Sạp báo góc phố

Bỗng một ngày, chạy qua phố Hàng Vôi không thấy sạp báo quen thuộc đâu nữa. Hỏi han khắp nơi, thì ra giờ ít người đọc báo giấy quá, chẳng bán nổi nên vợ chồng anh chị chủ dẹp tiệm, tìm kế sinh nhai khác.

Những năm đầu 2000, khi mà Việt Nam gần như vẫn chưa có báo điện tử, nhưng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy vi tính, máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số đã bắt đầu xuất hiện và phổ biến thì công việc của người làm báo đã dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Thế nên, đây có thể nói là giai đoạn báo giấy rất phát triển. Rất nhiều tờ báo mới ra đời, cho bạn đọc thêm nhiều lựa chọn hơn.

Những sạp bán báo trên phố lúc nào cũng ngồn ngộn các đầu báo. Sáng, chỉ cần ra hàng báo muộn một chút là không còn báo mà mua.

Những năm đầu 2000, nhiều người vẫn có thói quen đọc báo giấy

Những tờ báo luôn cháy hàng khi ấy như Thanh niên, Tuổi trẻ, An ninh thế giới, Công an nhân dân, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tiền phong, Thể thao-Văn hoá, Văn nghệ… đều hết trước tiên.

Sáng sớm, lóc cóc đạp xe ra khỏi nhà, qua sạp báo trên phố Hàng Vôi luôn phải đứng xếp hàng chờ tới lượt. Hai vợ chồng anh chị bán báo đã quen mặt, biết thói quen của tôi nên đến lượt là chẳng cần hỏi.

Chỉ chờ tôi thò mặt vào là chị vợ đã sắp sẵn mấy đầu báo gọn gàng dúi vào tay. Trả tiền xong là nhấn pê đan chạy thẳng ra quán cà phê Lâm trên phố Nguyễn Hữu Huân gần đấy, ngồi tranh thủ đọc báo, uống cốc cà phê rồi đến toà soạn.

Quán cà phê Lâm

Dạo ấy, làm gì có internet không dây, cũng chẳng có điện thoại thông nh, máy tính bảng như bây giờ để anh nào anh nấy ra quán cà phê là cắm mặt vào điện thoại. Dân nghiện cà phê ra quán bao giờ trên tay cũng là tờ báo giấy, ngồi giở ra đọc hết từ đầu đến cuối, rồi quay sang bàn chuyện rôm rả.

Ngồi lâu ở một quán, tự nhiên thành bạn, dù thậm chí còn chẳng biết tên nhau. Chỉ quen mặt. Quen chỗ ngồi.

Có những người, đến quán uống cà phê như đi làm chấm công, rất đúng giờ, và chỉ ngồi đúng một chỗ đó. Giống như những bức tranh sưu tầm của ông “Lâm toét” được treo cố định năm này qua năm khác trên tường quán vậy.

Báo hằng ngày, tôi hay mua của vợ chồng anh chị bán báo trên phố Hàng Vôi. Và thỉnh thoảng mua của một cậu bé bị liệt hai chân ngồi trên chiếc xe lăn chạy loanh quanh trên phố Báo Khánh.

Còn báo Tết, năm nào qua ông Công, ông Táo là lại mò ra phố Hàng Trống, một dãy sạp báo ngay trước cổng báo Nhân Dân. Mà báo Tết cũng nhanh hết, chỉ ra muộn một hôm là vãn.

Bỗng một ngày, chạy qua phố Hàng Vôi không thấy sạp báo quen thuộc đâu nữa. Hỏi han khắp nơi, thì ra giờ ít người đọc báo giấy quá, chẳng bán nổi nên vợ chồng anh chị chủ dẹp tiệm, tìm kế sinh nhai khác.

Bây giờ, ai cũng có điện thoại thông nh. Báo điện tử thì phát triển, cập nhật tin tức theo giờ, theo phút. Cả thế giới nằm sẵn trong chiếc điện thoại bằng bàn tay, chỉ cần bật lên là biết hết thông tin trên giời dưới biển.

Quãng gần một năm sau, thói quen đạp xe qua phố Hàng Vôi đã không còn, tình cờ đi ngang lại thấy chị chủ sạp báo khi xưa dựng quầy bán báo. Nhưng lần này chỉ là một chiếc ghế và một chiếc bàn nhỏ xíu. Bên trên lơ thơ vài đầu báo thể thao, mấy cuốn tạp chí. Cũng chẳng mấy người dừng lại mua. Có lẽ, vì cái nghề bán báo gắn với anh chị cả đời nên khó bỏ. Nhưng chắc cũng chẳng thu nhập được là bao. Vì giờ, mấy ai còn thói quen đọc báo giấy?

Bây giờ, kể cả người già cũng ít đọc báo giấy

Cậu bé bán báo trên xe lăn ở phố Báo Khánh bây giờ đã là thanh niên rồi, vẫn ngồi trên xe lăn chạy xe dọc phố, mà trên xe đã không còn những tờ báo quen thuộc, thay vào đó là những món hàng lưu niệm, ít kẹo cao su, tăm bông…

Tết vừa rồi chạy qua phố Hàng Trống tìm hàng quen mua báo Tết chợt hẫng người vì không còn một sạp báo nào ở đây nữa. Hỏi mãi mới tìm được anh chủ hàng quen, giờ đã chuyển xuống mãi tít cuối phố ngồi. Gian hàng cũng thu hẹp, và đầu báo cũng ít hơn xưa nhiều.

Đi qua quán cà phê quen, thấy ai cũng cúi gằm mặt chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại trên lòng bàn tay. Tiệt không có một tờ báo giấy…