Quy định “Không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần”, tài xế nói gì?

Theo quy định mới tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, từ 1/1/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong một ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.

Trước quy định mới này quan điểm của các tài xế, nhất là các tài xế lái xe đường dài ra sao? VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện với các bác tài để ghi nhận ý kiến.

Tôi đang có mặt tại bến xe Mỹ Đình. Bên cạnh tôi là tài xế Nguyễn Văn Hòe, chuyên tuyến Mỹ Đình – Mường Chà và anh Trần Hoài Nam, lái xe buýt tuyến Hà Nội – Nam Định. Xin phép anh Hòe, chúng ta sẽ trò chuyện với anh Nam trước. Hiện tại tần suất làm việc của anh Nam ra sao?

Anh Nam: Bình quân tuyến xe chạy nếu đường thông thoáng thì tầm 2 tiếng rưỡi là lên đến bến xe Mỹ Đình, nếu tắc đường thì rơi vào khoảng tầm 3 tiếng rưỡi, 3 tiếng.

1 ngày 4 lượt, tầm 12 tiếng. Nghỉ ngơi thì khi lên bến Mỹ Đình thì được 40 phút chờ trong bến. Về nhà thì có ngày về đúng giờ thì nghỉ được 2 tiếng rưỡi, 3 tiếng. Trong một tuần thì gần như chạy đều trong 1 tuần. Chạy cả tuần thì tầm 84 tiếng, lên đênh trên đường là nhiều.

Với tuyến ngắn Hà Nội – Nam Định là như vậy, còn với các tuyến dài như Hà Nội – Điện Biên thì sao thưa anh Hòe?

Anh Hoè: Mình đi tuyến Mường Chà, mất 11 tiếng gần 12 tiếng, gần 600 km cơ mà, đường đồi núi, đèo nhiều. Bọn anh 2 ngày 1 chuyến, tối nay từ Mỹ Đình lên, chạy cả đêm, sáng mai tới nơi, bọn anh nghỉ ngơi cả ngày trên đấy, rồi tối mai lại từ Mường Chà về Hà Nội. Bọn anh cứ tối nay lên, tối mai xuống, cứ như thế cả tuần.

Nếu có công có việc gì thì báo bên công ty điều độ thì công ty vẫn bố trí cho mình nghỉ, nếu không xin nghỉ để bảo đảm sức khỏe thì cứ đi làm suốt cả tháng. Xe 2 lái thì mình chạy 3 tiếng rưỡi rồi đổi lái cho anh kia.

Từ 1.1.2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong một ngày

Việc giới hạn thời gian chạy xe tối đa cho tài xế, theo các anh, có giúp các bác tài cải thiện sức khỏe hơn không?

Anh Nam: Chắc chắc rồi, cũng rất muốn có thời gian công việc gia đình chứ công việc đi làm thì cũng hơi áp lực. Tuyến chạy xe khách thì lúc nào cũng phải dậy sớm, đa phần là dậy sớm về muộn. Đường xá mà thông thoáng thì còn nhẹ đầu chứ tắc đường như trong nội thành thì mệt lắm. Có thời gian nghỉ ngơi thì lưu thông đầu óc cũng sẽ thoải mái hơn, tỉnh táo hơn.

Anh Hoè: Chắc chắn rồi, đường cua đèo nhiều. Cung đường Tây Bắc nhất là vào mùa đông sương mù thì cũng căng thẳng, phải tập trung hết khả năng của mình, không thể lơ là được. Lúc mệt mỏi thì cái độ chính xác của nó không thể cao được. Mình phải bảo đảm sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi đầy đủ thì chắc chắn là sẽ tốt hơn.

PV: Với cơ chế trả lương hiện tại, khi quy định này được áp dụng sẽ tác động như thế nào đến thu nhập hằng tháng của lái xe đường dài như anh Hòe ạ?

Anh Hoè: Cái đấy khả năng là không ảnh hưởng. Gọi là có lương cơ bản nhưng cũng có lương doanh thu của khách, ví dụ khách đông thì lương mình sẽ được nâng lên, mà khách ít thì lương thấp xuống 1 tí.

Còn với anh Nam, lái xe tuyến Hà Nội – Nam Định thì sao?

Anh Nam: Chắc chắn là sẽ ảnh hưởng vì cái mức thu nhập bây giờ đang là đủ sống, không phải là mình quá dư giả gì, nếu mà giảm đi nữa thì chắc là lương sẽ thấp đi.

Tài xế Nguyễn Văn Hòe, chuyên tuyến Mỹ Đình – Mường Chà cho rằng, quy định mới có thể giúp tài xế có thời gian nghỉ ngơi, lưu thông đầu óc trước khi quay lại làm việc

Các anh có đề xuất gì cho doanh nghiệp để vừa đảm bảo sức khỏe cho tài xế, vừa không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của mình?

Anh Nam: Về sức khỏe thì ai cũng mong muốn, về đồng tiền mà không đáp ứng nhu cầu thì cũng khó. Mong doanh nghiệp tính toán để công việc anh em được đều và thu nhập anh em có để lo cho gia đình.

Anh Hoè: Thì tâm lý anh em cũng mong là lương cao lên 1 tí, hiện tại lương bây giờ gọi là chấp nhận được. Thời gian nghỉ ngơi nhiều cũng do đặc thù doanh nghiệp, từng cung đường, từng tuyến.

Cảm ơn chia sẻ của 2 bác tài.

Cũng theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, nếu tài xế vi phạm thời gian lái xe sẽ bị phạt theo quy định tại Điểm d Khoản 6 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với số tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Các điều khoản này áp dụng cho đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải cũng như vận tải nội bộ; nhằm đảm bảo sức khỏe cho các tài xế và giảm tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến yếu tố sức khỏe của người lái.