“Shop 0 đồng” đồng hành cùng học sinh nghèo đến lớp

Thấu hiểu được sự khó khăn của các em học sinh nghèo vùng sâu, cô Lê Thị Anh Đào giáo viên trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã thành lập “shop 0 đồng” nhằm tạo thêm điều kiện và sự tự tin để đồng hành cùng các em trên hành trình tìm con chữ.

 

“Shop 0 đồng” ra đời nhằm tạo thêm điều kiện và sự tự tin để đồng hành cùng các em trên hành trình tìm con chữ.

Xin chào cô Lê Thị Anh Đào! Cơ duyên nào đã thôi thúc cô Đào thành lập “Shop 0 đồng”?

Thành lập “shop 0 đồng” này xuất phát từ việc bản thân tôi nhận thấy huyện Vĩnh Thuận là một huyện vùng sâu, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm đầu năm học mới thì gánh nặng chi phí học tập của người dân rất cao, vì thế đã thôi thúc tôi thành lập “shop 0 đồng” với thông điệp “ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”.         

Cô có thể giới thiệu đôi chút về “Shop 0 đồng”?

Ví dụ mình dư đồ dùng gì mà gia đình con cháu không sử dụng thì có thể đem đến để tặng cho shop và mình sẽ nhận lại đồ dụng khác về cho con cháu mình, để giảm bớt gánh nặng chi phí học tập, đặc biệt đối với những hộ gia đình còn nhiều khó khăn.

Nguồn tài trợ chủ yếu được vận động từ các bậc phụ huynh, bạn bè của tôi và các em cựu học sinh đã ra trường. Đối với các em đã ra trường thì sẽ quyên góp tặng bằng cách ủng hộ tập, sách vở, viết... “Shop 0 đồng”.

Đến thời điểm này, chúng tôi không nhận tiền vì rất nhạy cảm, vì thế shop có mục tiêu là nhận được thứ gì thì sẽ đại diện, thay mặt cho những người trao tặng để chuyển đến các em có nhu cầu cần, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn.

“Shop 0 đồng” mở cửa đón các em học sinh đến vào thời điểm như thế nào?

Mỗi năm cứ đến mùa hè thì “shop 0 đồng” sẽ diễn ra trong 2 tuần từ ngày 15/7 đến ngày 30/7. Lý do là 2 tuần này có các bạn tình nguyện viên giúp đỡ trao quà xuyên suốt sáng chiều trong 2 tuần. Mỗi suất quà có giá trị từ 150.000 - 300.000 ngàn đồng, tuỳ theo nhu cầu của từng em.

Tuy nhiên, ngoài khoảng thời gian này, em nào có nhu cầu cần đến nhận thì tôi vẫn sẵn sàng gửi đến các em.

Mỗi năm cứ đến mùa hè thì “shop 0 đồng” sẽ diễn ra trong 2 tuần từ ngày 15/7 đến ngày 30/7.

Cô Đào làm thế nào để các em học sinh biết để tìm đến “shop 0 đồng”?

Trước khi “shop 0 đồng” hoạt động, tôi sẽ làm một thư ngỏ đăng lên các trang mạng xã hội để nhờ sự chia sẻ rộng rãi từ cộng đồng. Từ đó được mọi người biết đến để ủng hộ, sau đó sẽ thông báo khoảng thời gian diễn ra hoạt động để các em học sinh đến nhận.

Ngoài ra, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí trưởng khu phố khi đã gửi thông tin đến từng hộ gia đình có con, em đang đi học nhưng hoàn cảnh còn khó khăn đến để nhận.

Từ khi thành lập “shop 0 đồng” cho đến nay cô Đào nhận được sự ủng hộ của gia đình và xã hội ra sao?

Rất may mắn từ khi khởi xướng cho đến lúc thành lập “shop 0 đồng” qua 6 mùa hoạt động luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền địa phương, sự chung tay của phụ huynh học sinh, mạnh thường quân. Và đặc biệt là các cựu học sinh đã từng được tôi giảng dạy thì bây giờ các em thành đạt quay lại ủng hộ cô giáo bằng cách gửi những cuốn tập, quyển sách đến các em nhỏ với tinh thần “tương thân tương ái”.

Điều gì làm cô Đào nhớ và ấn tượng nhất từ khi “shop 0 đồng” mở cửa cho đến nay?

Qua 6 mùa hoạt động để lại rất nhiều ấn tượng đáng nhớ và những kỷ niệm rất khó quên. Nhớ nhất đó là có một em học sinh gia đình rất khó khăn cha mẹ đi làm thuê ở xa, em phải ở với bà thì khi em nhận được phần quà của “Shop 0 đồng” thì em rất xúc động và em ấy nói rằng “con cố gắng học giỏi để sau này nối tiếp shop 0 đồng của cô, để giúp đỡ cho mảnh đời khó khăn khác giống như cô giúp con bây giờ”.

Qua câu nói ngây thơ của trẻ con, niềm đam mê, niềm hạnh phúc của các em trở thành niềm hạnh phúc của bản thân tôi.

Năm nay so với những năm trước thì “shop 0 đồng” đã có những thay đổi gì mới để hoạt động tốt hơn?

Mùa thứ 6 của “shop 0 đồng” có điểm mới hơn đó là một số mạnh thường quân đã gửi tặng xe đạp và đã trao đến các em có điều kiện rất khó khăn trong việc đến trường như nhà xa, lội bộ đến trường. Sau khi nhận những phần quà ấy,các em cảm thấy rất hạnh phúc, sung sướng và nói rằng “đây là món quà quý nhất từ trước đến nay”.

Thời gian tới, cô Đào có dự định gì mới về "shop 0 đồng"?

Dự kiến “shop 0 đồng” sẽ mở một tài khoản riêng để tiếp nhận nguồn tài trợ và từ nguồn tài trợ đó sẽ thực hiện các hoạt động của shop, còn nếu tiền dư ra thì sẽ mua các phần bảo hiểm để giúp các em học sinh khó khăn

Cảm ơn cô Đào vì đã chia sẻ!

Dù khó khăn là thế nhưng khi thấy nụ cười của các em, cô Đào lại có thêm động lực để tiếp tục duy trì và ngày một đổi mới để hoạt động ý nghĩa này được diễn ra tốt hơn.

Cũng từng có hoàn cảnh rất khó khăn, tuổi thơ của cô Lê Thị Anh Đào là những tháng ngày vất vả trên con đường mưu sinh và hành trình đi tìm con chữ. Vì thế, bản thân cô Đào rất thấu hiểu và đồng cảm với những gian nan của các em học sinh vùng sâu, có hoàn cảnh đặc biệt.

Hơn 20 năm trước, kể từ khi ra trường và về huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang giảng dạy, cô Đào nhận thấy địa phương và các huyện lân cận có nhiều học sinh nghèo, thiếu thốn quần áo và dụng cụ học tập mỗi khi đến lớp. Từ đó, cô Đào nhen nhóm ý tưởng mở “shop 0 đồng” để chia sẻ những khó khăn cùng các em, tạo thêm động lực giúp các em tiếp tục đi học. Qua sự ủng hộ của mọi người xung quanh, năm 2018 “shop 0 đồng” được thành lập với thông điệp “ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”.

Ban đầu shop mở ra với quy mô nhỏ chỉ đủ sức giúp đỡ những em học sinh trong lớp mà cô Đào dạy. Qua từng năm, “shop 0 đồng” đã lan toả điều tốt đẹp, sự tích cực đến cộng đồng và ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều người khắp mọi nơi. Người thì gửi tập, sách, quần áo; người thì dành thời gian đến phụ giúp và cứ thế hoạt động ý nghĩa này được duy trì cho đến nay.

Cô giáo Lê Thị Anh Đào cho biết, bên cạnh những thuận lợi là không ít khó khăn trong 6 năm qua. Bởi “shop 0 đồng” hiện không có nguồn tài trợ cố định nên mỗi năm cần phải chủ động kêu gọi sự chung tay từ các mạnh thường quân và cũng vì thế mà số lượng đồ dùng học tập mà shop nhận được sẽ không đồng đều, có năm nhiều, năm ít dẫn đến việc thiếu hụt khi nhiều em đến nhận quà.

Dù khó khăn là thế nhưng khi thấy nụ cười của các em, cô Đào lại có thêm động lực để tiếp tục duy trì và ngày một đổi mới để hoạt động ý nghĩa này được diễn ra tốt hơn: “Khi mà nhìn thấy những em có hoàn cảnh khó khăn đam mê trong học tập mà được “shop 0 đồng” tiếp sức như thế thì chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ dừng hoạt động này lại. Cứ thế tiếp tục duy trì hoạt động theo khả năng có thể và hy vọng có nhiều người biết đến “shop 0 đồng” và cùng chung tay giúp đỡ shop để hoạt động ngày càng phát triển.”

Qua sự ủng hộ của mọi người xung quanh, năm 2018 “shop 0 đồng” được thành lập với thông điệp “ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”.

Nhiều năm qua, “shop 0 đồng” của cô Lê Thị Anh Đào không chỉ gửi tặng những phần quà đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà còn truyền cảm hứng, tạo thêm động lực, sự tự tin để các em dám mơ ước và bước tiếp trên hành trình xây dựng kiến thức cho tương lai.

Em Huỳnh Thị Mỹ Tiên, học sinh trường THPT Vĩnh Thuận là một ví dụ. Xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có lúc Tiên từng nghĩ sẽ dừng việc học để phụ giúp gia đình nhưng nhờ có sự động viên và đồng hành của cô chủ “shop 0 đồng” mà Tiên đã vững vàng để tiếp tục con đường đèn sách. Với những việc làm tốt bụng, vì thế mà “shop 0 đồng” và cô Đào được nhiều người biết đến, yêu mến, quý trọng.

"Cô Đào tốt bụng lắm, làm từ thiện nhiều lắm, đem đồ dụng học tập tặng cho mấy cháu học sinh khó khăn.”

“Cô rất thương yêu học sinh, con rất biết ơn cô. Con sẽ cố gắng học giỏi để sau này có việc làm ổn định và có tiền để giúp đỡ lại những người khó khăn giống như cô Đào đã giúp đỡ mọi người.”

Với mục tiêu hướng đến những điều tốt đẹp cho xã hội, nhiều năm liền “shop 0 đồng” và cô Lê Thị Anh Đào nhận được sự quan tâm ủng hộ từ phía chính quyền địa phương.

Ông Phạm Thanh Hùng – Bí thư khu phố Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận cho rằng, việc làm của cô Đào rất thiết thực, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm lo cho thế hệ mai sau, góp phần xây dựng và phát triển huyện Vĩnh Thuận nói riêng và tương lai đất nước nói chung. Vì thế để tiếp tục duy trì hoạt động này trong thời gian tới, lực lượng khu phố địa phương sẽ luôn đồng hành cùng những việc làm ý nghĩa của cô Đào.

“Thời gian tới, nếu cô Đào cần sự giúp đỡ thì địa phương, khu phố sẽ hết mình hỗ trợ để làm những việc giúp các em có hoàn cảnh khó khăn cắp sách đến trường.”

Đâu đó còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn khiến việc đến trường của thế hệ tương lai gian nan, vất vả. Vì thế rất cần sự quan tâm của cộng đồng trong việc giúp đỡ, đồng hành cùng các em trên con đường chạm đến những mơ ước. Qua đó khơi dậy và tiếp tục duy trì tinh thần “tương thân tương ái”, truyền thống “lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời xưa của dân tộc ta.