Chị Nguyễn Thị Tú Anh là một trong những người tiên phong làm đồ lưu niệm như cần xé, ghe thu nhỏ tại làng nghề đan cần xé thành phố Ngã Bảy. Chào chị Tú Anh, vì sao mình lại có ý tưởng làm ra những sản phẩm nhỏ xinh như thế này vậy chị?
Chị thấy khách du lịch đi ngang nè, rồi chị làm để coi mấy người khách nước ngoài người ta đi lại coi làng nghề của mình nè. Rồi mình làm quảng bá sản phẩm đồ luôn cho người ta qua lại đây người ta tham quan làng nghề của mình, đặng người ta biết luôn, Người ta thích mấy cái nhỏ nhỏ như vầy nè người ta mua.
So với cần xé lớn thì làm cái nhỏ như vầy có nhanh hơn không chị?
Chị làm cái nhỏ này lâu lắm nè chớ không phải mau như cái bự đâu. Cái càng nhỏ làm lâu dữ lắm. Cái cần xé này 2-3 ngày rồi mới được như vầy nè mà chưa đánh quai nữa. Cũng như nếu như mình làm thành phẩm một ngày thì được có một cái, còn cái bự như vầy thì một ngày một người làm được 3 cái.
Cái bự làm cũng dễ dàng hơn, còn cái nhỏ thì làm lâu dữ lắm. Chị ngồi làm vầy là một ngày có một cái một hà.
Vậy thì công đoạn nào là khó nhất, thưa chị Tú Anh?
Khó dữ lắm, nhất là chẻ nan đương, phải chẻ cho nó đều, vót cho nó mỏng, đương nó mới vô. Còn mà để dày vót nó đâu có vô. Cọng nan nó rất là mỏng luôn, nó mới vô được.
Khách du lịch đón nhận sản phẩm mình như thế nào?
Có người người ta mua có người đâu có mua chứ đâu phải mỗi người đi ngang là phải mua, nhầm người người ta thích thì người ta mua hà.
Bây giờ chị Tú Anh làm được bao nhiêu mẫu đồ lưu niệm như thế này? Và chị thấy là khách du lịch thích nhất là mẫu nào?
Chị suy nghĩ ra chị làm được cái nào chị bán cái đó hà. Tính ra chắc cũng cỡ mười mấy mẫu. Cái cần xé với cái ghe chiếu đó. Ghe chiếu có cái mui là người ta thích nhất. Khách nước ngoài như mình ở đây mình biết với cái người mà người ta hướng dẫn viên, người ta nói đó là cái ghe chiếu Cà Mau thì người nước ngoài người ta mới biết.
Cũng nhờ hướng dẫn viên người ta nói đồ vậy đó. Hồi đó ở Ngã Bảy mình có sự tích vậy, rồi cái người ta biết người ta mới mua.
Cảm ơn chị Tú Anh rất nhiều. Chúc cho chị và bà con làng nghề nhiều sức khỏe để tiếp tục gìn giữ và phát triển công việc thủ công độc đáo này.
Du lịch khởi sắc nhờ làng nghề cần xé
Dẫu đã qua thời hoàng kim của nghề đan cần xé nhưng với bà con ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, công việc này đã trở thành một phần cuộc sống nên dù có đi đâu, làm gì, hễ cứ trở về quê hôm trước là hôm sau lại bắt tay vào vui buồn cùng những chiếc cần xé.
Làng nghề cần xé giờ còn khoảng 50 hộ tham gia với hơn 200 lao động. Hiện nay, làng nghề đa phần hoạt động theo hướng chuyên môn hóa từng khâu, thợ thì làm từng công đoạn rời, gọi là làm món để duy trì qui mô sản xuất tập trung khá lớn, quy về 3 vựa lớn trong vùng để phân phối đi các nơi. Vừa giữ gìn được kỹ thuật đan truyền thống, hầu hết đều sử dụng nguyên vật liệu gốc.
Theo bà con làng nghề, mấy năm nay, du lịch địa phương bắt đầu khởi sắc, làng nghề theo đó cũng có bước phát triển theo nhờ vào việc có khách gần xa. Từ Tết Dương lịch đến Giáp Tết Nguyên Đán là thời điểm làng nghề có đông khách du lịch đến tham quan nhất. Đặc biệt là khách từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ý, …
"Tùy theo mùa, từ thời điểm này trở đi là khách du lịch về đông nè. Qua tháng 3 tháng 4 là chững lại. Những sản phẩm du lịch nhỏ người ta thích lắm, những sản phẩm lớn cũng được quan tâm nhiều lắm".
"Từ cái mê rồi tới cái mình đương rồi tới cái nan này rồi tới cái nan trên, rồi tới mình quai rồi ghim. Mình phải biết làm quai. Giai đoạn nhất là giai đoạn mình đương phải đều, không bự, không nhỏ, đương phải có thước tấc, không phải ai làm cũng được đâu".
Ông Ngô Văn Út người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm theo nghề cho biết, đan cần xé tuy thu nhập không cao nhưng được cái ngồi trong mát, người thợ làm tại nhà và có thể chủ động thời gian. Theo nghề từ nhỏ, nên với ông, ngày nào không ngồi đan là ngày đó cứ thấy thương, thấy nhớ. Nhìn bàn tay thoăn thoắt của ông Út, du khách đi từ ngạc nhiên đến thích thú. Không ít người còn xin ông được tận tay trải nghiệm một lần cho biết.
"Cái cần xé này mình thấy trước mắt mình nói dễ nhưng mà sự thật làm không có được. Nếu mà học kiên trì lắm mới mần được hoàn chỉnh cái cần xé phải 4 năm. Thấy nó vậy trước mặt chứ học có người mười mấy năm chưa hoàn thành cái cần xé. Nhiều khi mình muốn bỏ nó chứ mình cũng không muốn đeo đuổi nó nhưng mà mình bỏ không được".
Theo nhiều hộ dân trong xóm, khoảng 3 năm trở lại đây du khách tìm đến làng nghề ngày một nhiều, bà con trong xóm bắt đầu sáng tạo những sản phẩm thu công dạng nhỏ gọn để bán quà lưu niệm cho du khách. Hiện có 5 hộ bán những sản phẩm như cần xé nhỏ, mô hình chiếc thuyền tam bảng, quang ghánh, bình hồ lô, rế nhỏ, bình nước,...
Tại làng nghề đan cần xé, chị Nguyễn Thị Tú Anh là một trong những người thợ lành nghề, vừa làm cần xé lớn cho mối, chị kiêm luôn hơn 12 mẫu những mô hình lưu niệm. Sản phẩm cần xé thu nhỏ và ghe chiếu Cà Mau có phần mui của chị sáng tạo được khách du lịch rất ưa thích và chọn mua làm quà.
"Cỡ 2 năm trở lại đây khách mới đi nhiều, có người người ta mua, có người người ta cũng không mua. Người nào lại người ta hỏi làm trải nghiệm thì chị cũng đem cái cần xé ra cho người ta coi người ta làm. Mình chỉ cái người ta dòm người ta làm theo. Công đoạn đương người ta dễ làm hơn. Mình ngồi mình mình đương vầy nè, khách coi cái bắt đầu đưa đương thử, rồi nó cũng đương, cũng khoái chí, cười đồ dữ lắm".
Chia sẻ về sự chuyển đổi của làng nghề trăm năm tuổi, ông Bùi Tấn Lộc, Bí thư Trưởng Khu vực 6, Phường Ngã Bảy, Thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang thông tin: "Những đoàn khách lớn của Pháp và mấy nước Châu Âu đều rất thích sản phẩm này. Những du khách thấy những người thợ làm rồi thấy lạ nên cũng tập làm thử, người ta nhảy vô xin làm thử những sản phẩm lớn, chứ sản phẩm nhỏ làm không được đâu, phải kinh nghiệm mới làm được".
Những chiếc cần xé ni, dù nhỏ bé, vẫn mang trọn vẹn hồn cốt của sản phẩm truyền thống của làng nghề đan cần xé Ngã Bảy, trở thành món quà lưu niệm độc đáo cho du khách trong và ngoài nước. Sự sáng tạo này không chỉ mở ra thị trường mới, tăng thêm giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa địa phương ra khắp mọi ền.