Quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa tại các đô thị ven biển

Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, phần lớn trong số đó là túi ni lông. Một số vùng biển ô nhiễm nghiêm trọng của Việt Nam, rác thải nhựa chiếm trên 95% tổng lượng chất thải rắn (theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới WB).

Mối quan hệ giữa phát triển du lịch và vấn đề ô nhiễm môi trường ra sao? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Trần Văn Miều, Trưởng ban truyền thông, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, sản lượng khách du lịch tại các đô thị biển Việt Nam liên tục tăng qua các năm, điều này có tác động như thế nào đến môi trường?

TS Trần Văn Miều: Du lịch là một ngành không khói, mang lại hiều lợi nhuận, phát triển cả văn hóa bản địa. Địa phương nào cũng muốn phát triển du lịch. Năm nay, Việt Nam phấn đấu đón khoảng 18 triệu khách quốc tế và sang năm phấn đấu nhiều hơn nữa, chưa kể hàng trăm triệu khách du lịch nội địa.

Sản lượng khách du lịch càng tăng, kinh tế càng phát triển, nhưng đi theo nó có rất nhiều hệ lụy đối với môi trường, nếu như hạ tầng về môi trường thoát nước và rác thải không đảm bảo.

Rác thải sinh hoạt nếu không được thu gom, xử lý đầy đủ, nhiều người vứt ra đường và xuống dưới biển, gây ô nhiễm môi trường biển. Ví dụ như túi ni lông, đồ dùng một lần, các khay nhựa, là vấn đề bức xúc trong xử lý rác thải sinh hoạt của nhiều đô thị biển.

Ảnh nh hoạ: Dangcongsan.vn

PV: Vậy giải pháp nào để vừa có thể phát triển du lịch vừa bảo vệ môi trường?

TS Trần Văn Miều: Áp dụng kinh tế tuần hoàn để biến rác thải từ cái bỏ đi thành nguồn nguyên liệu tuần hoàn, tái chế quay vòng. Du lịch phát triển nhưng phải có giải pháp làm thế nào để bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học như rặng san hô.

Các địa phương phải có giải pháp tổng thể, trước hết là quản lý, xử lý rác sinh hoạt và phải có đồng bộ về xử lý nước thải. Phần lớn nước thải xả xuống biển, mang theo mầm bệnh. Các địa phương có biển cần phải có những quy định về khu du lịch, quy định xử lý vi phạm đối hành vi vứt rác bừa bãi.

Từ ngày 1/1/2025, vấn đề rác thải phải được quản lý theo mô hình Luật đã quy định. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân, tập thể phải phân loại rác tại nguồn và không được sử dụng túi ni nông để đựng rác.

Khi những chính sách, Luật được áp dụng vào cuộc sống, và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thì các Khu du lịch (KDL) sẽ phải thực hiện theo KDL xanh, áp dụng những quy tắc ứng xử đối với du khách ứng xử với biển như thế nào và bản thân các chủ khu du lịch, chủ khách sạn cũng phải thực hiện nghiêm túc.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

Chợ làng chài Mũi Né những ngày cuối tháng 8 năm 2024, nhiều thùng xốp vứt ngổn ngang

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương lớn trên thế giới. Theo báo cáo "Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam" phát hành năm 2022, ước tính mỗi năm, lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28-0,73 triệu tấn. Nhiều đô thị ven biển cũng đối mặt với những áp lực xử lý rác thải nhựa.

Hàng ngày, từ sáng sớm, chợ làng chài Mũi Né, đường Huỳnh Thúc Kháng, tỉnh Bình Thuận tấp nập người mua bán. Đây là cũng là khu vực các thuyền đi đánh cá cập bến, khách du lịch, các nhà hàng đến tận nơi để mua hải sản. Xung quanh khu vực này, nhiều thùng xốp vứt ngổn ngang, túi ni lông, rác tập kết ngay gần đó. Chỉ cần vài đợt sóng lớn, nhiều rác thải nhựa đã bị cuốn ra biển. Với hàng trăm khu vực cảng cá, nơi tập kết tàu thuyền trên cả nước, lượng rác thải bị cuốn ra biển là một con số không hề nhỏ.

Rác thải sinh hoạt ở các đô thị ven biển là một vấn đề “đau đầu” của nhiều địa phương. Một số vùng biển, người dân, du khách không thể tắm biển hay trải nghiệm thể thao biển vì có nhiều rác thải nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Với số lượng khách du lịch gia tăng đột biến và tốc độ đô thị hóa cao, nhiều đô thị chịu áp lực lớn đối với vấn đề xử lý rác thải. PGS.TS Nguyễn Hữu Xuân, Giảng viên trường Đại học Quy Nhơn dẫn chứng:

"Theo một số nghiên cứu, mỗi một du khách thải ra 1,5-2 kg rác thải một ngày, trong đó khoảng 0,4-0,5 kg rác thải nhựa, trung bình 5-10 túi ni lông, 2-4 vỏ chai nhựa và một số vật dụng khác. Ngoài việc sử dụng dụng cụ bằng nhựa, các du khách có nhu cầu mua sắm hàng hóa, hải sản, thì các vật liệu như thùng xốp, túi nhựa, áo phao. Số lượng chất thải nhựa du khách thải ra khá lớn. Năm 2021, Đà Nẵng đã thải 83 nghìn tấn rác, trong đó có 6.700 tấn không kiểm soát được và 1 nghìn tấn thải ra ngoài biển."

Ảnh nh hoạ: Tạp chí Kinh tế Môi trường

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta vào khoảng trên 14 triệu tấn/năm, trung bình khoảng 38.500 tấn/ ngày và dự báo tốc độ gia tăng rác thải khoảng 10% mỗi năm. Trong khi đó, nhiều địa phương đang gặp phải khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt như Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ngãi…Do vậy, mỗi năm có một lượng lớn rác thải không được xử lý đã trôi ra đại dương thông qua 112 cửa biển.

PGS. TS Dương Thanh Nghị, Giám đốc quan trắc môi trường, Viện Tài nguyên và môi trường biển cho rằng, hiện nay chưa có số liệu thống kê về lượng rác thải nhựa đại dương năm 2024 nhưng không có nhiều sự thay đổi rõ rệt so với các năm trước. Ngoài nguồn rác thải sinh hoạt, những biến động về mặt thời tiết cũng làm gia tăng nguồn rác thải ra đại dương, như cơn bão Yagi mới đây:         

"Nguồn ô nhiễm do thời tiết, thiên tai là một điều không mong muốn và cũng làm gia tăng rác thải nhựa. Đặc biệt năm nay thời tiết có những thay đổi lớn. Ví dụ như cơn bão Yagi đe dọa đến thủy điện và các vùng biển, tàn phá các kho tàng bến bãi, vật liệu dân dụng, gia dụng sản xuất, phát thải ra nhiều rác, qua các dong. Tuy nhiên trong quá trình phát tán ra môi trường, cuối cùng ra biển cùng các dòng sôn. Lượng rác thải nhựa cũng như chất thải nói chung sau những biến động thiên tai rất là lớn."

Rác thải nói chung và rác thải nhựa đại dương nếu không được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy, gây ô nhiễm môi trường sống, hủy hoại nhiều sinh vật biển và làm đứt gãy chuỗi hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương có biển.

Xác định bảo vệ môi trường biển và đại dương là cách để bảo vệ hệ sinh thái biển, đảm bảo sự phát triển bền vững của các đô thị biển, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, chương trình, kế hoạch hành động bảo vệ môi trường biển và đại dương. Năm 2019, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg. Mục tiêu chung nhằm thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế  về việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương.

Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030; triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; Việt Nam đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam và đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương…         

Bên cạnh đó, Chính phủ với những nỗ lực đổi mới căn bản chính sách về bảo vệ môi trường, đặc biệt thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Chính phủ đã luật hóa các nội dung về quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Tại Nghị định số 08 năm 2022 quy định, từ 1/1/2026, Việt Nam sẽ ngừng sản xuất, nhập khẩu túi nhựa không phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày dưới 50 µm.

Đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia dọn sạch môi trường biển. Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ 25/8/2022.

Để có thể hạn chế rác thải biển, theo ông Đinh Đăng Hải, chuyên gia cao cấp tổ chức Health bridge của Canada, Chính phủ cần có những giải phát quyết liệt ngay nguồn cung các sản phẩm nhựa ra thị trường. Mặt khác, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc ban hành những chính sách, chiến lược kiểm soát sản xuất, tiêu dùng các đồ dùng bằng nhựa:

"Từ cấp Trung ương phải có chính sách về quản lý rác thải nhựa, ở các địa phương phải bắt đầu bằng tuyên truyền hoặc hướng dẫn người dân, du khách bỏ rác đúng nơi quy định và có những chính sách khác để khuyến khích doanh nghiệp địa phương hạn chế sử dụng rác thải nhựa và thay thế bằng các nguyên vật liệu tái chế hoặc là bền vững với môi trường khác".

Vừa qua, một số địa phương đã bạn hành những chính sách mạnh mẽ nói KHÔNG với rác thải nhựa như: Cù Lao Chàm cấm mang rác thải nhựa ra đảo và kiểm soát chặt chẽ các vật liệu khác như thùng xốp, áo phao; Một số khu du lịch tại nhiều địa phương đã thay thể sử dụng các sản phẩm nhựa bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như sử dụng chai thủy tinh, túi giấy…

Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy, nếu các doanh nghiệp, khu du lịch tại các đô thị biển có sự thay đổi trong sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa, cũng sẽ nâng cao nhận thức cho người dân, du khách trong cách tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.