Ra đảo - về bờ

“Ra đảo”, “về bờ” có lẽ là một trong những cụm từ phổ biến nhất trong năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế có quá nhiều biến động, nhất là thị trường chứng khoán và bất động sản. Nhưng tại sao 2 cụm từ có vẻ rất mang ý nghĩa về giao thông này lại được dùng cho ngôn ngữ đời thường?

 "Tình hình cổ chứng thế nào rồi? Ra đảo hay kịp về bờ?"

"Anh em bất động sản năm nay nói chung ra đảo hết rồi!"

“Ra đảo”, “về bờ” có lẽ là một trong những cụm từ phổ biến nhất trong năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế có quá nhiều biến động, nhất là thị trường chứng khoán và bất động sản.

Nhưng tại sao 2 cụm từ có vẻ rất mang ý nghĩa về giao thông này lại được dùng cho ngôn ngữ đời thường? 

Ảnh nh họa

Ra đảo – về bờ là một hoạt động giao thông, thường dùng trong đường thuỷ. Thời kỳ trước, việc ra đảo là hết sức khó khăn. Rất nhiều trường hợp đi ra đảo là do bị lưu đày hay do hoàn cảnh cuộc sống nên đi ra đảo khai hoang, tìm phương hướng mới cho cuộc đời. Việc ra đảo đã khó, việc vào bờ lại càng khó hơn.

Bởi vì, ở ngoài đảo, điều kiện kinh tế không như trong đất liền, kiếm được tiền đủ để “về bờ” là điều rất vất vả. Không biết từ bao giờ, các cụm từ “ra đảo” – “về bờ” được sử dụng trong cuộc sống đời thường mà lại không bao hàm ý nghĩa giao thông này. Nhưng có lẽ, là bắt đầu từ khi cá độ lô đề trở nên phổ biến và trở thành tệ nạn, thì dân gian bắt đầu sử dụng các cụm từ này để chỉ tình trạng “ra đảo” của các con bạc.

Trước đó, có câu “đánh đề ra đê mà ở”, nhưng “ra đảo” có lẽ là cấp độ còn cao hơn cả “ra đê”, vì rất khó có đường về. Cho đến một ngày, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu sôi động, với những cơn sóng, cơn bão trồi lên sụt xuống.

Có những lúc, chỉ sau 1 vài phiên, nhà đầu tư bỗng dưng trở nên giàu có, x5, x10 tài khoản. Nhưng cũng có những lúc, cũng chỉ sau 1 vài phiên, nhà đầu tư bỗng chốc thua lỗ rất nhiều tiền, thậm chí là “cháy tài khoản”.

Ra đảo – về bờ thường được dùng ở trạng thái khi nhà đầu tư bắt đầu mất tiền, thậm chí rất nhiều tiền, rồi có thể thắng lại, có lại tiền. Lúc thua lỗ, thì gọi là ra đảo. Lúc thắng lại, thì gọi là về bờ. Khi nào về đến bờ tức là lúc hoàn vốn.

Có những cơn sóng mà chuyện ra đảo – về bờ này diễn ra trong vòng vài ngày. Nhưng cũng có những cơn sóng mà chu kỳ ra đảo – về bờ diễn ra trong vài tháng, thậm chí là vài năm. Năm 2022 hiện nay đang được coi là một trong những chu kỳ “ra đảo” nặng nề nhất, lâu nhất với rất nhiều nhà đầu tư, khi mà chỉ số VNIndex lao dốc từ hơn 1.200 điểm xuống có lúc chỉ còn hơn 900 điểm. Rất nhiều nhà đầu tư đã lỗ nặng, thậm chí cháy tài khoản. Ngày về bờ có vẻ còn rất xa xôi.

Ngoài thị trường chứng khoán thì cụm từ ra đảo – về bờ cũng được dùng trong các thị trường khác, nhưng ít phổ biến hơn. Ví dụ như thị trường bất động sản, ngoại hối, hay vàng. Thậm chí, trong mùa world cup, tình trạng ra đảo – về bờ cũng được dùng trong các ván cá cược bóng đá. Cá độ bóng đá cũng không khác gì đánh bạc, khi nhiều người ăn thua đủ với những ván được rất lớn.

Thế rồi, ra đảo, rồi lại “gấp thếp”, ván cược sau đánh to hơn ván trước, để mong lại “về bờ”, gỡ lại vốn. Thế nhưng, cuộc đời chả như là mơ, đã dây vào cờ bạc, ngày ra đảo thì có chứ ngày về bờ e là khó!