Sống cạnh cây cầu 12 năm chậm tiến độ

Cầu L3 bắc qua sông Lừ, thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội được khởi công xây dựng từ hơn 12 năm trước, nhưng vẫn chưa biết đến khi nào về đích. Không chỉ nhiều hạng mục hoang hoá, rỉ sét mà cây cầu trở thành nơi tập kết rác và nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông.

Sống cùng chiếc cầu bị "đắp chiếu" cả chục năm nay, người dân ở đây nghĩ gì về hạng mục hạ tầng này và liệu họ có đề xuất gì không? Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện với chị Kim Anh - người dân sinh sống gần cây cầu này để hiểu thêm về điều này.

PV: Chị đã sinh sống ở gần cây cầu này bao lâu rồi?

Chị Kim Anh: Tôi và người dân ở đây đã sinh sống ở gần cây cầu này hơn chục năm nay rồi nhưng chưa được hoàn thiện.

PV: Hơn chục năm cũng là một khoảng thời gian không hề ngắn, vậy chị có biết lý do gì mà cầu L3 lại ngừng thi công trong thời gian dài như vậy?

Chị Kim Anh: Người dân chưa thỏa đáng trong việc giải tỏa mặt bằng, thành ra chưa làm xong cây cầu dẫn đến tắc đường và tai nạn rất nhiều.

Sống cùng chiếc cầu bị "đắp chiếu" cả chục năm nay, người dân ở đây nghĩ gì về hạng mục hạ tầng này?

PV: Như chị nói, mức độ tắc đường như thế nào?

Chị Kim Anh: Lượng người qua lại rất đông, nhất là vào buổi sáng giờ cao điểm hoặc chiều và tắc đường rất lâu từ 1 - 2 tiếng.

Ở đây còn có 1 điểm ở ngay đầu cầu sắt hầu như thường xuyên 1 tuần phải có vài ba người ngã xe. Xe ô tô qua lại sẽ che mất xe máy, đi thường đâm vào nhau rất nhiều.

PV: Tôi vừa chỉ đứng đây quan sát một lúc thôi cũng đã có thể thấy hàng dài xe đang chen chúc nhau di chuyển; nhưng với gia đình chị, cây cầu này còn gây ra bất tiện gì nữa không?

Chị Kim Anh: Cái quy hoạch ở đây có rất là lâu rồi, gần 20 năm rồi nhưng như nhà chị ở đây mang tiếng ở đô thị nhưng hạ tầng của mình rất lụp xụp và cũ từ lâu lắm rồi, cũng muốn được sửa sang nhưng không được chính quyền đồng ý nên mong chính quyền sẽ vào cuộc để dù không thể giải tỏa thì người dân vẫn có thể sửa sang nhà cửa để ở, phù hợp với hạ tầng đô thị.

PV: Ngoài việc không được sửa lại nhà cửa, xung quanh đây cũng đang tập kết nhiều rác thải. Trước đây có từng có tình trạng này không?

Chị Kim Anh: Ngày trước điểm tập kết rác thải ở ngoài cầu Định Công còn cầu xây hơn chục năm nay rồi vứt đấy thành ra nhiều người cứ mang đồ rác thải hoặc đồ người dân không dùng đến vứt ra đấy.

Mình ở gần thấy rất bẩn. Mình cũng mong là cây cầu sẽ được hoàn thiện để người dân có cuộc sống ổn định, sạch sẽ hơn bây giờ.

Cầu L3 bắc qua sông Lừ nằm trong tuyến đường vành đai 2,5 thuộc đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A.

Qua cuộc trò chuyện ngắn ngày hôm nay với chị Kim Anh, dù không sinh sống hằng ngày ở đây nhưng có lẽ tôi cũng như quý vị khán thính giả đã có thể hình dung được phần nào những khó khăn và bất tiện. Một cây cầu đắp chiếu sinh ra rất nhiều vấn đề.

Cây cầu sớm hoàn thiện - tôi nghĩ rằng đây không chỉ là mong muốn của riêng chị Kim Anh mà còn là của toàn bộ người dân đang sinh sống và di chuyển thường xuyên qua khu vực này.

Được biết, cầu L3 bắc qua sông Lừ nằm trong tuyến đường vành đai 2,5 thuộc đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A.

Đây là tuyến giao thông đường bộ phụ trợ tuyến đường vành đai 2 và đường vành đai 3 của Hà Nội và nằm hoàn toàn ở địa phận nội thành vì vậy nếu sớm hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị cho người dân tại đây nói riêng và cả Thủ đô nói chung.