máy nhựa tái chế Duy Tân đã tái chế hơn 1,3 tỷ chai nhựa được thu gom trong nước

Ông Lê Anh chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, các chính sách hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp tái chế vẫn chưa thực sự có ý nghĩa. Lãi suất của khoản tín dụng xanh từ ngân hàng vẫn cao, muốn nhận vốn từ “quỹ xanh” doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều thủ tục.

“Theo kế hoạch, đến năm 2026, khi sản lượng đạt công suất thiết kế thì nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân mới có thể đạt điểm hoà vốn” – ông Lê Anh nói.

Ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân

 

Theo kế hoạch, đến năm 2026, khi sản lượng đạt công suất thiết kế thì nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân mới có thể đạt điểm hoà vốn

Khó đầu ra, khó cả đầu vào

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn. Nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu tái chế ở mức 30-35%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.

Đối với những doanh nghiệp đang thực việc thu gom phân loại rác thải nhựa, để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các công ty làm nhựa tái chế hiện cũng gặp nhiều khó khăn. 

Ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn

Theo bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó Trưởng phòng Công nghệ Môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, TPHCM có khoảng 20-25% phường, xã, thị trấn triển khia thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Song kết quả chưa đạt theo mục tiêu đề ra do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt còn dàn trải, chưa tập trung.

Bên cạnh đó, một trong những rào cản đó là chưa tìm được tiếng nói chung về đơn giá với các nhà tái chế.

“Thông thường những sản phẩm rác thải, nguyên liệu trên thị trường chúng ta thường thu gom không chính quy. Chính vì vậy khi chúng tôi đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực này thì chi phí giá thành của chúng tôi trong việc tính toán đơn giá để chuyển gia cho nhà sản xuất đương nhiên sẽ cao hơn so với những đơn vị thực hiện không chính quy” – Bà Lâm nói.

Nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu tái chế ở mức 30-35% mỗi năm - các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam nhận định, đối với doanh nghiệp tái chế, chi phí sẽ phụ thuộc vào việc lựa chọn giữa chất thải và phế liệu trong nước và nhập khẩu nước ngoài. Bởi vậy, cần có quy định nghiêm khắc hơn để xử lý hết phế liệu và chất thải trong nước khi Việt Nam có 64.000 tấn chất thải rắn thải ra hàng ngày. 

“Phân loại rác tại nguồn giúp thêm chúng ta có nguồn nguyên liệu tái chế, tránh khai thác nguồn tài nguyên và giảm thiểu tối đa chôn lấp. Cần phải khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động tái chế và đưa vào công nghệ đốt rác phát điện ngay từ bây giờ và ưu tiên cho TP lớn có lượng rác thải trên 1.000 tấn/ngày” – ông Trần Việt Anh chỉ ra.

Ở thời điểm hiện tại, các chính sách hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp tái chế vẫn chưa thực sự có ý nghĩa

Tái chế nhựa, tái chế giấy là một trong những ngành nghề truyền thống ở Việt Nam. Nhưng tất cả các hoạt động tái chế đưa về các doanh nghiệp đều mang tính tự phát hoặc chỉ là một bộ phận nằm trong dây chuyền sản xuất mà không được doanh nghiệp đầu tư một cách bài bản. Bên cạnh đó, các làng nghề chuyên tái chế thường rơi vào tình trạng bị ô nhiễm. Do đó, công nghệ tái chế nhựa và giấy công nghệ đang ở mức thấp và bị thu hẹp lại. “Đầu tư cho tái chế và xử lý chất thải là đầu tư lớn. Và phải có chính sách tiêu thụ sản phẩm tái chế này chứ không phải là câu chuyện giảm giá thành” – Ông Việt Anh phân tích.

Ông Việt Anh kỳ vọng, Việt Nam gấp rút tăng tốc đầu tư cho công nghệ tái chế để có nhiều doanh nghiệp đủ chuẩn đi vào châu Âu và có nhà máy phát điện dùng túi nilon như ở Nhật Bản chứ không phải là công nghệ, làng nghề thủ công như hiện nay.