Đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ có những tác động nhất định theo hướng có lợi, đặc biệt là đối với các ngành hàng hóa có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ.
Sau một thời gian dài đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh tại thị trường Mỹ do lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt những ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày của Việt Nam cho biết việc FED giảm lãi suất sẽ thúc đẩy khách hàng Mỹ cải thiện lượng nhập khẩu. Khi đó xuất khẩu của các doanh nghiệp vào thị trường Mỹ sẽ thuận lợi hơn.
Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn may Hồ Gươm chia sẻ thêm: "Thực ra đấy cũng là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam. Bởi vì khi FED hạ lãi suất thì việc đầu tư, các cơ hội phát triển cho doanh nghiệp của Mỹ tốt lên. Khi người ta có cơ hội phát triển thì người ta sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp đến thị trường từ Châu Á, Đông Nam Á, và đặc biệt là có Việt Nam".
FED cắt giảm lãi suất sẽ hỗ trợ Việt Nam có nhiều dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau một thời gian dài chịu áp lực tiêu cực từ chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất cao của Mỹ.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc Fed giảm lãi suất sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam: "Việc Fed giảm lãi suất thì đối với Việt Nam, giúp giảm áp lực lên tỷ giá của tiền đồng so với đô la, tức là có thể tỷ giá của chúng ta sẽ ổn định hơn trong những tháng cuối năm của 2024, và nếu tỷ giá ổn định hơn thì cũng sẽ bớt áp lực lên lạm phát, và từ đó Ngân hàng Nhà nước có thể có những chính sách tiền tệ linh hoạt hơn so với trước đây. Có thể Ngân hàng Nhà nước cũng đang và sẽ tiếp tục xem xét việc làm thế nào để giảm thêm lãi suất, thì điều này cần một độ trễ, có thể là 1 đến 3 tháng. Thế nhưng có những tác động tức thời là tác động lên tỷ giá không cần có độ trễ nào cả".
Khi lãi suất của Mỹ giảm, đồng USD yếu đi có thể khiến VND mạnh lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với việc hàng hóa trở nên kém cạnh tranh hơn về giá trên thị trường quốc tế. Ngược lại, nhập khẩu vào Việt Nam có thể tăng do hàng hóa quốc tế trở nên rẻ hơn. Điều này có thể làm thâm hụt cán cân thương mại nếu nhập khẩu vượt quá xuất khẩu, gây sức ép lên nền kinh tế nội địa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, áp lực này sẽ không lớn và kèm với việc chúng ta cũng chủ động giảm lãi suất tương ứng sẽ giúp cho việc duy trì tỷ giá được ổn định và tiếp tục hỗ trợ cho chính sách thặng dư thương mại của quốc gia.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ có lợi thế từ việc đồng Việt Nam đang ổn định so với đô la Mỹ và lên giá so với nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Rõ ràng là việc chúng ta nhập được các hàng hoá có mức giá bình ổn thì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng ổn định và từ đó doanh nghiệp có thể giảm được chi phí cũng như giảm được đầu vào cho sản xuất".
Theo các chuyên gia kinh tế, Mỹ vốn là thị trường truyền thống của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây chính là lúc các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh khai thác tiềm năng.
PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương nhận định: "Tôi nghĩ các doanh nghiệp xuất khẩu nên tận dụng cơ hội này để tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào chính thị trường Hoa Kỳ khi mà nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo sẽ có sự tăng trưởng nhất định. Cùng với đó là sự thận trọng trong việc theo dõi biến động của tỷ giá. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng biến động của tỷ giá sẽ không quá lớn. Hiện nay NHNN VN hoàn toàn có đủ nguồn lực để giữ bình ổn tỷ giá hối đoái đó".
Các chuyên gia cũng dự đoán khi lãi suất của Mỹ giảm, trong 3 đến 6 tháng tới, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên kéo tổng cầu quốc tế tăng theo. Qua đó, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực trong từ 3 đến 6 tháng tới./.