Sen Bách Diệp ở hồ Đầm Đông

Sen bách diệp là thứ đặc sản dịu ngọt, tinh tế không nơi nào có được như ở Tây Hồ, Hà Nội. Loài hoa cổ này đã cùng con người và vùng đất trải qua bao thăng trầm, đổi thay với thời gian.

Từ khi bách diệp còn nở rực rỡ khắp các đầm, hồ đến khi dần mai một, ít thấy hơn vào mỗi hè sang, giờ đây trở lại trong một dự án khôi phục giống sen quý để xây dựng mô hình sản xuất sen gắn với phát triển du lịch.

Hàng nghìn mầm sen bách diệp được trồng trở lại ở hồ Đầm Đông mang tới bao cảm xúc cho mỗi bộ hành qua phố.

Nghệ sĩ kịch Tống Đức Bình đã về hưu hơn chục năm nay. Như một vòng lặp không đổi, mỗi ngày ông đạp xe từ nhà trên phố Tràng Tiền ra Hồ Tây thể dục và dành thời gian một mình bên những hồ sen, đợi hè tới.

Khi càng có tuổi, ông Bình càng muốn ngồi lại lâu hơn ở nơi này, ngắm trọn vẹn một mùa sen đến rồi đi, bởi loài hoa ấy như chứa đựng quy luật của thời gian.

Và giống bao người Hà Nội, ông Bình cũng có thú chơi hoa theo mùa khi mua sen để vừa ướp trà, vừa cắm trong nhà bởi mùi thơm dễ chịu, tươi mát không quá nồng nàn của loài hoa cổ: "Ngày nào cũng đi, rất thích Hồ Tây".

Chú có biết về đề án khôi phục sen bách diệp ở Hồ Tây không?

Thấy người ta cũng bảo thế. Chỗ kia, đầu đằng kia nở rất đẹp. Sen bách diệp là loài sen cổ ở Hồ Tây. Thời ông bà chú cũng trồng giống sen này để lấy hương làm chè.

Ngày xưa, Hồ Tây rất nhiều sen, rồi dần ít hơn. Dự án này chú rất thích và ủng hộ. Sen ở Hồ Tây không những để phục vụ những người yêu cái đẹp, mà còn giới thiệu văn hóa người Việt qua sen qua đặc sản.

Dọc theo tuyến đường Quảng Bá cạnh hồ Đầm Đông, mỗi buổi chiều gió mát, người dân lại nán lại, dừng chân ngắm cảnh khi có hồ sen trước mặt

Giống như lời ông Bình kể, sen bách diệp từng rực rỡ khắp Hồ Tây và các đầm, hồ xung quanh bởi mọc tự nhiên và được người dân ưa chuộng khi phục vụ nhu cầu ướp chè, nấu rượu, trang trí, gói cốm, dệt vải...

Theo thời gian, sen ít dần chỉ còn trồng ở những hồ nhỏ, rồi giống bách diệp cũng dần mai một. Người ta thấy vắng sen ở vùng đất này, giống như thiếu vắng điều thân thuộc.

Dọc theo tuyến đường Quảng Bá cạnh hồ Đầm Đông, mỗi buổi chiều gió mát, người dân lại nán lại, dừng chân ngắm cảnh. Những người quen thuộc với khúc quanh này của Hồ Tây đều nhận ra sự đổi thay của hồ Đầm Đông những ngày này.

Sen bách diệp được trồng lại trong hồ, có những bông còn e ấp nụ xanh, có đóa chúm chím hay bung nở rực rỡ: 

"Ngày xưa nó vẫn là hồ sen, họ phá đi và giờ họ lại trồng sen. Sen mới trồng đấy vừa cải tạo trồng lại vào tháng giêng, hai vừa rồi. Giữ được nét cổ phục vụ cho những người hoài cổ, những người hiểu. Không giữ được rồi nó sẽ mai một".

"Em vô tình đi qua thấy có chỗ ngồi nên chọn chỗ này nghỉ chân vì địa điểm này hướng thẳng ra hồ sen vừa mát vừa ngắm sen được".

"Lần trước tụi em đến sen ít, với cây hoa héo. Lần này quay trở lại thì nó tươi hơn và sắp ra hoa rồi".

Giữa nhộn nhịp của đô thị đông đúc, vẫn có những mùa hoa thắm khiến lòng người như mềm lại

Hình ảnh bung nở của đầm sen vào mùa, với sóng nước Hồ Tây dệt nên ký ức khó phai trong mỗi người. Đó là sự thú vị của đất Hà Nội, của người Hà Nội khi vừa có sự vội vã, vừa thư thả khi tới đây để ngắm cảnh, chụp ảnh, thả chậm bước chân hoặc ngồi lại cùng nhau bên mùa rực rỡ nhất. Giữa nhộn nhịp của đô thị đông đúc, vẫn có những mùa hoa thắm khiến lòng người như mềm lại.

Càng đặc biệt hơn, khi sen bách diệp trở lại với sắc hồng thắm, hương nồng nàn. Dù là bất kỳ ai thấy gắn bó với loài hoa này như tìm lại được sợi dây kết nối với quá khứ.

Khi mà giá trị tinh thần cha ông gửi gắm trong lời hát, bài thơ, trong lời răn được trao truyền, và thêm hy vọng tiếp biến, phát triển theo phương thức mới của những nghề xưa như ủ trà, trang trí, làm thực phẩm… Vẻ đẹp của vùng đất, con người cũng được giới thiệu tinh tế qua một loài sen đặc sản.

Một góc trồng khôi phục sen bách diệp ở hồ Đầm Đông

Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, về sen Hồ Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Trước đây ven hồ nhiều sen, về mùa hạ sen mọc kín, lá xanh rờn, hoa đỏ bát ngát gió đưa hơi mát đượm hương thơm lừng”.

Khi những hồ sen mùa hạ ở Tây Hồ vẫn đượm hương như trong ký ức, người ta có thể tin tưởng về nâng niu, gìn giữ thứ đặc sản mang nhiều ý nghĩa văn hóa, với không chỉ riêng vùng đất này.