Quy tắc ứng xử mới có khiến tài xế buýt hạn chế phóng nhanh, vượt ẩu, chén ép phương tiện khác?

Do đặc thù đường sá ở các đô thị vẫn là giao thông hỗn hợp, phần lớn xe buýt phải chia sẻ diện tích mặt đường với các phương tiện khác. Những xung đột nảy sinh là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không vì đó mà có thể thông cảm cho một bộ phận tài xế chạy xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu...

Trong bối cảnh đó, bộ quy tắc ứng xử trên xe buýt vừa được thành phố Hà Nội thông qua, được kỳ vọng sẽ điều chỉnh hành vi của lái xe buýt, đồng thời hạn chế điều tiếng của loại hình vận tải khối lượng lớn này. VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với người đi đường và tài xế xe buýt về nội dung này:

PV: Tôi đang ở khu vực trước cổng bệnh viện Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nơi tập trung khá nhiều tuyến xe buýt chạy qua. Bên cạnh tôi là anh Lưu Thế Dân, sinh sống trên phố Thanh Nhàn. Chào anh, anh thấy xe buýt tại khu vực này chạy như thế nào?

NV: Em thấy chưa ăn thua đâu anh ạ.

PV: Chưa ăn thua ở điểm nào?

NV: Kiểu cũng tùy từng tài xế. Có người lái điềm đạm, có người chạy ẩu. Có một số tài xế tới điểm dừng thì đi chậm, xi nhan ép dần vào. Nhưng nhiều tài xế phi tít gần đến nơi mới phanh sụt cái rồi ép luôn vào.

Ảnh nh họa

PV: Tức là họ dừng xe, táp vào lề khá đột ngột?

NV: Vâng, không phải 100% tài xế như thế. Nếu chạy theo lương tháng thì cũng không cần phải chạy đến mức ghê gớm như vậy.

PV: Cảm ơn anh. Có lẽ, tôi sẽ hỏi thêm một bác lái xe ôm tại khu vực này. Chào bác ạ, trên đường, bác có thường đi cùng với làn xe buýt không?

NV: Tôi nói thật, tôi ngán đi gần xe buýt. Nếu nó đi vượt lên thì tôi phải lùi lại né ra đằng ngoài. Vì xe vào rất đột ngột. Cũng nhiều người phản ánh, nhiều lúc người ta chưa lên kịp hay xuống xe thì đã đi rồi. Chính tôi đã đỡ mấy người. Toàn đàn bà tuổi về hưu rồi đấy. Có một bà ở Chùa Hà ngã gãy tay đấy.

PV: Ở ngay cổng viện này ạ?

NV: Cổng viện luôn. Vừa xuống xe để vào viện, mới bước 1 chân xuống thì ô tô đã chạy rồi, ngã xuống cái là bó bột tay.

PV: Có vẻ như bác có ấn tượng không tích cực lắm về xe buýt. Thực ra cũng phải chia sẻ với xe buýt, đường giao thông hiện khá hỗn loạn, xe thô sơ, xe máy đi lẫn với xe buýt. Cháu xin chia sẻ một thông tin với bác, Hà Nội vừa thông qua bộ quy tắc ứng xử trên xe buýt, trong đó nghiêm cấm tài xế buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, chèn ép các phương tiện khác…

NV: Đấy, cái đấy thì được, tôi đồng ý. Không được lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu. Nhiều lúc xe buýt họ cậy tay nghề cao, nên họ chủ quan, bằng cứng rồi, họ lái chuẩn đấy, chỉ là ẩu thôi, chứ không phải không biết lái đâu.

PV: Dạ, cảm ơn bác.

Ảnh nh họa

Ở chiều ngược lại, tài xế xe buýt sẽ nói gì về vấn đề này? PV đã có mặt tại bến xe buýt thuộc khu vực nhà ga Cát Linh-Hà Đông.

PV: Ngồi cạnh tôi lúc này là anh Võ Sĩ Việt, tài xế xe tuyến 143, Công ty buýt Bảo Yến. Anh Việt có thể cho biết, việc đi lại trên đường của anh có gặp khó khăn nào về các dòng phương tiện?

Anh Võ Sĩ Việt: Áp lực thì là áp lực chung. Đường sá còn hẹp và đông. Anh em chúng tôi phải cố gắng khắc phục thôi chứ biết làm thế nào được.

PV: Hiện nay, một số người, cả đi bộ, xe máy, ô tô thì đều có một băn khoăn là xe buýt đôi lúc đi nhanh, đi vội, chuyển hướng đột ngột khiến họ giật mình trên đường. Quan điểm của anh thế nào về vấn đề này?

Anh Võ Sĩ Việt: Thực ra cái này tùy từng người lái xe. Người thuần tính, nóng tính lại khác. Giờ giấc thoải mái thì khác, còn tắc đường nửa tiếng, 1 tiếng, bị âm giờ chẳng hạn thì anh em lại phải đuổi giờ, cố gắng không thì lương bị hạ. Thì cái này theo tính. Ông nào thuần tính vẫn ngon lành cành đào, ông nào vội thì lại bị. Cái này thì khách quan xã hội cũng một phần thôi.

PV: Anh thấy thế nào khi Hà Nội ban hành bộ quy tắc ứng xử trên xe buýt danh cho hành khách và nhân viên trên xe.

Anh Võ Sĩ Việt: Cái đấy là chung rồi. Còn công ty chúng tôi vừa rồi cũng ra nội quy, quy chế mới với lái xe, kể cả giao tiếp của lái xe và nhân viên phục vụ và toàn công ty. Cứ 1 ngày làm, 1 ngày nghỉ thì đi học một buổi, sáng học phụ xe, chiều học lái, để thay đổi tư duy so với ngày xưa.

Bây giờ, mạng xã hội phát triển nhanh chóng, sơ hở cái là bị đưa lên ngay.

Tài xế Võ Sĩ Việt, lái tuyến 143, Công ty buýt Bảo Yến, cho rằng, quy tắc ứng xử là cần thiết, các bác tài cần điềm tĩnh, không được nóng vội mà xử lý thiếu an toàn trên đường

PV: Tức là sự giám sát của xã hội cũng khiến lái xe nghiêm túc hơn trong công việc?

Anh Võ Sĩ Việt: Đúng rồi, phải chú ý hơn, phục vụ chuẩn hơn ngày xưa.

PV: Nếu có lời chia sẻ nào đó về nghề nghiệp, anh sẽ nói điều gì?

Anh Võ Sĩ Việt: Cái này thì chỉ mong anh em lái xe phải kìm chế, bình tĩnh. Còn bản thân tôi thì cũng chưa làm được đến đâu nên cũng không dám chia sẻ.

PV: Xin cảm ơn anh!

Nghề lái xe buýt bị áp lực không nhỏ về điều kiện giao thông, về chỉ tiêu giờ chạy xe. Tuy nhiên, theo lời một bác tài, không thể vì những lý do khách quan mà tài xế xe buýt có thể xem nhẹ các quy tắc an toàn giao thông. Việc nghiêm cấm hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, chèn ép phương tiện khác trong bộ quy tắc ứng xử trên xe buýt cho thấy, ngành buýt cũng đã nhận diện được vấn đề.

Hy vọng, ngoài quy chế này, tài xế xe buýt và phương tiện buýt cũng sẽ được tạo điều kiện hoạt động tốt hơn, bằng cách tăng tính ưu tiên về phần đường, tăng đãi ngộ, giảm áp lực về giờ chạy xe… Để từ đó, cải thiện tâm lý tài xế, nâng hình ảnh xe buýt trong mắt người đi đường.