"Sống mòn" bên Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Toàn bộ mặt đường và vỉa hè phía bắc phố Quốc Tử Giám đang được rào chắn phục vụ thi công ga ngầm S11 của dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội. Công trình tới nay vẫn trong tình trạng chậm trễ khiến cho những hộ dân sinh sống bên cạnh tuyến đường khốn khổ trăm bề.

Phóng viên VOV Giao thông đã gặp gỡ với một người kinh doanh tại mặt phố Quốc Tử Giám để tìm hiểu về những tác động do công trình chậm tiến độ, chưa thể tháo dỡ rào chắn.

Xin chào cô, cô có nhớ công trình thi công rào chắn mặt đường Quốc Tử Giám từ bao giờ không?

Cái này tôi nhớ không nhầm thì ít nhất phải 5 năm hoặc 6 năm, trước khi có COVID-19 rất nhiều.

Vâng, từ ngày dựng rào chắn, cuộc sống của gia đình cô và người dân khu vực này thay đổi ra sao ạ?

Nói chung là ngồi nhà, chẳng buôn bán gì cả, các cửa hàng là đóng hết, xây dựng bừa bãi làm đi lên, đi xuống khó khăn, tiếng ồn thì cả đêm khiến ông bà già và các cháu không ngủ được.

Rào chắn thi công công trình thi công ga ngầm S11 trên phố Quốc Tử Giám

Khó khăn khi di chuyển như cháu quan sát đây thì lòng đường chỉ còn gần 1m, chỉ đủ cho 1 xe máy qua trước cửa nhà cô nên các phương tiện qua đây gặp thêm những khó khăn ra sao ạ?

Đi lại khó khăn, trời mưa thì ngập lụt, đường đi thì chật chội, chen chúc nhau. Cứ 2, 3 người tránh nhau là ngã, là va chạm

Tại đây vốn là mặt phố, kinh doanh sầm uất, nhưng công trình thi công kéo dài nhiều năm gây thiệt hại về kinh tế ra sao, thưa cô?

Có những gia đình không dừng được nhưng hiệu quả buôn bán giảm sút đi rất nhiều, còn nói chung thì đóng cửa, cuộc sống khó khăn, những hộ kinh doanh là không có ai thuê nhà hoặc mở được cửa hàng.

Chỉ có hàng trà đá là còn mở chứ cửa hàng ăn uống là đóng hết thì không có ai đi vào đây vì nó rất là bẩn.

Như vậy là không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán mà dự án làm quá lâu, dai dẳng còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân phải không ạ?

Người dân bị ảnh hưởng rất lớn bao nhiêu năm nay rồi, nào bụi, nào nước mưa, nào cống rãnh tắc, chỉ cần mưa không cần to thì nước đã vào sát cửa hộ gia đình rồi. Rác chất thành từng đống rất to, cả phố có 1 đống rác tụ lại vì xe rác không vào được, gọi xe cấp cứu thì phải vác người ra chứ xe cấp cứu còn đỗ ở xa.

Với những khó khăn vừa nêu, cô có đề nghị, mong mỏi gì với việc thi công, sớm hoàn thành dự án này?

Chúng tôi giờ già rồi không có lương hưu và cuộc sống gia đình khó khăn nên dù bụi hay bẩn đến đâu thì chúng tôi vẫn phải ra ngồi bán hàng nhưng hiệu quả ít lắm, không được như bình thường.

Người dân biết nói thế nào, hứa đến tháng 10 rồi cuối năm thì dỡ rào nhưng bao nhiêu năm rồi có dỡ đâu, vẫn cứ chắn nhân dân như thế này. Mong là Nhà nước làm sao cố gắng càng sớm càng tốt để người dân ở khu vực này được cải thiện lên chứ ai để khổ mãi thế này.

Hoạt động kinh doanh, đi lại đều bị ảnh hưởng lớn bởi công trình chậm tiến độ

Ngoài ra, trong quá trình thi công, theo cô cần có thêm các biện pháp nhằm hạn chế tác động đến đời sống của người dân ra sao?

Người dân cũng biết đã làm là phải ồn ào nên cũng chấp nhận nhưng chỉ mong là làm sao thật nhanh gọn, mọi thứ được giải phóng, an toàn cho các hộ dân ở xung quanh. Nhà nước đầu tư, đốc thúc càng nhanh càng tốt để đời sống nhân dân ở đây đỡ vất vả.

Xin cảm ơn cô về cuộc trao đổi này!