Soái ca

Đối với những ai đam mê thể loại tiểu thuyết hay phim ngôn tình Trung Quốc thì chắc hẳn không còn lạ lẫm với từ “soái ca” nữa. Không chỉ được sử dụng trong các tiểu thuyết, phim ảnh mà hiện nay từ “soái ca” còn xuất hiện nhiều trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.

"Anh kia nhìn cứ như soái ca ấy cậu nhỉ…"

"Cứ bật phim ngôn tình Hàn quốc lên xem thì kiểu gì chả có soái ca !!!"

Đối với những ai đam mê thể loại tiểu thuyết hay phim ngôn tình Trung Quốc thì chắc hẳn không còn lạ lẫm với từ “soái ca” nữa.

Không chỉ được sử dụng trong các tiểu thuyết, phim ảnh mà hiện nay từ “soái ca” còn xuất hiện nhiều trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. 

Hình tượng "Soái ca" Hà Dĩ Thâm trong bộ phim Bên nhau trọn đời.

“Soái ca” là một thuật ngữ quen thuộc xuất phát từ truyện và phim ngôn tình Trung Quốc. Nội dung của các bộ truyện ngôn tình rất đa dạng, nhưng đều có điểm chung là sự xuất hiện của nam chính: Chàng “soái ca” đào hoa, phong nhã, gia cảnh giàu có, đem lòng yêu nữ chính bình thường, có khi nghèo khó. Cho đến nay, thể loại này vô cùng được yêu thích, thu hút lượng lớn độc giả, đặc biệt là phái nữ.

“Soái ca” vốn nguyên gốc là từ tiếng Trung được ghép bởi hai từ “Soái” và “Ca”. “Soái” bắt nguồn trong từ “Thống soái”, “Nguyên soái”, có nghĩa là người đàn ông đứng đầu một đội quân tinh nhuệ, sở hữu các kỹ năng và tầm nhìn chiến thuật, quân sự, khó ai sánh bằng. Từ “ca” dùng để chỉ người đàn ông hoặc anh trai.

Ghép hai từ này với nhau ta có thể hiểu, soái ca chỉ người đàn ông oai phong, lẫm liệt, bản lĩnh và tài giỏi. Các soái ca ngôn tình thường là người bản lĩnh, phong độ, giàu có, vẻ ngoài lạnh lùng nhưng bên trong lại ấm áp, chung thủy với duy nhất một cô gái. Họ là hình mẫu “người trong mộng” lý tưởng của mọi cô gái.

Phong độ, khí chất đầy mình như thế thì hẳn soái ca phải hiếm như lá mùa thu. Có điều từ nghệ thuật áp dụng vào đời thường, dường như cư dân mạng đang dùng từ "Soái ca" hơi dễ dãi khi tùy tiện phong tước này cho các anh chàng vốn chỉ có vẻ bề ngoài hào hoa phong nhã hoặc có chút tiếng tăm nào đó.

Vậy nên mới có "Soái ca" mặc quân phục, "Soái ca" mì gõ, “soái ca” mạng xã hội... Việc lạm dụng từ này một cách thái quá khiến nhiều người bắt đầu chuyển sang dùng với ý giễu cợt? Bản thân danh xưng "Soái ca" không có lỗi, gốc gác từ loại này cực kỳ nghiêm túc, quan trọng là cách sử dụng sao cho đúng mà thôi.

Chàng trai nào mà chẳng muốn mình trở thành soái ca trong mắt các cô gái. Tuy nhiên các bạn cũng cần phân biệt rõ ràng tiểu thuyết, điện ảnh với đời sống với nhau. Hãy tạo cho mình một hình ảnh soái ca theo chất riêng và đúng với đời sống thật của mình thay vì sao y bản chính, bắt chước giống y như trong phim ảnh, tiểu thuyết.