Rươi cuối mùa

Với người Hà Nội, rươi là món ăn được mong chờ giống như một thứ gì đó thuộc về văn hoá ẩm thực. Cứ mỗi dịp cuối tháng 9, đầu tháng 10 là người Hà Nội lại ngóng hàng rươi. Rươi được mang về chủ yếu từ Hải Dương, có khi cũng có ở Thái Bình, Hải Phòng… Bày bán khắp các chợ trên phố.

Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm. Câu nói này tôi nhớ nằm lòng từ khi còn bé tí, đó là cách để người ta nhớ đến mùa rươi mà chuẩn bị ra chợ mua về thưởng thức.

Nhưng có vẻ như bây giờ không còn đúng nữa thì phải. Mùa rươi tươi kéo dài từ mãi đầu tháng 9, đến tận bây giờ, gần giữa tháng 11 âm lịch mà vẫn còn. Mà rươi cũng không còn hiếm như ngày xưa nữa.

Bây giờ “công nghệ” đánh bắt rươi đã khác xa so với ngày tôi còn bé, khiến cho việc mua hàng cân rươi tươi về ăn mỗi lần ra chợ đã quá dễ dàng.  Chưa kể bây giờ, người ta còn cấp đông con rươi, nên chả rươi được bán quanh năm, muốn ăn lúc nào cũng có.

Đến mùa rươi tháng 9, tháng 10, tràn sang hẳn giữa tháng 11 như bây giờ, đi khắp các chợ Hàng Bè, Đồng Xuân, Chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Bưởi… là thấy người ta bày bán rươi. Những mẻ rươi tươi rói, để trong chậu hay thùng xốp, rươi vẫn còn bơi lội, ngọ nguậy. Chưa kể các chợ cóc khắp phố cũng bày bán đầy rẫy.

Cô gái nào mà yếu bóng vía, chồng sai đi chợ mua rươi về làm chắc cũng chẳng dám lại gần mà hỏi mua. Vậy thì thôi mua sẵn. Những người bán rươi tươi cho ai cầu kỳ mang về nhà làm theo ý, còn ai không muốn làm thì họ cũng chế biến sẵn cho mang về chỉ việc bày lên đĩa cho chồng con thưởng thức.

Người Hà Nội ăn rươi, tôi có cảm giác nó giống như một nghi lễ với họ vậy. Mặc dù rươi được mang từ nơi khác về, nhưng người ta có vẻ như cứ mặc nhiên với suy nghĩ món ngon đó là thuộc về dân Hà thành. Tất nhiên, không phải ai cũng dám ăn cái con vật nếu nhìn khi còn sống thì thực sự là gớm ghiếc ấy…

Ngày tôi còn bé, mỗi lần đến mùa rươi, là thấy bà ngoại tôi đã rục rịch chuẩn bị nguyên liệu từ mấy hôm trước, cái gì có thể thiếu chứ nhất thiết là phải có mấy ếng vỏ quýt, chục trứng gà tươi, một chai nước mắm cốt không biết bà cất giữ từ lúc nào. Bởi bình thường, bữa cơm toàn là pha muối với nước ra để chấm thay nước mắm.

Ông bà ngoại tôi quê gốc Hải Dương, dù đã ra Hà Nội sinh sống và làm việc từ ngày mới đôi mươi, nhưng lúc nào cũng nhớ mấy món ăn quê nhà, nhất là món rươi Tứ Kỳ. Nên hễ cứ mùa rươi là phải kiếm bằng được. Có lẽ bà đã thuộc lòng lịch của mấy người bán hàng ngoài chợ, hoặc đã hẹn từ trước.

Sáng ấy, bà dậy rõ sớm ra chợ Thành Công mua rươi. Chợ Thành Công ngày xưa chỉ giống như mấy cái chợ cóc bây giờ. Toàn người ở các tỉnh mang hàng về bán, rất giống một cái chợ quê.

Mua được là bà về thẳng nhà, không mua bán thêm thứ khác. Để chế biến ngay lúc rươi hãy còn tươi. Mà cũng chỉ mua được 1-2 lạng. Rất lạ là chưa bao giờ tôi được nhìn thấy lũ rươi còn sống, dù hết năm này sang năm khác, bà làm món ăn ấy cho ông tôi ăn. Nên ký ức ngày bé của tôi về con rươi là những ếng chả tròn tròn vàng ruộm, thơm lừng.

Ngày ấy, dù là thằng cháu được ông quý nhất nhà, lại ở cùng ông bà. Nhưng đến bữa đừng hòng mà tôi được ngồi ăn ếng rươi cùng ông. Khi bà làm xong mang ra mâm là chỉ có ông ngồi ăn thôi. Rất trịnh trọng, ông ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu trải giữa nhà, nhẹ nhàng gắp ếng chả rươi chấm vào bát nước mắm cốt bà tôi pha để giữa mâm, bên cạnh đĩa chả rươi.

Ông nhấm nháp rất chậm rãi, như để thẩm hết tất cả cái vị ngon, ngọt của con rươi đầu mùa ấy.

Khi ông ăn xong, hai bà cháu mới được ăn. Mà thực ra, ông tôi cũng chẳng ăn nhiều, chỉ một hai ếng, rồi thôi. Có lẽ cũng là muốn nhường cái phần thơm thảo ấy cho hai bà cháu. Nhưng vì cái nếp sinh hoạt là thế, nên phải giữ. Thế là, trong lúc ông nằm trên giường, xoa bụng ngâm nga mấy câu ca trù, thì thằng cháu ngồi dưới ngấu nghiến món rươi thơm lừng.

Bây giờ, ra quán bia hơi góc phố nào cũng có món chả rươi, bất kể thời gian nào trong năm. Mà cái hương vị không còn được như xưa nữa…

Các anh uống bia hơi chỉ cần có cái gì đó cho vào ệng là xong. Mấy anh mà thưởng thức và biết hết được cái sự tinh tuý trong món ăn lạ lùng đó?