Quảng cáo rác

Từ cột điện, cây xanh, tường nhà dân, cho đến những tấm tôn bao quanh các công trình đang xây dựng, đang được không ít người tận dụng để treo biển quảng cáo.

Những biển quảng cáo như thế này không chỉ gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà đôi khi nó cũng trở thành nguồn rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

PV VOV giao thông trò chuyện với chị Lê Hạnh, Giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội.

Chào chị Hạnh, trên đường đi chợ hay đi làm chị có hay gặp những tấm biển quảng cáo như thế này không?

Chắc hẳn không chỉ mình tôi mà rất nhiều người có thể dễ dàng bắt gặp những tấm biển quảng cáo dán ở khắp nơi.

Từ tường nhà dân, trên cột điện, trạm biến áp thậm chí là cả trên cây… tất cả những chỗ nào có khoảng trống, đập vào mắt mình thì họ đều dán tận dụng để quảng cáo.

Nhiều người không có điều kiện quảng cáo trên phương tiện truyền thông thì họ nghĩ rằng, hình thức quảng cáo này đơn giản, tiết kiệm chi phí. Quan điểm của chị như thế nào?

Quảng cáo là nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp. Đơn vị nào cũng cần quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình đến khách hàng. Nhưng cần chọn hình thức nào cho phù hợp. Khi quảng cáo rác tràn lan trên đường phố, cột điện, cây xanh thì không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn rất phản cảm.

Khi tiếp cận quảng cáo đấy khách hàng cảm thấy phản cảm thì sẽ không mua hàng, bên cạnh đó còn hạ thấp giá trị doanh nghiệp.

Quảng cáo treo dán tràn lan... (ảnh: suckhoedoisong.vn)

Theo tôi hình thức quảng cáo này còn gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, đôi khi còn trở thành nguồn rác thải gây ô nhiễm môi trường nữa.

Vâng tôi hoàn toàn đồng ý. Bởi chi phí quảng cáo rất rẻ, dễ thực hiện. Ví dụ họ chỉ cần đánh máy một tờ giấy nhỏ thôi, sau đó in, phô tô ra hàng nghìn bản, cho nhân viên đi dán khắp nơi, nhiều khi vứt tờ rơi vào nhà dân tạo nên một lượng rác thải rất lớn.

Những năm gần đây hành vi dán quảng, rao vặt bừa bãi được xử lý đã hạn chế. Nhưng gần đây xuất hiện hình thức quảng cáo mới, đó là phát tờ bướm hay tờ rơi ở những ngã ba, ngã tư. Theo chị hình thức quảng cáo này như thế nào?

Tôi thấy hình thức này cũng không hiệu quả. Bởi vì khi họ dừng đèn đỏ ở ngã ba ngã tư thì chỉ 10-15 giây và nhiều khi nhân viên phát tờ vừa đưa người ta đã vứt đi luôn.

Do đó, sau khi đám đông dừng đèn đỏ đi qua đường đã ngập rác, rất khổ cho những người công nhân môi trường.

Là người làm truyền thông chuyên nghiệp và lâu năm, theo chị cần giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Theo tôi, thứ nhất, bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao ý thức về quảng cáo của mình. Thứ hai nữa là chúng ta cần phải có chế tài xử phạt mạnh mẽ. Ví dụ là thành lập những tổ đội kiểm tra, xử phạt những công ty cố tình vi phạm, cố tình làm mất mỹ quan đô thị.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP hành vi treo, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng... bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Chính vì vậy bên cạnh việc ra quân xóa bỏ “rác” quảng cáo, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân để họ biết rằng hành vi dán quảng cáo, rao vặt trên là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp quyết liệt hơn để hạn chế loại hình trên.